COVID-19 khiến nhiều mặt bằng đẹp tại trung tâm Sài Gòn bỏ trống, ông chủ KIDO lại nhìn thấy cơ hội lớn
Sáng ngày 7/6, CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) đã chính thức trình làng thương hiệu Chuk Chuk - chuỗi đồ uống kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát,... các sản phẩm do công ty sản xuất. Đối tượng khách hàng hướng tới là những gia đình hiện đại, giới trẻ.
Chuk Chuk sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh gồm có hệ thống cửa hàng, xe đẩy và kiosk. Trong đó, hệ thống cửa hàng sẽ tọa lạc ở những trục đường chính và trung tâm thương mại, kiosk là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường và mô hình xe đẩy sẽ triển khai tại các đường.
Mở chuỗi giữa đại dịch - Tìm ngọc trong đá
Giải thích về việc mở chuỗi F&B trong bối cảnh đại dịch COVDI-19 phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO cho biết có cả nguy và cơ.
"Nếu như các doanh nghiệp khác mở một cửa hàng mất 3 - 4 tỷ đồng, thì chi phí đó ở Chuk Chuk chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Thời gian nhượng quyền dự kiến sau một năm để hoàn thiện", ông Nguyên nói.
Để có được mức giá tốt như hiện tại, theo ông Nguyên là nhờ dịch COVID-19 khiến nhiều mặt bằng kinh doanh đẹp bị bỏ trống. Nếu như trước đây phải mất khoảng 15.000 USD/mặt bằng tiền đặt cọc để ký hợp đồng thì nay mức giá này chỉ bằng một nửa. "Hiện nay chúng tôi đã ký hợp đồng khoảng 10 mặt bằng", ông Nguyên nói thêm.
Bên cạnh các cửa hàng, KIDO sẽ phát triển thêm các kiosk, đặc biệt là hệ thống xe đẩy ở khu vực đông dân cư, để phục vụ người tiêu dùng. Kiosk tại các trung tâm thương mại cũng góp phần giảm chi phí đầu tư và có thời gian mở cửa hàng nhanh hơn các cửa hàng outlet.
KIDO nhận định, do tác động của COVID-19, công ty sẽ mở chuỗi một cách thận trọng trong thời gian tới. Trong điều kiện vắc xin đến với người dân và COVID-19 được kiểm soát, đây là cơ hội lớn khi nhu cầu bùng nổ trở lại sau dịch.
Hiện tổng vốn đầu tư vào dự án Chuk Chuk khoảng 200 - 300 tỷ đồng. KIDO đã có các đối tác tại các TP Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây để cùng hợp tác phát triển chuỗi. Mục tiêu phát triển hệ thống với 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2025.
Bên cạnh chi phí mặt bằng thấp, hệ thống Chuk Chuk còn sở hữu lợi thế hơn so với các chuỗi cửa hàng khác như Starbucks, Phúc Long, Highlands,… đó là chi phí sản xuất thấp. Sản phẩm từ nhà máy, nguyên liệu đều sản xuất trong nước.
"Nhiều doanh nghiệp trong ngành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, phải chịu mức thuế nhập khẩu đến 30%. Trong khi KIDO sản xuất từ nguyên liệu trong nước nên sẽ có giá thành thấp ơn nhiều", ông Nguyên chia sẻ.
Với chi phí thấp và trong bối cảnh nhiều thương hiệu cùng ngành rút khỏi thị trường vì COVID-19, vị CEO KIDO tự tin đề ra mục tiêu "phải có lãi ngay năm đầu tiên chứ không chỉ là câu chuyện hình ảnh."
Mặt bằng có còn là "át chủ bài" của bán lẻ?
Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy giá mặt bằng bán lẻ đã giảm xuống 20% - 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, cho biết với các tòa nhà, mức thanh toán cọc và mức thanh toán tiền thuê đang hợp lý hơn rất nhiều.
Các doanh nghiệp bất động sản vận hành trung tâm thương mại đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, căn cứ vào tình hình kinh doanh của khách thuê ở từng thời điểm.
Theo bà Minh, trong giai đoạn này, thị trường cho thuê đã bắt đầu điều chỉnh lại về giá trị thực tế của các chuỗi bán lẻ. Theo đó, mặt bằng không còn là "át chủ bài" của bán lẻ mà các doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải suy tính kỹ hơn các chiến lược kinh doanh để giảm chi phí, gia tăng hiệu quả.
Riêng tại Hà Nội, Hoàn Kiếm là khu vực đang đạt giá thuê bán lẻ cao nhất, đặc biệt là các vị trí nhà phố thì giá thuê mặt bằng có thể lên đến 80 - 100 USD/m2, thậm chí lên đến 200 - 250 USD/m2.
Sau khi chịu tác động của dịch COVID-19, thị trường bắt đầu cân bằng lại, các nhãn hàng có mức độ tăng trưởng ổn định vẫn có thể đảm bảo được giá thuê cũ. Còn giá thuê trung bình của thị trường bán lẻ Hà Nội trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức 40 - 50 USD/m2 đối với các mặt bằng tầng trệt.
"Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn", báo cáo viết.