|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty mẹ Uniqlo bị vạ lây vì làn sóng biểu tình ở Myanmar

14:38 | 17/03/2021
Chia sẻ
Hai nhà máy hợp đồng của công ty mẹ Uniqlo vừa bị phóng hỏa. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạo lực giữa quân đội và người biểu tình sẽ đe dọa vị thế của Myanmar trong lĩnh vực dệt may thế giới.

Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo, có 5 nhà máy hợp đồng tại thành phố Yangon, Myanmar. Trong một thông báo phát đi ngày 16/3, Fast Retailing cho cho biết 2 trong 5 nhà máy hợp đồng này đã bị phóng hỏa vào đêm ngày 14/3.

Phát ngôn viên của công ty mẹ Uniqlo nhấn mạnh hai nhà máy là mục tiêu của những kẻ đốt phá. Hiện tại, Fast Retailing vẫn đang đánh giá thiệt hại và chưa có báo cáo về thương vong nào.

Công ty mẹ Uniqlo bị vạ lây vì làn sóng biểu tình ở Myanmar - Ảnh 1.

Hàng nghìn người dân Myanmar tràn ra đường biểu tình, phản đối cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. (Ảnh: Getty Images).

Theo Nikkei Asia, Myanmar chỉ chiếm khoảng 2% trong số các nhà máy hợp đồng của Fast Retailing. Tuy nhiên, ông lớn ngành may mặc Nhật Bản đang muốn xây dựng Myanmar thành cơ sở sản xuất quan trọng. Kể từ năm 2019, Fast Retailing đã xây thêm hai nhà máy tại đất nước Đông Nam Á này.

Tính đến nay, công ty mẹ Uniqlo có tổng cộng 6 nhà cung ứng tại Myanmar để sản xuất một số sản phẩm cho thương hiệu GU. Nếu tình trạng hỗn loạn ở Myanmar kéo dài, Fast Retailing sẽ phải cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang nước khác.

Kể từ sau vụ đảo chính ngày 1/2, người dân Mynamar bắt đầu tràn ra đường biểu tình hòa bình nhưng phong trào nhanh chóng chuyển biến thành bạo lực. Ít nhất 180 người đã thiệt mạng.

Nikkei nhận định, vụ phóng hỏa vào hai nhà cung ứng hợp đồng của Fast Retailing có thể là dấu hiệu đáng lo khi mà ngành dệt may được cho là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Myanmar.

Các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới dần tăng công suất tại Myanmar sau khi đất nước Đông Nam Á này chuyển sang chế độ dân chủ từ năm 2011, một phần là do bị thu hút bởi lực lượng lao động lớn và nhân công giá rẻ. Song, trong bối cảnh bạo loạn tiếp diễn, họ có thể ngừng đặt hàng với các nhà máy may mặc của Myanmar. Trên thực tế, một số công ty đã ngừng kinh doanh ở đó.

Dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy kim ngạch xuất khẩu quần áo từ Myanmar đạt 5 tỷ USD vào năm 2019, gấp 5 lần so với năm 2014. Các công ty may mặc Nhật Bản là một nhân tố quan trọng cho đà tăng trưởng của ngành dệt may Myanmar.

Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc đã nhập khẩu khoảng 113,4 tỷ yen (tương đương 1 tỷ USD) hàng may mặc từ Myanmar trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018 và tăng gấp 4 lần so với năm 2011. Myanmar là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ 7 vào Nhật Bản trong năm 2019.

Không chỉ Fast Retailing mà các công ty may mặc khác của Nhật Bản cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ cuộc chính biến. Shimamura, một chuỗi bán lẻ hàng may mặc, bị chậm đơn hàng từ Myanmar và đang cân nhắc chuyển dây chuyền sang Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á khác.

Wacoal, nhà sản xuất đồ lót hàng đầu Nhật Bản, đã tạm ngừng hoạt động tại một nhà máy ở Myanmar. Do gián đoạn trong hoạt động sản xuất và logistics, các nhà máy hợp đồng ở Myanmar hiện giao đơn hàng cho Adastria trễ 2 - 3 tuần. Adastria dự kiến sẽ tạm ngừng sản xuất tại đất nước Đông Nam Á này vào tháng tới và xem xét chuyển cơ sở đến Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

Các công ty may mặc Nhật Bản không phải là doanh nghiệp duy nhất bị ảnh hưởng. H&M của Thụy Điển đang có hơn 40 nhà máy hợp đồng ở Myanmar nhưng hãng đã ngưng sản xuất tại đó, Reuters đưa tin. Hôm 15/3, OVS của Italy cho biết họ đã tạm dừng hợp đồng với các nhà máy phân biệt đối xử người biểu tình Myanmar.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.