|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dân Trung Quốc ở Myanmar nơm nớp lo sợ sau khi nhiều nhà máy bị đốt phá

08:30 | 16/03/2021
Chia sẻ
Các doanh nhân Trung Quốc sống trong khu công nghiệp Hlaingthaya ở Myanmar đang cân nhắc tự trang bị vũ khí sau khi hàng chục nhà máy bị phá hoại vào cuối tuần trước do tâm lý chống Trung Quốc bùng phát.
Dân Trung Quốc ở Myanmar nơm nớp lo sợ sau khi nhiều nhà máy bị đốt phá - Ảnh 1.

Các nhà máy có chủ là người Trung Quốc trong khu công nghiệp ở Hlaingthaya bị đốt cháy. (Ảnh: EPA-EFE)

Hôm 15/3, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng tin 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở Hlaingthaya đã bị phá hoại kể từ ngày 14/3. Hai lao động Trung Quốc bị thương và thiệt hại về tài sản lên tới 240 triệu nhân dân tệ (38 triệu USD). 

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN đưa tin rằng những kẻ tấn công trang bị thanh sắt, rìu và xăng đã phóng hỏa các lối vào nhà máy và nhà kho. Xe cộ và các cửa hàng gần đó cũng bị phá hoại.

Thiết quân luật được áp dụng đối với Hlaingthaya và một số quận khác của thành phố Yangon vào đêm 14/3. Nhưng các doanh nhân Trung Quốc cho biết một nhà máy khác của Trung Quốc đã bị đốt cháy ngay sau khi lệnh có hiệu lực.

Nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 22 người biểu tình chống chế độ quân sự tại Hlaingthaya trong ngày 15/3 sau khi các nhà máy bốc cháy.

Một chủ nhà máy người Trung Quốc cho biết hơn 20 kẻ đốt phá mang theo bom xăng và dao đã xông vào các nhà máy trong khu vực, đập phá tài sản và cướp bóc trước khi phóng hỏa.

Ông mô tả: "Những đám khói bốc lên từ khu công nghiệp và ngọn lửa tiếp tục bùng cháy cho đến tận 3-4 giờ sáng". Ông nói thêm rằng ông phải chịu tổn thất 200.000 USD tài sản khi nhà kho bị đốt cháy hôm 15/3.

"Là người nước ngoài, chúng tôi chẳng thể làm gì", người đàn ông Trung Quốc than phiền.

Theo South China Morning Post (SCMP), Hlaingthaya là một trong những khu công nghiệp lớn nhất của thành phố Yangon, có hơn 100 nhà máy may mặc do Trung Quốc đầu tư. 

Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh bị coi là ủng hộ quân đội Myanmar. Trong những tuần gần đây, người biểu tình đã tập trung đông đảo ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, kêu gọi Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không biết về cuộc đảo chính trước khi nó xảy ra và họ không ủng hộ chính quyền quân sự.

Các doanh nhân Trung Quốc cho biết họ đã tăng cường an ninh để bảo vệ tài sản.

Một doanh nhân nói: "Chúng tôi đã niêm phong tất cả cửa sổ của các nhà máy và cử thêm nhân viên bảo vệ tuần tra bằng dùi cui điện. Chúng tôi cũng đã mua một lượng lớn bình chữa cháy trong ngày hôm nay".

Ông Lee Htay, người gốc Trung Quốc điều hành công ty vận tải ở Yangon cho biết một số người trong cộng đồng doanh nghiệp đang cân nhắc xem có nên tự trang bị vũ khí hay không.

"Nhưng chúng tôi rất thận trọng. Những hành động như vậy có thể sẽ khiến quân đội phật ý", ông Lee nói thêm.

Nỗi sợ lớn nhất của ông Lee là cuộc bạo động chống Trung Quốc vào năm 1967 sẽ tái diễn. Ông lo rằng viễn cảnh này đang trở thành hiện thực.

Ông Lee cho biết kể cả một số nhà máy là liên doanh giữa doanh nhân Trung Quốc và Myanmar cũng bị phá hủy. Ông nói tiếp: "Tôi nghe nói rằng các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều treo cao quốc kỳ, để đám đông thấy rằng chúng không phải mục tiêu".

Phản ứng của Trung Quốc

Một số người Trung Quốc ở Myanmar kêu gọi sơ tán công dân Trung Quốc khỏi nước này. Nhưng ông Lee nói rằng điều này có thể sẽ rất phức tạp: "Một số người lao động Trung Quốc muốn về nước nhưng các chủ doanh nghiệp sẽ không tính đến việc rời đi trừ khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát"

"Có hơn 400.000 người Trung Quốc ở Myanmar và nhiều người trong số đó đang kinh doanh. Họ không thể từ bỏ công ty của mình và về nước".

Về dự định của bản thân, ông Lee chia sẻ: "Hiện cũng chưa có thông tin rõ ràng từ các quan chức. Tôi sẽ đưa ra quyết định nếu tình hình xấu đi".

Tối 14/3, đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Myanmar hành động để ngăn chặn bạo lực và trừng phạt những kẻ tấn công.

"Trung Quốc kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar", tuyên bố của đại sứ quán viết.

Trung Quốc cũng kêu gọi người dân Myanmar bày tỏ ý nguyện một cách hợp pháp.

Ông Henry Chan, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định giờ đây tình hình sẽ được kiểm soát do Trung Quốc đã gây sức ép lên quân đội và cảnh sát Myanmar để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Ông nói: "Chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực buộc chính quyền quân sự cử cảnh sát hoặc binh sĩ đến bảo vệ các nhà máy của Trung Quốc. Do đó miễn là quân đội không chia rẽ và gây ra nội chiến thì tình hình sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát".

Giang

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thép Trung Quốc.