|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden áp lệnh trừng phạt các con của Thống tướng Myanmar

12:03 | 11/03/2021
Chia sẻ
Mỹ trừng phạt hai người con của Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing cùng 6 doanh nghiệp liên quan. Lý do Mỹ đưa ra là hai người này "đã trực tiếp hưởng lợi từ vị trí và thế lực xấu xa của cha mình".
Ông Biden trừng phạt các con của Thống tướng Myanmar - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing. (Ảnh: EPA)

Bộ Tài chính Mỹ liệt Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon – những người con đã trưởng thành của Thống tướng Min Aung Hlaing vào danh sách đen. Công dân Mỹ bị cấm làm ăn với Aung Pyae Sone, Khin Thiri Thet Mon và 6 công ty họ sở hữu. Những công ty này kinh doanh nhà hàng, phòng gym, phòng trưng bày và phương tiện truyền thông.

Ông Min Aung Hlaing đã lãnh đạo cuộc đảo chính đầu tháng 2 và trở thành người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar.

Mỹ cho biết vào năm 2013, Aung Pyae Sone đã giành được giấy phép 30 năm để thuê đất cho nhà hàng ở thành phố Yangon mà không có bất kỳ hoạt động đấu thầu cạnh tranh nào. Trong thời gian 5 năm, giá thuê đất nhà hàng này trả còn chưa bằng 1% so với mặt bằng chung.

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi thực hiện những hành động này để đối phó với cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện chống lại chính phủ dân sự và việc quân đội giết hại dã man những người biểu tình ôn hòa".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Mỹ có thể tung ra các biện pháp trừng phạt bổ sung. Đồng thời ông lên án việc lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ hơn 1.700 người và tấn công những người biểu tình không vũ trang.

"Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động thêm để chống lại những kẻ kích động bạo lực và đàn áp ý chí của người dân", Reuters dẫn tuyên bố của ông Blinken.

Theo Bloomberg, chính quyền Biden đã đi đầu trong việc cố gắng tấn công quân đội Myanmar về mặt tài chính sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Chính biến đã làm nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình và tẩy chay từ giới công chức nhằm chống lại chế độ quân sự. Lực lượng an ninh đã sử dụng đạn thật nhắm vào người biểu tình, khiến hơn 60 người thiệt mạng.

Ông John Sifton, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ca ngợi động thái của Bộ Tài chính Mỹ vì tấn công trực tiếp vào tài sản của Thống tướng Min Aung Hlaing. Nhưng ông cũng kêu gọi Mỹ hành động mạnh tay hơn.

Ông Sifton nói: "Động thái mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ không phải biện pháp trừng phạt có thể buộc quân đội Myanmar thay đổi hành vi. Chúng tôi khuyến nghị Mỹ tập trung vào các dòng doanh thu lớn hơn nhiều và việc cắt bỏ chúng sẽ gây ra tổn thất lớn đối với quân đội".

Theo ông Sifton, Mỹ cần cắt đứt doanh thu đến từ dầu và khí đốt trong các dự án có sự tham gia của những công ty quốc tế.

Cho tới nay, Mỹ đã tránh trừng phạt các tập đoàn mà quân đội Myanmar sử dụng để kiểm soát phần lớn kinh tế đất nước, bao gồm Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdings Limited (MEH).

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố cấp cao lên án bạo lực tại Myanmar. Các nhà ngoại giao giấu tên cho biết một số quốc gia bao gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã phản đối việc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ đối với quân đội Myanmar như trong các bản dự thảo trước đó.

Giang