Công ty mẹ Gojek muốn bán cổ phần của nhà đầu tư để ngăn giá cổ phiếu lao dốc
Công ty công nghệ lớn nhất Indonesia là GoTo Group, công ty mẹ của ứng dụng gọi xe Gojek, đang đàm phán với các chủ sở hữu lớn của mình để bán cổ phần có kiểm soát trị giá khoảng 1 tỷ USD, nhằm mục đích ngăn chặn sự sụt giảm giá cổ phiếu khi thời hạn chốt sổ sắp đến, theo Bloomberg.
Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, nhà cung cấp dịch vụ gọi xe và thương mại điện tử có trụ sở tại Indonesia đang đánh giá sự quan tâm của những nhà đầu tư ban đầu, bao gồm gã khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd. của Trung Quốc và quỹ đầu tư SoftBank Group Corp. của Nhật Bản để bán một số cổ phần có kiểm soát cho các nhà đầu tư mới.
Các nguồn tin chia sẻ rằng kế hoạch này của GoTo là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm tiềm năng của giá cổ phiếu GoTo có thể xảy ra nếu nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu khi thời hạn chốt sổ hết hạn vào ngày 30/11.
GoTo cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với một số nhà đầu tư để yêu cầu họ cam kết nắm giữ cổ phiếu của mình trong thời gian dài hơn 6 tháng, một trong số các nguồn tin chia sẻ.
Công ty có trụ sở tại Jakarta, Indonesia đang trong giai đoạn đầu đàm phán với các nhà đầu tư và bất kỳ mức giá tiềm năng nào cũng có thể được đưa ra để đàm phán. Bloomberg công ty mẹ Gojek vẫn đang cân nhắc về các lựa chọn và chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào.
Gã khổng lồ công nghệ trong khu vực Đông Nam Á, có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 15 tỷ USD, đang cố gắng tránh tình huống xấu nhất khi phần lớn những nhà đầu tư có thể tìm cách rút tiền ra cùng một lúc. Nhiều cổ đông lớn đã đồng ý giữ cổ phần của họ trong ít nhất 8 tháng sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty vào cuối tháng 3.
Vào cuối tháng 6, nhà sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo Trung Quốc là SenseTime Group Inc. từng chứng kiến giá trị cổ phiếu sụt giảm tới 51% trong một phiên giao dịch khi đến ngày hết hạn (ngày mà quyền ưu đãi đăng ký, quyền chọn mua hoặc bán cổ phiếu, hoặc các quyền mua thêm ưu đãi khác hết hạn). Trước đó, công ty này đã IPO vào tháng 12/2021.
Khoảng 1.000 tỷ cổ phiếu GoTo, hoặc hơn 90% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, đủ điều kiện để bán bắt, đầu từ ngày 30/11. Một số tác nhân không có quyền bán cổ phiếu GoTo, bao gồm quỹ nhân viên của công ty. Alibaba nắm giữ khoảng 8,8% cổ phần của GoTo, trong khi SoftBank nắm giữ khoảng 8,7% cổ phần.
GoTo đã mời Citigroup Inc. và Goldman Sachs Group Inc., cùng với các cố vấn tại Indonesia, để giúp quản lý việc mua bán tiềm năng của các cổ đông hiện tại. Đại diện của GoTo, Citigroup, Goldman Sachs và SoftBank từ chối bình luận về vấn đề này. Đại diện Alibaba cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Trước đó, trong tháng 8, GoTo cũng đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022. Theo đó, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 14,17 nghìn tỷ rupiah (955 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm, cao hơn gấp đôi khoản lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi doanh thu đã tăng 32%.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021, GoTo ghi nhận khoản lỗ ròng 6,6 nghìn tỷ rupiah. Bên cạnh đó, doanh thu trong nửa đầu năm nay của doanh nghiệp đã tăng lên 3,3 nghìn tỷ rupiah. Đây là lần thứ hai GoTo công bố báo cáo tài chính kể từ khi chính thức lên sàn vào tháng 4. Những kết quả này nhấn mạnh những khó khăn và thách thức mà siêu ứng dụng của Indonesia phải đối mặt trong thời gian gần đây.
Được thành lập thông qua sự hợp nhất của nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Gojek và công ty thương mại điện tử Tokopedia, GoTo đã huy động được 1,1 tỷ USD trong một trong những đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới trong năm nay.
Từng tăng lên sau đợt IPO, giá cổ phiếu GoTo hiện tại đang được giao dịch với giá thấp hơn khoảng 40% so với giá lúc IPO. GoTo nằm trong số các công ty internet tiêu dùng Đông Nam Á đang có thêm người dùng với tốc độ nhanh, song vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.
Sự hợp nhất của GoTo đã thổi bùng làn sóng xuất hiện các kỳ lân (những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) ở khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây. Chính Indonesia cũng là nơi chứng kiến hàng loạt kỳ lân mới ra đời, tiêu biểu như Bukalapak, một nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử.
Đây là một công ty internet hàng đầu ở Indonesia, quốc gia có hơn 270 triệu dân với những người tiêu dùng am hiểu về thiết bị di động đang mua sắm trên nền tảng của Tokopedia và đặt xe cũng như đồ ăn qua ứng dụng Gojek.