|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt: Chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn

23:16 | 24/09/2019
Chia sẻ
Xét về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Phụ tùng linh kiện ô tô hiện sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

photo-1

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.

Trong một báo cáo vừa công bố về tổng quan ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô chưa phát triển, bởi điều kiện cần về quy mô thị trường chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, khu vực ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn trên thế giới.

Trong ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Việt Nam. Công nghiệp ô tô tại mỗi quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển khác nhau.

Trong khi các nước ASEAN 4 đã có trên 30-40 năm phát triển, đặc biệt từ giữa những năm 1980 khi làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực ASEAN tăng mạnh thì công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt: Chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn - Ảnh 2.

“Xét về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận xét.

Cụ thể nếu so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.

“Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao đông, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Nhập linh kiện chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc

Theo số liệu của Bộ Công Thương, để phục vụ lắp ráp trong nước, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhâp khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).

Mặc dù chưa phát triển nhưng theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô thời gian gần đây cũng đạt được mức tăng trưởng bình quân 18% giai đoạn 2010-2016.

Giá trị xuất khẩu đã tăng từ 0,7 tỷ USD năm 2010 lên 3,5 tỷ USD năm 2016. Phụ tùng xuất khẩu chủ yếu là cụm dây diện (HS8544), chiếm trên 50% và thị trường chủ yếu là Nhật Bản (50%) và Hoa Kỳ (13%).

Phụ tùng xuất khẩu lớn thứ hai là linh kiện hộp số (HS870840) chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô, và điểm đến chủ yếu là Nhật Bản, Mexico, và Trung Quốc.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa.

Cụ thể, xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp.

Cụ thể, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra...

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đưa ra các con số cho thấy lượng ô tô nhập tăng kỷ lục. Theo đó, Bộ này đã hiến một loạt kế “cứu” công nghiệp ô tô Việt trước áp lực cạnh tranh từ xe ngoại.

Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường AEAN do được ưu đãi thuế quan.

Theo đó, Bộ này đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo, đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ô tô (công nghiệp hỗ trợ).

Đối với dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50 nghìn xe/năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số…, Bộ Công Thương muốn được hưởng một loại chính sách ưu đãi và hỗ trợ.

Đó là được hưởng chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo...

Nguyễn Mạnh