|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến trụ hạng trong ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc

10:37 | 14/03/2021
Chia sẻ
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc giờ đây được biết tới là cuộc chiến giữa Hyundai, Kia và phần còn lại.

Khoảng cách giữa người chiến thắng và kẻ thất bại trong ngành công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc đang ngày một rộng khi hai ông lớn là Hyundai Motor và Kia Motors đang bỏ lại đằng sau các đối thủ yếu hơn chìm vào suy thoái.

Nhật báo Nikkei Asia đưa tin, trong khi doanh thu của Hyundai và Kia đang dần phục hồi sau sự sụt giảm do dịch bệnh thì GM Hàn Quốc - công ty con của General Motors, Renault Samsung Motors và SsangYong Motor,… đang phải vật lộn để tồn tại. Đại dịch đã tạo ra khoảng cách rõ ràng giữa nhóm dẫn đầu và những cái tên bị bỏ lại phía sau.

SsangYong Motor

SsangYong Motor đã nộp đơn phá sản lên toà án vào tháng 12/2020, trong khi Renault Samsung tiếp tục chứng kiến sản lượng sụt giảm tới 31% trong năm ngoái. Ngày 3/2/2021, nhà máy sản xuất Pyeongtaek của SsangYong đã phải tạm dừng hoạt động do "sự gián đoạn nguồn cung phụ tùng", theo hãng xe.

Công ty không đủ khả năng thanh toán tiền mặt cho nhà cung cấp khiến nhà cung cấp phụ tùng từ chối giao sản phẩm. Kể từ thời điểm đó, đến nay nhà máy nay đã hoạt động trở lại song thỉnh thoảng vẫn ngừng hoạt động do thiếu linh kiện.

Trước đó, cuối năm ngoái, doanh nghiệp cũng đã phải dừng sản xuất vì lý do tương tự. Lo lắng về điểm tín dụng của SsangYong Motor ngày một tăng sau khi công ty này không còn đủ khả năng trả nợ và tìm cách thanh lý tài sản bằng việc nộp đơn xin phá sản lên toà án.

Cuộc chiến trụ hạng trong ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc - Ảnh 1.

Thiếu tiền mặt đã khiến SsangYong Motor không thể ra mắt sản phẩm mới, sản lượng sụt giảm và cuối cùng phải nộp đơn xin phá sản lên toà án tại Hàn Quốc. (Ảnh: Nikkei Asia).

Mahindra & Mahindra - một công ty tại Ấn Độ, đơn vị sở hữu 75% cổ phần của SsangYong, và chủ nợ chính của nó, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, đang tìm kiếm các nhà tài trợ. Công ty mẹ tại Ấn Độ cho biết họ sẽ giúp nhà sản xuất Hàn Quốc trở lại bằng cách nhanh chóng đạt được thoả thuận với các bên liên quan.

Song theo Nikkei Asia, các cuộc đàm phán về tái cấu trúc công ty không được suôn sẻ cho lắm do công ty gặp khó khăn đã không thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng.

Trong hơn hai thập kỷ qua, SsangYong Motor đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Sau khi tập đoàn SsangYong trở thành nạn nhân của cuộc Khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, bộ phận sản xuất ô tô chủ chốt của tập đoàn đã được bán cho SAIC Motor của Trung Quốc vào năm 2004.

Tuy nhiên, SsangYong Motor vẫn không khởi sắc khi về tay chủ mới. Nó tiếp tục được bán lại cho một doanh nghiệp Ấn Độ là Mahindra & Mahindra vào năm 2011 và kể từ đó, lãnh đạo công ty đã cố gắng xoay chuyển tình hình nhưng không có kết quả.

Sản lượng của hãng trong năm 2020 đã giảm 20% so với 2019, xuống còn 106.000 xe. Tình trạng thiếu vốn đã cản trở nỗ lực tung ra các mẫu xe mới của hãng, khiến doanh số bán hàng giảm sút.

Một nhà quan sát trong ngành nhận xét, trừ khi có một nhà tài trợ mới xuất hiện nếu không công ty sẽ buộc phải phá sản.

Renault Samsung

Tình hình cũng không khá hơn đối với Renault Samsung, công ty do Renault của Pháp sở hữu 80% cổ phần. Doanh nghiệp cho biết sản lượng sản xuất của họ còn sụt giảm nghiêm trọng hơn trong năm qua.

Kể từ khi được thành lập, Samsung đã bán mảng sản xuất xe của mình cho nhà sản xuất ô tô Pháp vào năm 2000. Renault Samsung đã duy trì sản lượng bằng cách gia công ô tô cho tập đoàn Renault.

Hãng từng sản xuất 100.000 chiếc Nissan Rogues mỗi năm tại nhà máy duy nhất ở Busan (Hàn Quốc). Song liên doanh Pháp-Nhật đã dừng hợp đồng vào năm ngoái trong quá trình tái cơ cấu tập đoàn, điều này khiến sản lượng của Renault Samsung sụt giảm tới 31%.

GM Hàn Quốc

Mặc dù GM Hàn Quốc chứng kiến việc giảm sản lượng ít hơn so với hai doanh nghiệp kể trên, song nó cũng đang đứng ở giữa ngã ba đường. GM thông báo rằng họ sẽ ngừng sản xuất các xe điện chạy xăng vào năm 2035. Nhà máy của GM tại Hàn Quốc chưa bao giờ sản xuất xe điện, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc sản lượng giảm mạnh khi công ty mẹ tập trung vào xe điện.

Theo Nikkei Asia, một vấn đề phổ biến đối với các nhà sản xuất ô tô yếu kém tại Hàn Quốc đó là họ không thích ứng được với cuộc cách mạng chuyển đổi sang CASE - (connected, autonomous, shared và electric - mobility) kết nối, tự hành, chia sẻ, điện và di động.

Mặc dù có liên kết với các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, song cả Renault Samsung và GM Hàn Quốc đang phải vật lộn với một tương lai bất định do việc tái cơ cấu từ công ty mẹ. Triển vọng của SsangYong, doanh nghiệp từng sản xuất hơn 100.000 xe mỗi năm, cũng ảm đạm không kém.

Phía bên kia, Hyundai - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, và Kia đã bắt tay hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài để đảm bảo quỹ nghiên cứu và phát triển cần thiết trong một ngành công nghiệp đang thay đổi.

Năm 2020, sản lượng ô tô nội địa Hàn Quốc đã giảm 11% xuống còn 3,5 triệu xe, trong đó xuất khẩu bị thu hẹp. Với nhu cầu mua xe mới tiếp tục thấp, ngành công nghiệp ô tô nước này được dự báo sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian tới.

Thiên Trường