|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ô tô nhập khẩu tăng mạnh, giải pháp nào cứu nguy ngành công nghiệp ô tô Việt?

10:11 | 06/09/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Công thương, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo. Do đó cần có giải pháp phát triển và đẩy mạnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về thị trường ô tô Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.

photo-1-1566655669907846011824

Bộ Công thương lo ô ô Việt khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. (Ảnh: Dân trí)

Theo Bộ này, năm 2018, số lượng ô tô nhập khẩu đạt 81.609 chiếc, trị giá 1,8 tỉ USD, giảm 16% về số lượng và giảm 19,8% về trị giá so với năm 2017.

Tuy nhiên đến 6 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh, đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỉ USD, tăng 513% về số lượng và tăng 413,4% về trị giá so với cùng kì năm trước, đạt gần mức cả năm 2018 (81.787 xe ô tô).

Lý giải về con số trên, Bộ Công Thương cho biết, sau khi Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực, việc nhập khẩu ô tô bị chững lại trong các tháng đầu năm 2018. Nhưng từ tháng 6 năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, đã được phía nước ngoài cấp VTA và được Bộ Giao thông vận tải chấp nhận nên nhập khẩu ô tô đã gia tăng rất mạnh.

Đến thời điểm hiện tại các vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đã được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết. Đến nay các doanh nghiệp đã cơ bản tuân thủ đầy đủ các qui định của Nghị định 116, chưa có khó khăn vướng mắc gì.

"Dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo", Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, tương quan giữa số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn đã thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp.

Tuy nhiên, theo Bộ này, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.

"Tỉ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu khẩu. 

Đặc biệt là từ năm 2018, các xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng ASEAN sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA của ASEAN. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỉ trọng lớn do có lợi thuế về ưu đãi thuế quan", Bộ Công Thương nhận định.

Trước thực trạng trên, Bộ Công thương cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như ô tô, các sản phẩm máy nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô,...

Về dài hạn, có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trương xuất khẩu tong khu vực...

Thu Hà