Nhiều ưu đãi cho cả ô tô lắp ráp và nhập khẩu, Việt Nam sẽ có xe giá rẻ?
Mới đây, hàng loạt đề xuất mới tác động trực tiếp đến thị trường ô tô đã được đưa ra. Trong đó phải kể đến quy định ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô của Bộ Tài chính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP, hay việc yêu cầu sửa đổi Nghị định 116 theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo đó, Bộ Tài chính đang đưa ra Dự thảo về việc các doanh nghiệp lắp ráp ô tô sẽ được áp dụng mức thuế suất 0% đối với các linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô nếu đáp ứng được yêu cầu về sản lượng tối thiểu theo từng chủng loại khác nhau.
Còn đối với việc sửa đổi Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong đó ô tô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng sửa nghị định theo hình thức rút gọn và thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Sửa Nghị định 116, ô tô nhập khẩu được "rộng cửa"
Về việc sửa đổi Nghị định 116, đại diện Ford Việt Nam cho biết, đến nay hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã đáp ứng những quy định của Nghị định 116 về mặt giấy tờ. Tuy nhiên, việc sửa đổi các điều kiện và quy định của Nghị định này theo hướng cắt giảm bớt sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá ô tô nhập khẩu theo chiều hướng giảm xuống nếu không có các hàng rào phi thuế quan.
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh nới lỏng một số điều kiện của Nghị định 116 từng là “rào cản” rất lớn đối với ô tô nhập khẩu sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Đồng thời, “cửa vào” của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô quy mô nhỏ sẽ rộng hơn tác động đến sản xuất trong nước.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải nâng cao chất lượng. Trong bối cảnh tất cả các chi phí giảm đi, thuế nhập khẩu cũng bằng 0% thì ô tô nhập khẩu sẽ chiếm ưu thế so với xe lắp ráp trong nước ngay trên sân nhà.
Dung lượng của thị trường ô tô Việt Nam hiện vẫn chưa đủ lớn để các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tăng quy mô nội địa hoá. Nhất là trong bối cảnh bất cập giữa việc phát triển ngành công nghiệp ô tô – thu ngân sách Nhà nước và hạ tầng giao thông.
Trong khi Bộ Công thương có chiến lược phát triển ô tô quy mô lớn bởi nếu phát triển được ngành công nghiệp ô tô sẽ lan toả ra các ngành khác như: Điện, cơ khí, dệt kim,… thì hạ tầng hiện nay lại chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, vẫn đề thu ngân sách Nhà nước từ đối với ngành công nghiệp này cũng là một vấn đề cần được giải quyết, ông Long chỉ ra.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Vẫn không có chuyện ô tô giá rẻ
Trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta bắt buộc phải mở cửa thị trường ô tô. Vì vậy, thúc đẩy ngành công nghiệp này là một việc làm cần thiết.
Mới đây, Bộ Tài Chính cũng đã đưa ra nhiều đề xuất mới liên quan đến ưu đãi thuế cho nhập khẩu linh kiện ô tô. Tuy nhiên, trong đó cũng bao gồm điều kiện về quy mô mà các doanh nghiệp phải đạt được sau đó mới được giảm thuế.
"Điều này sẽ giúp đưa giá xe ô tô tại thị trường Việt Nam về với giá trị thật, không cao hơn quá nhiều so với các nước khác, chỉ có ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước thì mới cạnh tranh được với xe nhập khẩu", ông Long nói.
Dù vậy, ông Long vẫn cho rằng, sẽ không có chuyện ô tô giá rẻ tại Việt Nam mà chỉ có giá hợp lý. Bởi chỉ khi 3 yếu tố về quy mô – thuế phí – hạ tầng tác động đến ngành ô tô được dung hoà thì dung lượng thị trường mới đạt đến mức đủ lớn trên 1 triệu xe như một số quốc gia khiến giá xe giảm.