|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ưu đãi lớn, ô tô Việt vẫn chật vật giảm giá thành

14:38 | 05/09/2019
Chia sẻ
Ô tô tại Việt Nam có chi phí sản xuất đắt hơn 20% so với các nước ASEAN. Nhiều ưu đãi đã được ban hành song các hãng ô tô trong nước vẫn khó giảm giá thành.

Hưởng ưu đãi thuế, xe trong nước tăng mạnh

Theo Nghị định 125/2017 của Chính phủ về thuế xuất nhập khẩu, các hãng ô tô được hưởng mức giảm thuế linh kiện phụ tùng trong nước chưa sản xuất được về 0% khi đạt được sản lượng xe theo cam kết.

Cụ thể, mỗi kỳ (6 tháng) của năm 2018, điều kiện đặt ra cho các hãng là sản lượng chung tối thiểu đạt 8.000 xe và sản lượng tối thiểu cho mẫu xe cam kết là 3.000 xe. Sang năm 2019, mỗi kỳ, con số sản lượng xe phải tăng thêm 500 chiếc.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cho đến nay, 8 công ty sản xuất ô tô thuộc 4 hãng lớn: Hyundai Thành Công (TC Motor), Toyota, Thaco Trường Hải, Ford đều đã được hưởng ưu đãi này. Có thể kể tên các mẫu đạt sản lượng sản xuất cao đã mang lại cho các hãng xe khoản ưu đãi thuế linh kiện 0% như Toyota Vios, Fortuner, Hyundai Grand i10, Ford Transit…

Chia sẻ với Xe VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay, Nghị định 125 đã mang lại kết quả rất khả quan cho ngành ô tô.

Nhờ chính sách thuế 0% đã góp phần khuyến khích các hãng xe tăng sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước. Sản lượng sản xuất các dòng xe con, xe du lịch năm 2018 tăng 31% so với năm 2017.

Ưu đãi lớn, ô tô Việt vẫn chật vật giảm giá thành - Ảnh 1.

Hyundai Thành Công (TC Motor) đã tăng mạnh sản lượng lắp ráp năm 2018

Số liệu từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2018, riêng số lượng xe sản xuất lắp ráp năm 2018 của Hyundai Thành Công và Thaco Trường Hải là 144.960 xe, chiếm 45,7% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu của cả nước và 58% số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong đó Hyundai Thành Công có sản lượng tăng đột biến so với 2017. Năm 2018, hãng này sản xuất, lắp ráp 61.460 chiếc trong khi năm 2017 chỉ sản xuất lắp ráp 28.383 chiếc.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, hai hãng này cũng đã sản xuất lắp ráp là 81.595 xe tăng 10,8% về số lượng và chiếm 40% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu so với cùng kỳ.

Nếu như năm 2017, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước gấp 2,5 lần xe nhập khẩu thì năm 2018, gấp 3,72 lần.

Hãng xe Nhật Bản là Toyota cũng đang dần quay trở lại từ nhập khẩu sang lắp ráp với mẫu hot Fortuner, nâng tổng số mẫu lắp ráp tại Việt Nam là 4 mẫu.

Bà Hằng cho biết, quy mô tăng, số thu ngân sách từ 8 công ty trên trong năm 2018 đã tăng thêm 7.300 tỉ đồng so với 2017. Đây là khoản tăng thu đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cũng cho biết, không chỉ chính sách ưu đãi thuế linh kiện này, ngành ô tô những năm qua còn có nhiều ưu đãi khác.

Về lý thuyết, chương trình ưu đãi thuế như vậy đã góp phần giảm giá thành xe. Nhờ đó, các hãng xe có nhiều dư địa để tung ra các ưu đãi giảm giá bán xe trên thị trường vừa qua.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương hiện nay, một gói ưu đãi mới đang được kiến nghị tập trung thúc đẩy ngành ô tô như hoàn thuế VAT trong 3 tháng đối với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị trong nước, các dự án sản xuất có quy mô lớn còn được hưởng thêm nhiều ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Vẫn khó giảm giá thành

Tuy nhiên, theo đại diện của các hãng xe, sự nỗ lực vừa qua của Chính phủ dường như vẫn chưa thể giúp kéo chi phí sản xuất xe trong nước giảm đủ sức cạnh tranh với luồng xe nhập khẩu thuế 0% đang ồ ạt tràn về.

Ưu đãi lớn, ô tô Việt vẫn chật vật giảm giá thành - Ảnh 2.

Giá thành xe khó giảm vì phụ thuộc linh kiện phụ tùng nhập khẩu

Giá thành xe còn phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng khác là dung lượng thị trường và tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) phân tích: "Đây là một bài toán tổng thể. Hiện nay sản lượng của chúng ta là hơn 300.000 xe/ năm trong khi ở Thái Lan là 2 triệu xe/năm. Nước bạn sản xuất xe đạt sản lượng gấp 6-7 lần Việt Nam. 

Tỷ lệ nội địa hóa của Thái Lan là 40- 60% thậm chí trên có những mẫu xe đạt 80%, chúng ta mới chỉ đạt 25 -30%".

Do vậy, giá thành xe ở Việt Nam cao hơn Thái Lan là tất yếu.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đều mong muốn đẩy mạnh nội địa hóa để giảm giá thành. Nhiều hãng ô tô đã tự sản xuất các linh kiện ngay tại nhà máy hoặc chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp nội địa để cung cấp, sản xuất linh kiện cho mình.

"Thế nhưng, câu chuyện lại khó khăn ở chỗ, nhiều chi tiết, linh kiện mà chúng ta làm được nhưng sản lượng nhỏ nên giá thành cao. Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cân nhắc xem có giảm giá thành được không khi tăng mua linh kiện trong nước", ông Tuấn nhìn nhận.

“Nội địa hóa không phải để cho vui mà làm sao để giảm được giá thành thì nội địa hóa mới có ý nghĩa và mới thúc đẩy được khả năng cạnh tranh của sản phẩm ô tô. Nếu  chúng ta nội địa hóa mà giá thành cao hơn thì làm cho ô tô của chúng ta có giá thành lại cao tiếp tuc hơn”, ông Tuấn nói.

Trước đó, Cục Công nghiệp cũng cho biết, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… nên ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Điều này khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn từ 10 đến 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Cũng bởi lý do này, mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 125 đã đề xuất sẽ miễn thuế nguyên liệu vật tư cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, từ đó, gián tiếp các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ được hưởng ưu đãi kép.

Theo các chuyên gia trong ngành ô tô, bản thân các hãng xe cũng cần đồng hành cùng Chính phủ bằng chiến lược chủ động lâu dài thực sự thay vì chỉ kêu gọi các ưu đãi thuế.

Thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu trong ASEAN về 0%, trong khi Hyundai Thành Công chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp hoàn toàn, Thaco Trường Hải kiên trì mở rộng sản xuất thì Toyota Việt Nam từ sản xuất lắp ráp 5 mẫu đã giảm ngay xuống 3 mẫu (nay là 4 mẫu), Honda từ 3 mẫu lắp ráp nay chỉ còn lắp ráp duy nhất 1 mẫu Honda City... 

Với chiến lược bỏ sản xuất, tăng nhập khẩu để giành thị trường như vậy, ưu đãi thuế dù lớn đến đâu cũng không thể thay đổi căn cơ năng lực cạnh tranh của ô tô sản xuất tại Việt Nam.

Phạm Huyền