Gần 2 năm bỏ thuế xe nhập, thị trường ô tô Việt có gì đổi khác?
Tiêu thụ xế hộp chỉ hơn 1,5 lần lúc chưa bỏ thuế
Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 7 tháng đầu năm tiêu thụ xe du lịch đạt hơn 128.200 chiếc, tăng hơn 31.700 chiếc so với năm trước và tăng gần 43.000 chiếc so với thời điểm chưa bỏ thuế xe nhập từ ASEAN.
Rõ ràng tiêu thụ thị trường xe vẫn còn chuyển biến chậm, chủ yếu là do giá xe chưa giảm như kỳ vọng.
Lượng xe cá nhân tiêu thụ gấp 1,5 lần năm trước
Về tổng số xe, tính đến thời điểm 7 tháng của năm 2019, ước tính cả nước tiêu thụ được hơn 171.600 chiếc xe các loại, tăng hơn 28.000 chiếc so với năm trước và chỉ tăng hơn 17.600 chiếc so với thời điểm chưa bỏ thuế. Thậm chí so với 7 tháng năm 2016, lượng xe tiêu thụ toàn thị trường còn xấp xỉ so với hiện nay.
Trung bình, doanh số bán xe theo tháng của 7 tháng đầu năm 2019 là hơn 22.500 chiếc/tháng, tăng hơn 4.000 so với bình quân của 7 tháng năm 2018, chỉ tăng hơn 2.500 chiếc so với bình quân thời gian năm 2017 và 1.000 chiếc/tháng so với 7 tháng năm 2016.
Như vậy, về mặt con số, ta thấy lượng tiêu thụ xe hơi không có tăng đột biến sau khi bỏ thuế nhập khẩu xe hơi, chủ yếu lượng xe tiêu thụ nhiều đổ dồn vào xe du lịch.
Cụ thể, 7 tháng năm 2019 so với cùng kỳ 2016, lượng xe du lịch tăng nhiều nhất đạt trên 46.000 chiếc, tương ứng tăng tiêu thụ mỗi tháng hơn 6.600 chiếc.
Giảm giá xe chưa như kỳ vọng
Mặc dù thuế nhập khẩu xe các loại từ ASEAN tương ứng ở mức 30% năm 2017 xuống còn 0% từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên, tính đến nay giá các dòng xe tại Việt Nam không giảm rõ rệt.
Thị trường chỉ chứng kiến đà giảm giá của một số dòng xe bán ế hoặc muốn tăng doanh số trên thị trường, xu hướng giảm giá xe hàng trăm triệu đồng như từ năm 2017 không diễn ra.
Sau 2 năm bỏ thuế, thị trường không chứng kiến biến động giảm giá mạnh ồ ạt các dòng xe, mẫu xe.
Điều được nhất mà thị trường xe hơi Việt ghi nhận được sau khi Việt Nam bỏ thuế nhập xe từ Thái Lan, Indonesia chính là sự đa dạng nguồn cung, dòng và mẫu xe.
Các dòng xe giá rẻ hatchback không chỉ độc tôn bởi mỗi Hyundai i10, Kia Morning mà có sự tham gia của Toyota, Honda, Mitsubishi với Wigo, Brio và Mirage.
Phân khúc xe SUV và MPV đô thị có sự đa dạng nhất sau khi Việt Nam bỏ thuế, thị trường xe nhập có thêm nhiều mẫu xe mới hoặc giá các loại xe khác rẻ đi nhanh chóng như Mazda CX5, Mitsubishi Outlander, Hyundai SantaFe, Kona rồi bổ sung thêm nhiều mẫu xe mới đã và đang ra mắt thị trường Việt như Toyota Rush, Honda HRV, Chevrolet Trailblazer, Mitsubishi Xpander, Mazda CX8, Hyundai Palisade...
Một điểm đáng nói là tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam đang có tỷ lệ cao và gia tăng mua xe mạnh mẽ ở phân khúc xe cao cấp. Xe Sedan, SUV và MPV đều có doanh số vượt gấp 3 - 5 lần so với xe giá rẻ hatchback.
Điều này chứng tỏ xe hơi mới chỉ đáp ứng một bộ phận người có tiền, nhà giàu, còn tầng lớp người có thu nhập bình dân vẫn chưa tiếp cận được xe hơi.
Liên minh Thái, Indonesia "bao sân", xe chuẩn Mỹ, EU "đuối sức"
Trong dòng chảy xe nhập, nếu trước kia sở hữu chiếc xe nhập khá đắt đỏ thì nay người Việt dễ dàng hơn. Các xe Thái Lan, Indonesia đều là thương hiệu của Nhật, Mỹ, Hàn đổ bộ vào Việt Nam, đi liền với đó là giá cả rẻ hơn và tiêu chuẩn cũng được giảm đi phù hợp với xuất xứ quốc gia.
Xe Thái, Indonesia lập "liên minh", "bao sân" thị trường Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết 6 tháng năm 2019, lượng xe nhập Mỹ về chỉ đạt 690 chiếc, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Xe Đức chỉ nhập về hơn 770 chiếc, chỉ tăng gần 100 chiếc so với năm 2017 và giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Xe nhập từ Nhật 6 tháng qua đạt hơn 1.600 chiếc, giảm hơn 400 chiếc so với cùng kỳ 2017, và hơn 2.600 chiếc so với cùng kỳ năm 2016. Xe nhập từ Hàn Quốc cũng chỉ đạt gần 600 chiếc, giảm hơn 4.300 chiếc so với cùng kỳ năm 2017 và giảm hơn 8.800 chiếc so với cùng kỳ năm 2016.
Sở dĩ các thông số nhập xe năm 2019 đều được so sánh với cùng kỳ các năm 2017, 2016 bởi cùng kỳ năm 2018 do Nghị định 116 của Chính phủ, Thông tư 03 của Bộ GTVT nên lượng xe nhập giảm mạnh, nếu so sánh sẽ không đúng với thực tế thị trường.
Trong khi đó, lượng xe nhập từ Thái, Indonesia tăng cực mạnh, 6 tháng đầu năm 2019, lượng xe nhập Thái, Indonesia đạt 66.000 chiếc, chiếm gần 90% về lượng trong 7 đối tác nhập xe lớn vào Việt Nam.
Cũng theo số liệu của hải quan, lượng xe nguyên chiếc nhập từ Mỹ về Việt Nam hiện ngày càng ít đi, các dòng xe của Ford, GM hay các dòng xe cao cấp của EU như thương hiệu xe Anh, Ý cũng bị quản chặt hơn và lượng nhập về Việt Nam cũng ít hơn so với trước.
Sau sự cố Euro Auto, xe phần lớn dòng xe nhập nguyên chiếc từ BMW được chuyển về Thaco, phải qua 6 tháng đình hoãn, lượng xe nhập chuẩn Đức mới về Việt Nam ổn định. Tuy nhiên, bản thân các dòng BMW, Audi, Mercedes vốn kén khách, nay bị cạnh tranh bởi xe phân khúc B và C khiến doanh số hầu hết các dòng xe Đức ở Việt Nam không cao.
Lý do cho cuộc đấu mà các dòng xe tiêu chuẩn cao từ Mỹ, EU hay Nhật vào Việt Nam không cân sức chính là thuế nhập khẩu.
Hiện, xe nhập từ Thái được hưởng thuế 0%, trong khi các dòng xe từ Mỹ, EU, Nhật đều phải chịu thuế trên 70%. Nếu Việt Nam và EU phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA), lộ trình 7 - 10 năm nữa, các dòng xe chuẩn EU mới được bỏ thuế ở Việt Nam, cuộc chiến về giá xe khi đó mới sòng phẳng giữa các hãng xe nhập.
Trong khi đó, với xe Mỹ, Việt Nam hiện chỉ có Ford duy trì lắp ráp tại Việt Nam, còn mảng nhập khẩu đều qua Thái Lan. Các loại xe nhập của Mỹ đều thuộc dòng dung tích lớn, xe Mỹ khá ít ở Việt Nam.
Theo tiết lộ của một số chuyên gia kinh tế, sắp tới Mỹ và Việt Nam rất có thể ký kết riêng với nhau một FTA và kỳ vọng khi đó xe Mỹ sẽ có lộ trình và rộng cửa vào Việt Nam hơn.