|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công nghệ mới viết lại bản đồ quyền lực toàn cầu – Bài cuối: Quang điện là tương lai

07:14 | 09/01/2025
Chia sẻ
Ngành năng lượng Mặt trời liên tiếp ghi nhận những báo cáo thành công. Chưa bao giờ trong lịch sử có một nguồn năng lượng đạt tăng trưởng tương đương với nguồn quang điện, kể cả năng lượng gió.

Năng lượng Mặt trời bùng nổ trong năm 2024. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo bài viết trên báo NZZ, năng lượng Mặt trời đang bùng nổ. Điều này sẽ thử thách các chính sách kinh tế vào năm 2025. Ngành năng lượng Mặt trời liên tiếp ghi nhận những báo cáo thành công và kỷ lục. Chưa bao giờ trong lịch sử có một nguồn năng lượng có mức tăng trưởng tương đương với nguồn quang điện, thậm chí cả năng lượng gió.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng theo cấp số nhân của năng lượng Mặt trời không chỉ có ưu điểm mà còn có những mặt trái. Sự bùng nổ vào năm 2025 có thể sẽ gây ra khó khăn đáng kể cả về chính sách kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng.

Quang điện vẫn là “con cá nhỏ”

Vào năm 2023, pin Mặt trời đã cung cấp hơn 1.600 terawatt giờ điện trên toàn thế giới, tăng 23% so với năm trước đó. Sự tăng trưởng này có thể sẽ tiếp tục với tốc độ chóng mặt trong thời điểm hiện tại, khi ngày càng có nhiều hệ thống năng lượng Mặt trời được xây dựng trên khắp thế giới. Hội đồng Năng lượng Mặt trời Toàn cầu, một hiệp hội công nghiệp quốc tế, ước tính rằng đến cuối năm 2024, thế giới có thể tạo ra năng lượng Mặt trời ở mức 2 terawatt. Chỉ hai năm trước, sản lượng tối đa có thể đạt được chỉ là 1 terawatt.

Hơn một nửa mức tăng công suất diễn ra ở Trung Quốc trong năm 2024 – giống như năm trước. Ấn Độ và Pakistan cũng ghi nhận mức tăng lớn.

Tuy nhiên, quang điện vẫn là “con cá nhỏ” trên thị trường điện. Năm 2023, lĩnh vực này đóng góp 5,5% vào sản lượng điện toàn cầu. Xét cho cùng, tầm quan trọng của năng lượng Mặt trời đang tăng nhanh hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ này, tỷ trọng năng lượng Mặt trời có thể tăng lên 10 hoặc 15% trong vài năm tới.

Lý do cho câu chuyện thành công về năng lượng Mặt trời phần lớn là yếu tố giá cả. Từ năm 2010 đến năm 2023, giá thành của các mô-đun quang điện đã giảm hơn 80%. Những tiến bộ trong công nghệ và sản xuất, tính kinh tế nhờ quy mô và sự cạnh tranh ngày càng tăng đã góp phần vào việc này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu chỉ nhìn vào chi phí sản xuất, năng lượng Mặt trời hiện là loại điện rẻ nhất.

Tương lai của các nhà cung cấp không phải của Trung Quốc

Khoảng 80% pin Mặt trời được sản xuất tại Trung Quốc. Với sự giúp đỡ của chính phủ, các công ty Trung Quốc đã xây dựng được công suất dư thừa rất lớn. Kết quả là giá của các mô-đun quang điện thậm chí còn giảm nhiều hơn mức cần thiết. Các nhà cung cấp ở các nước khác đã bị buộc rời khỏi thị trường.

Mỹ và các nước khác đã tự bảo vệ mình trước tình trạng bán phá giá trong nhiều năm bằng thuế quan. Giữa tháng 12/2024, Washington tuyên bố sẽ tăng thuế quan đối với một số sản phẩm của ngành năng lượng Mặt trời từ 25% lên 50%. Cuộc xung đột này có thể leo thang hơn nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, người đã công bố sẽ áp mức thuế cao đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Ở nhiều quốc gia, lưới điện đang dần đạt đến giới hạn khi tích hợp năng lượng Mặt trời. Để bù đắp cho biến động ngày càng tăng về nguồn cung cấp điện, mạng lưới đường dây và các cơ sở lưu trữ điện phải được mở rộng. Tuy nhiên, sự mở rộng này không theo kịp tốc độ phát triển của năng lượng Mặt trời.

Đây là trường hợp ở Thụy Sĩ. Theo nhà điều hành mạng lưới điện Swissgrid, việc mở rộng mạng lưới điện đang tiến triển quá chậm nếu xét theo mức độ gia tăng của quang điện. Hội đồng Liên bang đang cố gắng đẩy nhanh việc mở rộng, nhưng các biện pháp này dự kiến sẽ không thành công nhanh chóng. Tại Đức cũng vậy, sự bùng nổ về quang điện ngày càng dẫn đến mạng lưới phân phối bị quá tải.

Cả hai cuộc xung đột (xung đột kinh tế - chính trị và xung đột xung quanh lưới điện) dự kiến sẽ tiếp tục leo thang vào năm 2025. Điều này thậm chí có thể làm giảm sự bùng nổ năng lượng Mặt trời toàn cầu.

Văn Tuấn