Năm đầu tiên Grab có lãi
Năm 2024, Grab ghi nhận khoản lỗ ròng 158 triệu USD, giảm đáng kể so với mức lỗ 485 triệu USD của năm trước. Doanh thu tăng 19%, đạt 2,79 tỷ USD nhờ nhu cầu cao hơn đối với dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn.
Tính theo EBITDA điều chỉnh (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ), Grab lần đầu tiên có lãi trong một năm tài chính. Công ty đạt lợi nhuận 313 triệu USD, trong khi năm trước lỗ 22 triệu USD. Kết quả này cũng ở mức cao nhất so với dự báo trước đó công ty đưa ra.
Năm nay, Grab dự kiến doanh thu sẽ đạt từ 3,33 tỷ USD đến 3,4 tỷ USD, tăng từ 19% đến 22% so với năm 2024. Mức dự báo này tương đương với ước tính trung bình của các nhà phân tích, khoảng 3,38 tỷ USD, theo dữ liệu từ QUICK FactSet.

Trước thông tin Grab và đối thủ GoTo của Indonesia - đơn vị vận hành Gojek, đang nối lại đàm phán sáp nhập, Giám đốc tài chính Peter Oey từ chối bình luận. Ông cho biết ưu tiên của công ty tại Indonesia là “tăng trưởng tự nhiên” để mở rộng thị phần, theo chia sẻ với Nikkei Asia.
Về hoạt động kinh doanh, Grab Holdings đang đàm phán với cơ quan quản lý và đối tác tiềm năng để triển khai xe tự lái. Đây là một bước đi nhằm bổ sung cho đội ngũ tài xế hiện tại của hãng trong các thị trường đang phát triển nhanh.
Trong buổi công bố kết quả kinh doanh vừa qua, CEO Anthony Tan cho biết một số khu vực, ngay cả ở những thị trường nhỏ như Singapore, vẫn chưa được phục vụ tốt. Những nơi này bao gồm vùng xa xôi hoặc các thời điểm cao điểm dẫn đến việc tìm tài xế trở nên khó khăn.
“Xe tự lái có thể giúp tăng tỷ lệ hoàn thành chuyến đi và nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Tan nói. “Những khu vực này rất phù hợp để thử nghiệm trong tương lai”.
Singapore - nơi đặt trụ sở Grab, cũng đang thúc đẩy công nghệ xe tự lái để giải quyết tình trạng thiếu tài xế trong ngành giao thông công cộng. Vào tháng 1, nước này đã khởi động chương trình thử nghiệm xe buýt không người lái trên một số tuyến đường. Một thử nghiệm khác cũng đang diễn ra tại sân bay Changi nhằm vận chuyển nhân viên trong khu vực.
Trong những năm gần đây, Grab đã thử nghiệm xe tự lái cho dịch vụ giao đồ ăn tại Singapore. Tuy nhiên, công ty tin rằng việc ứng dụng công nghệ này vào dịch vụ gọi xe sẽ diễn ra nhanh hơn. Điều này nhờ vào sự phát triển của các quy định và quá trình thương mại hóa, đặc biệt tại Mỹ và Trung Quốc.
“Dù vậy, quá trình áp dụng xe tự lái ở Đông Nam Á có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông Tan cho biết. “Hạ tầng đường sá và quy định mỗi nơi một khác, nhưng chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng của lĩnh vực này”.
“Trong lúc chờ đợi, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm đối tác và sẽ sớm có thêm thông tin”, ông nói thêm.
Grab hiện hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á. Công ty đang mở rộng đội ngũ tài xế thông qua nhiều hình thức hợp tác. Tháng trước, Grab bắt tay với hãng xe điện Trung Quốc BYD để triển khai 50.000 xe điện trong khu vực.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm liền có thị phần dẫn đầu thị trường gọi xe công nghệ, tới quý IV năm ngoái, Grab đã bị đánh bại bởi tân binh Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Báo cáo của Mordor Intelligence chỉ ra, trong quý IV/2024, Xanh SM dẫn đầu thị trường taxi công nghệ với 37,41% thị phần, vượt qua Grab (36,62%) và bỏ xa các đối thủ khác như Be (5,55%), Mai Linh (4,81%), Vinasun (2,44%).
Grab cũng có nguy cơ đối mặt với đối thủ mới khi Bolt - ứng dụng gọi xe công nghệ có thị phần lớn ở châu Âu và châu Phi, đang rục rịch vào Việt Nam, sau Malaysia và Thái Lan. Theo Mordor Intelligence, Bolt hiện là nền tảng có thị phần lớn thứ hai trong thị trường gọi xe tại Thái Lan, sau khi vào nước này từ năm 2020.