|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp công nghệ 'cần được giao việc lớn'

08:29 | 18/02/2025
Chia sẻ
Để tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, một số doanh nghiệp nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ, như Viettel, VNPT, FPT, One Mount... trong lĩnh vực bán dẫn, GenAI, blockchain.

Tại hội nghị về phát triển khoa học công nghệ tuần qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh "muốn phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các doanh nghiệp lớn phải đi đầu", và muốn có doanh nghiệp lớn, Nhà nước cần giao việc lớn, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho họ, bởi "có việc lớn, doanh nghiệp Việt Nam mới lớn nên được".

"Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước, cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các doanh nghiệp công nghệ dân tộc, với mục tiêu hình thành doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam", ông nói.

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lưu Quý

Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giữa tháng 1, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ, như 5G, 6G, blockchain, IoT, mô hình AI tiếng Việt, trợ lý ảo AI.

Là đơn vị nhận nhiệm vụ làm chủ trong lĩnh vực viễn thông và chip bán dẫn, Viettel cho biết đã thiết kế toàn trình và làm chủ công nghệ lõi của hai mẫu chip quan trọng của trạm vô tuyến 5G là DFE và RFIC. Trong giai đoạn 2020-2030, tập đoàn dự kiến phát triển chip cho hạ tầng mạng viễn thông, chip xử lý AI tại biên và chip cho khí tài quân sự. Đơn vị hiện đầu tư công cụ thiết kế, phòng lab, ứng dụng công nghệ mới, thuật toán thông minh hơn để tăng hiệu năng và hiệu suất của chip.

"Với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thực tiễn để chúng tôi và các doanh nghiệp khác tham gia nhiều hơn vào các khâu trong công nghiệp bán dẫn, như xây dựng nhà máy sản xuất, thiết kế, đóng gói sản phẩm chip, không chỉ phục vụ trong nước mà ra toàn cầu", đại diện Viettel chia sẻ ngày 17/2.

Tập đoàn đề xuất cần ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn phát triển các công nghệ mới; triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư công nghiệp chiến lược; và xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Vietnam.

Một người đang xem mẫu camera sử dụng chip nguồn do doanh nghiệp Việt phát triển, tháng 10/2024. Ảnh: Lưu Quý

VNPT cũng cam kết đến 2027 sẽ làm chủ mô hình GenAI Make in Vietnam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, thông tin, dữ liệu. Trong đó, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt tối thiểu đạt mức độ 100 tỷ tham số, có sự hiểu biết vượt trội về văn hóa, lịch sử, địa lý, giải quyết được những vấn đề lớn của Việt Nam.

Trong vòng ba năm tới, đơn vị này dự kiến xây dựng bản sao số cho các thành phố, gồm bản đồ số quốc gia 3D, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, giao thông, logistics, giáo dục, y tế, công thương, các công trình ngầm, không gian mặt đất, không gian vệ tinh.

Tương tự, công ty phần mềm Misa lên kế hoạch 5 năm tới đầu tư 2.500 tỷ đồng cho việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn với tối thiểu 100 tỷ tham số và chuyên sâu cho xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp. Điều này được đánh giá hữu ích cho cơ quan, chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

"Việc được giao trọng trách quốc gia về làm chủ công nghệ AI mang đến cơ hội phục vụ xã hội, thể hiện cam kết của Misa trong việc bố trí tối đa nguồn lực, thực hiện chiến lược công nghệ mũi nhọn", đại diện đơn vị chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói ông rất háo hức tham gia tích cực vào các chương trình của Nghị quyết 57. "Cam kết thứ nhất của chúng tôi là trở thành tập đoàn công nghệ số tầm cỡ toàn cầu, đạt 5 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài vào năm 2030. Cam kết thứ hai là chúng tôi đang có 1.500 sinh viên học về bán dẫn, và chúng tôi sẽ tham gia đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI, cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin vào năm 2030", ông Bình nói tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số tháng 1.

Là đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng công nghệ blockchain, Tổng giám đốc One Mount Nguyễn Thị Dịu cho biết công ty dự kiến đầu tư 200-500 triệu USD để làm chủ công nghệ và triển khai mạng blockchain, xây dựng hạ tầng chuỗi khối Make in Vietnam. Nền tảng được thiết kế với cơ chế vận hành khai thác, tương tác và liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối tại Việt Nam nhằm phục vụ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ số trên mọi lĩnh vực.

Nghị quyết 57 đề ra nhiệm vụ, giải pháp "có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đại diện Viettel đánh giá đây là chủ trương đột phá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp.

"Nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp", đại diện tập đoàn cho biết.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, nêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Đây được coi là cuộc cách mạng toàn diện trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì với những giải pháp đột phá, lâu dài. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, và Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển.

Lưu Quý

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.