Từ đỉnh cao số 1 thế giới đến vực thẳm cấm vận: Sau 7 năm, Huawei đang trở lại thế nào?
Huawei Technologies đang tìm cách trở lại thị trường Đông Nam Á. Hãng tổ chức một sự kiện ra mắt hiếm hoi ở nước ngoài để giới thiệu dòng điện thoại cao cấp. Điều này thể hiện quyết tâm khôi phục mảng điện tử tiêu dùng và lấy lại vị thế toàn cầu.
Huawei chọn Kuala Lumpur để ra mắt toàn cầu mẫu Mate XT, chiếc điện thoại đắt nhất của hãng. Trước đó, sản phẩm này đã được giới thiệu tại Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Cùng với Mate XT, Huawei còn trình làng máy tính bảng MatePad Pro, tai nghe FreeArc với thiết kế mở và móc tai, cùng một số thiết bị đeo thông minh khác.
Mate XT có ba phần có thể mở rộng thành màn hình 10,2 inch. Giá khởi điểm là 19.999 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng), trong khi phiên bản cao cấp hơn có giá lên đến 23.999 nhân dân tệ.

Smartphone ba màn hình của Huawei. (Ảnh: Nikkei).
Sự kiện tại Kuala Lumpur là một trong những lần hiếm hoi Huawei tổ chức ra mắt sản phẩm ở thị trường quốc tế. Đây cũng là dấu mốc quan trọng sau khi công ty chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến thị phần toàn cầu của hãng sụt giảm đáng kể.
Vào năm 2019, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Hãng bán ra hơn 240 triệu thiết bị mỗi năm, trong đó một nửa là ở thị trường nước ngoài. Trong quý II/2020, Huawei từng vượt qua Samsung và Apple để vươn lên vị trí số một. Tuy nhiên, đến tháng 5 cùng năm, công ty bị cấm tiếp cận công nghệ Mỹ.
Năm 2024, lượng điện thoại thông minh xuất xưởng của Huawei tăng nhẹ, đạt gần 50 triệu chiếc. Sự phục hồi này nhờ vào việc công ty có thể tự sản xuất một số chip di động với sự hỗ trợ của SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, vào năm 2023.

Sự kiện ra mắt toàn cầu tại Malaysia diễn ra hai tháng sau khi Huawei giới thiệu điện thoại gập đôi Mate X6 và dòng tầm trung Nova 13 tại Dubai. Đông Nam Á và Trung Đông là những thị trường quan trọng với Huawei trong bối cảnh công ty gặp nhiều hạn chế từ Mỹ. Việc duy trì các thị trường này giúp hãng tiếp tục hoạt động, bao gồm cả mảng thiết bị viễn thông chủ chốt.
Những sự kiện ra mắt liên tiếp bên ngoài Trung Quốc cho thấy Huawei đang nỗ lực đưa điện thoại thông minh của mình trở lại thị trường quốc tế. Các thiết bị này sử dụng hệ điều hành Harmony do công ty tự phát triển. Hiện tại, hơn 93% điện thoại Huawei vẫn được bán tại Trung Quốc.

Theo Toby Zhu, nhà phân tích tại Canalys, Huawei không đặt mục tiêu đẩy mạnh doanh số smartphone ở nước ngoài. Thay vào đó, công ty muốn duy trì hình ảnh thương hiệu và sự hiện diện toàn cầu. Ông dự đoán Huawei sẽ tiếp tục hoạt động tại một số thị trường nhất định, đặc biệt là Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông. Đây là những khu vực có môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi hơn cho sự phát triển của hãng.
Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Lương Hoa, cho biết doanh thu năm 2024 của công ty đã vượt 860 tỷ nhân dân tệ. Con số này tăng hơn 22% so với mức 704,2 tỷ nhân dân tệ của năm trước.