Công nghệ mới viết lại bản đồ quyền lực toàn cầu – Bài 1: Từ xe điện đến internet vệ tinh
Các công nghệ mới có tiềm năng làm thay đổi các trung tâm quyền lực toàn cầu. Điều gì đang chờ đợi thế giới trong tương lai gần – và kết quả là cuộc sống hàng ngày sẽ thay đổi như thế nào? Bài viết trên báo NZZ phân tích các xu hướng quan trọng nhất về công nghệ và địa chính trị trong năm 2025.
Tương lai của xe điện Trung Quốc
Trung Quốc đã âm thầm thay thế Đức và Mỹ trở thành quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu về xe điện. Năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến xe điện Trung Quốc chinh phục thế giới. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của các nhà sản xuất ô tô Đức sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà sản xuất Đức như Volkswagen và Mercedes đến Trung Quốc vì thị trường bán hàng khổng lồ và điều kiện sản xuất thuận lợi. Bây giờ, họ đang ở Trung Quốc để không bị lỡ chuyến tàu.
Nghiên cứu và phát triển mang tính đột phá về xe điện diễn ra ở Hợp Phì (Trung Quốc), không phải ở Baden-Württemberg (Đức). Mặc dù các công ty Trung Quốc chưa bao giờ có thể theo kịp về động cơ đốt trong nhưng họ lại dẫn đầu về xe điện.
Sự dẫn đầu đã được nhìn thấy ở Trung Quốc. Vài năm trước, người ta nhìn thấy chủ yếu các thương hiệu nước ngoài trên đường phố Bắc Kinh: Volkswagen, General Motors, Nissan… Ngày nay, lời kêu gọi “Xây dựng ước mơ của bạn” thu hút sự chú ý ở khắp mọi nơi. Đây không phải là câu nói trên lịch mà là của một thương hiệu xe hơi Trung Quốc, viết tắt là BYD. Cứ ba chiếc xe điện được bán ra ở Trung Quốc thì có một chiếc là của BYD.
Các con số cũng cho thấy điều này. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, tỷ trọng thương hiệu nước ngoài trong doanh số bán ô tô tại nước này đã giảm xuống còn 33% trong tháng 7/2024. Hai năm trước, tỷ lệ này là 53%.
Và xu hướng này cũng đang xảy ra trên toàn cầu. Xe buýt hai tầng ở London (Anh) sẽ là của BYD trong tương lai, bởi công ty này đã giành được hợp đồng trong năm 2024.
Các thương hiệu ô tô Trung Quốc chiếm 2/3 thị trường xe điện toàn cầu trong tháng 10 và tháng 11/2024. Thành công này chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc. Mỹ, Canada và châu Âu đã áp đặt thuế trừng phạt đối với ô tô điện Trung Quốc.
Họ có nhiệm vụ bảo vệ các thương hiệu xe hơi trong nước. Điều này được hiểu là sự thừa nhận rằng người tiêu dùng có thể sẽ chọn thương hiệu Trung Quốc. Ưu thế về giá-hiệu suất là không thể đánh bại. BYD có khả năng lái tốt, đẹp, thoải mái và giá cả hợp lý. Một mặt, điều này là do trợ cấp chiến lược của chính phủ, nhưng mặt khác, đơn giản là do lợi thế về quy mô và chi phí sản xuất thấp hơn ở Trung Quốc.
Thuế quan sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ có thêm thời gian. Nhưng liệu họ có đủ thời gian để cạnh tranh với xe điện Trung Quốc hay không? Vấn đề không phải là Volkswagen ID.7 hay Tesla kém hơn BYD hay Xpeng mà vấn đề nằm ở chỗ chúng đắt hơn nhưng lại không được trang bị nhiều tính năng hơn xe điện Trung Quốc.
Mặt khác, ở Trung Quốc và các nước khác, sự hoài nghi vốn tồn tại lâu nay đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã giảm bớt trong những năm gần đây. Một cuộc khảo sát do Câu lạc bộ ô tô tổng hợp Đức thực hiện cho thấy, 2/3 số tài xế Đức nói họ có thể sẽ chọn mua một chiếc ô tô Trung Quốc trong ba năm tới. Tờ “Westdeutsche Allgemeine Zeitung” đưa tin vào tháng 10/2024 rằng con số này lên tới 80% đối với ô tô điện. Hơn 80% số người được khảo sát cho rằng giá thấp là lý do chính khiến họ mua xe thương hiệu Trung Quốc.
Nhưng cũng như mạng 5G của Huawei hay hàng giá rẻ của Temu, các câu hỏi về bảo mật, bảo vệ dữ liệu và quy định đã nảy sinh khi nói đến ô tô điện Trung Quốc. Ô tô điện là máy tính trên bánh xe: hệ thống sưởi có thể được bật từ xa bằng điện thoại di động... BYD tự đỗ xe và sẽ sớm tự lái. Ô tô điện thu thập dữ liệu về hành vi lái xe, các thông tin và mối quan hệ cá nhân, có nguy cơ bị sử dụng cho hoạt động gián điệp và tấn công mạng.
Các biện pháp để giải quyết những thách thức này sẽ trở nên gay gắt hơn vào năm 2025. Thuế quan trừng phạt không thể che giấu sự thật rằng trung tâm toàn cầu mới của ngành công nghiệp ô tô đã chuyển sang Trung Quốc.
Khái niệm mới: Internet vệ tinh cho điện thoại thông minh
Starlink, một tập hợp các vệ tinh đang được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, sẽ mở khóa một chức năng mới đó là Internet vệ tinh. Chức năng này có thể nhận tín hiệu trực tiếp trên điện thoại thông minh. Điều này khiến các đĩa vệ tinh trước đây vốn cần thiết để nhận tín hiệu Starlink trở nên không cần thiết.
Những gì thoạt nhìn có vẻ là một sự thay đổi thuần túy về mặt kỹ thuật thực sự lại chứa đựng những “chất nổ” chính trị. Với chức năng này, ông Musk có thể cung cấp cho mọi người trên toàn thế giới quyền truy cập Internet. Điều này đang trở thành mối đe dọa mới, đặc biệt đối với các chính phủ kiểm soát chặt chẽ Internet.
Tỷ phú Elon Musk là người có quyền tự chủ lớn trong việc sử dụng công nghệ. Tất cả 6.700 vệ tinh Starlink đang hoạt động đều thuộc về công ty vũ trụ SpaceX, trong đó ông Musk chỉ sở hữu 42% tổng số cổ phần nhưng có 79% quyền biểu quyết. Đó là lý do tại sao ông không cần phải tham khảo ý kiến của bất kỳ ai trước khi quyết định địa điểm, cho ai và khi nào các vệ tinh sẽ kích hoạt Internet.
Ngoài ra, không có nhiều cạnh tranh trong mảng Internet vệ tinh. Chòm sao Oneweb của Pháp vận hành 630 vệ tinh, chỉ bằng 1/10 chòm sao của ông Musk. Chòm sao Thuyền buồm vũ trụ của Trung Quốc hiện chỉ có 36 vệ tinh. Điều này có nghĩa là: Starlink đi trước tất cả các nhà cung cấp Internet vệ tinh khác nhiều năm.
Với việc giới thiệu Internet vệ tinh cho điện thoại thông minh, ông Musk có được sức mạnh mới. Trong khi đó, những gì ông làm là không thể đoán trước. Khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, ông Musk hứa sẽ cung cấp cho các tổ chức viện trợ ở Dải Gaza Internet vệ tinh. 10 tháng sau, Starlink cuối cùng cũng mở được kết nối tới một bệnh viện ở Rafah. Tuy nhiên, lời kêu gọi giúp đỡ từ các nước khác không được đáp lại.
Tiếp theo: Công nghệ mới viết lại bản đồ quyền lực toàn cầu – Bài cuối: Quang điện là tương lai