|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơn bão corona cuốn phăng đi những lợi ích Việt Nam thu được từ thương chiến Mỹ-Trung

14:22 | 01/03/2020
Chia sẻ
Việt Nam trở thành điểm đến lí tưởng cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn cung linh kiện và nguyên liệu Trung Quốc cho thấy lợi ích đó có thể không thắng nổi tác động của dịch virus corona.

Lợi ích từ thương chiến Mỹ - Trung không đủ bảo vệ Việt Nam trong dịch virus corona?

Nhìn lướt qua sổ sách kế toán của nhà máy đóng gói có qui mô 10.000 công nhân tại thủ đô Hà Nội, ông Stuart Donegan nhận thấy "một con sóng lớn đang đến".

Bên cạnh cơ sở ở Hà Nội, công ty Sino Manufacturing của ông Donegan còn tuyển dụng 1.500 công nhân tại một nhà máy ở TP HCM và vận hành ba nhà máy khác ở Trung Quốc và Indonesia. Sino chuyên đóng gói bao bì cho các thiết bị điện tử và hợp tác với hai trong 5 hãng chế tạo đồ điện tử lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi mà hoạt động sản xuất ở Trung Quốc - đất nước sản xuất nhiều linh kiện cho dây chuyền lắp ráp trên khắp thế giới, còn chập chờn vì dịch virus corona (covid-19), nhiều nhà máy ở Việt Nam dự kiến sẽ hết linh kiện trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Ông Donegan cho hay: "Nếu các công ty như Flextronics và Apple không thể sản xuất sản phẩm thì họ cũng không cần bao bì đóng gói. Số liệu kinh doanh tháng 2 của công ty chúng tôi sẽ rất thê thảm.

Chúng tôi muốn quay lại đà hoạt động cũ vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng khả năng đó còn chưa chắc chắn vào lúc này. Sino Manufacturing hiện chưa cần phải cắt giảm nhân sự, chúng tôi sẽ xem xét tình hình cho đến cuối tháng 3. Tuy nhiên, mọi thứ còn phụ thuộc vào việc các nhà máy ở Trung Quốc mở cửa trở lại".

Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất hàng may mặc không thể nhập nguyên liệu từ Quảng Đông và nhiều dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử nhanh chóng cạn linh kiện mà không thể tìm kiếm nguồn thay thế.

Theo South China Morning Post (SCMP), cùng với thanh long và đu đủ đang bị ách lại tại các cửa khẩu dọc biên giới Việt - Trung, Sino Manufacturing và các công ty nêu trên là ví dụ cho thấy tác động nghiêm trọng mà Việt Nam có thể phải gánh chịu trong bối cảnh dịch virus corona làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại châu Á.

SCMP: Lợi ích từ thương chiến Mỹ - Trung cũng không thể giúp Việt Nam cản lại con sóng lớn mang tên dịch virus corona? - Ảnh 2.

Kiểm tra thân nhiệt để ngăn dịch virus corona lây lan. Nguồn: Reuters

Việt Nam là một trong các nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi doanh nghiệp nước ngoài lũ lượt dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đến để né tránh thuế quan trừng phạt.

Trong khi nhiều người còn lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, tình trạng phụ thuộc kéo dài của Việt Nam vào Trung Quốc cho thấy tác động của "cú đấm" covid-19 đến nước ta trong thời gian tới sẽ đặc biệt đau đớn.

Chuỗi cung ứng rất phức tạp, và mặc dù Việt Nam nhận được vận may bất ngờ từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung, các công ty hoạt động ở nước ta đang thấu hiểu cảm giác khó khăn khi cố "cai dòng sữa" Trung Quốc.

Theo SCMP, khoảng 30% linh kiện sử dụng trong sản xuất tại Việt Nam đến từ Trung Quốc, trong khi khoảng 32% khách du lịch đến Việt Nam là từ Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường tỉ dân còn nhập khẩu đến 20% hàng nông sản của Việt Nam.

Là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, các công ty nhỏ lại là đối tượng đầu tiên thấm đòn vì dịch virus corona

Bên cạnh đó, nhiều công ty Hàn Quốc như Samsung và LG cũng đã đầu tư mạnh vào các nhà máy ở Việt Nam trong thập kỉ qua, kéo theo nhiều cụm sản xuất linh kiện nhỏ và phức tạp hơn xuất hiện quanh đó.

Ngoài lệnh cấm chuyến bay từ Trung Quốc, Việt Nam cũng đã áp các lệnh hạn chế nhập cảnh với một bộ phận công dân Hàn Quốc - nơi hiện là ổ dịch virus corona lớn thứ hai thế giới với hơn 3.000 ca dương tính và 17 trường hợp tử vong.

"Mức độ tiếp xúc của khu vực Đông Bắc Á với Trung Quốc và Đông Nam Á thông qua hoạt động đầu tư cho thấy tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam đối với các tập đoàn Đông Bắc Á như Samsung và Sony còn nặng nề hơn", nhà kinh tế học Trinh Nguyen nêu ra trong một bài viết cho tổ chức Carnegie Endowment for International Peace.

Bà Trinh Nguyen ước tính 17% nền kinh tế Việt Nam có hoạt động thương mại với Trung Quốc, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

SCMP dẫn nguồn thạo tin trong lĩnh vực logistics cho hay dựa trên khối lượng hàng hóa rời nhà máy, một trong các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Electronics tại Việt Nam đang hoạt động với công suất 50 - 80% do thiếu linh kiện từ nước ngoài và một số kĩ thuật viên không thể quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán.

Samsung hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của SCMP về thông tin trên.

Samsung chiếm khoảng 6,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2018 và chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Số liệu này cho thấy hoạt động sản xuất chững lại và kéo dài có thể gây tác động nghiêm trọng đến gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.

Đồng thời, nguồn thạo tin của SCMP tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng cho biết nhà máy trị giá 1 tỉ USD của LG đã "hoàn toàn đóng cửa" vào tuần trước vì không thể duy trì dây chuyền sản xuất. LG cũng không phản hồi yêu cầu bình luận của SCMP.

"Càng đào sâu vào chuỗi cung ứng, bạn sẽ càng thấy tác động của dịch virus corona", ông Julien Brun - Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL Consulting, cho hay.

"Các công ty nhỏ đóng vai trò quan trọng đối với phần còn lại của chuỗi cung ứng, nhưng vì thiếu hàng hóa từ Trung Quốc, họ sẽ là số đầu tiên chịu thiệt hại", ông nói thêm.

Một giám đốc chuỗi cung ứng (giấu tên) cho hay các công ty đa quốc gia lớn mà ông hợp tác cùng, gồm Samsung, Nestle và Proctor & Gamble, đã cảnh báo rằng họ có thể hết nguồn cung linh kiện và nguyên liệu vào giữa tháng 3 do không thể nhập thêm từ Trung Quốc.

"Chúng tôi đang khai thác mặt lợi của dịch virus corona khi mà người dân ngại đến siêu thị", vị giám đốc đang làm việc cùng một công ty thương mại điện tử thuộc top 3 của Việt Nam cho hay.

"Tuy nhiên, tình hình sẽ không kéo dài lâu. Các nền tảng thương mại điện tử nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, nhưng rồi cũng sẽ đến lượt chúng tôi", ông nhấn mạnh.

Ngay cả khi doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại hoạt động, sẽ có một khoảng trống trong sổ sách của nhiều công ty vào cuối năm nay, ông Stanely Szeto - Chủ tịch điều hành của công ty sản xuất hàng may mặc Lever Style, thông tin.

"Trong lĩnh vực may mặc, nguyên liệu thô thường có nguồn gốc từ Trung Quốc", ông nói. Lever Style hiện đang làm việc cùng với các đối tác sản xuất ở Việt Nam.

"Do đó, khi các nhà máy sản xuất vải và phụ kiện không thể trở lại sản xuất, các công nhân ở Việt Nam và Bangladesh sẽ rơi vào cảnh ngồi không. Ngay cả khi các công ty Trung Quốc vận hành trở lại, các nhà máy ở Đông Nam Á sẽ phải đợi thêm một tháng nữa", ông lí giải thêm.

Con sóng dữ không chừa một doanh nghiệp nào

Các công ty phương Tây cũng bị cuốn vào vòng xoáy dịch virus corona ở Việt Nam. Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công nhân địa phương ở Hải Phòng và TP HCM đã đình công, yêu cầu không cho phép công nhân Trung Quốc trở về kí túc xá của họ.

"Chúng tôi có một dạo ngưng hoạt động từ đó, nhưng sau khi các công nhân trên được cách li, chúng tôi đã có thể quay trở lại làm việc đến bây giờ", giám đốc tại một công ty đa quốc gia của Mỹ cho hay.

Ngoài ra, ông này cũng thông tin thêm rằng việc các nhà máy Trung Quốc đóng cửa khiến công ty của ông dễ rơi vào tình huống thiếu hụt nguồn hàng tồn kho cho đến tận tháng 4 và tháng 5.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thực hiện tại TP HCM tuần trước cho thấy 70% công ty cho hay họ hiện chỉ hoạt động với 70% công suất, trong khi 17% vận hành với công suất 50 - 70% và 13% dưới 50% công suất.

Yên Khê