Có tình trạng doanh nghiệp giữ hàng, chờ giá đất lên mới bán
Tại sự kiện do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, một số chuyên gia đặt vấn đề có tình trạng doanh nghiệp giữ hàng, chờ giá đất lên mới bán.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định các hoạt động đấu giá đất diễn ra trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản (BĐS).
"Mặc dù nhiều trường hợp thời gian triển khai dự án, sử dụng quỹ đất chậm do thủ tục nhưng cũng có tình trạng những doanh nghiệp để đất từ năm 2012 đến giờ mới triển khai, hoặc có mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên rồi bán sản phẩm thương mại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mua đất 1.500 tỷ đồng nhưng sẵn sàng nộp phạt 1.200 tỷ đồng", ông Nguyễn Đình Thọ thông tin.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, chuyên gia cho rằng mặc dù các quy định tương đối rõ ràng nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương còn chưa chặt chẽ, phương án đấu giá chưa phù hợp với thực tế.
Theo chuyên gia, "vấn đề ở đây là do quy định, cũng như việc đưa ra phương án đấu giá chưa phù hợp. Trên thế giới, bất động sản nói chung chiếm 50-70% tài sản quốc gia. Việt Nam hiện nay có tiền thu về từ đất ở mức cao so với thế giới. Vừa rồi việc đưa ra gói hỗ trợ lớn đã đẩy giá BĐS tăng, đây là điều bình thường", ông Thọ nhận định.
Cũng theo ông Thọ, dự kiến trong nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 19 sẽ áp dụng các biện pháp tài chính như một số quốc giá đã làm (Úc đánh thuế 5% khi doanh nghiệp tự nguyện khai báo triển khai chậm và áp dụng 20% nếu nhà nước đi điều tra; Hàn Quốc nếu chậm thực hiện dự án sau 7 năm đóng thuế 9%, sau 10 năm đóng 10%,...). Nghị định này đặc biệt quan trọng bởi đất đai một khi đã đưa ra quyết định thì sau này rất khó để thay đổi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bài toán huy động vốn cho doanh nghiệp bất động sản 16/04/2022 - 15:39
-
'Kiểm soát tài sản đảm bảo và mục đích sử dụng vốn là việc làm vô cùng tốn kém, đừng biến trái phiếu giống kinh doanh đa cấp' 15/04/2022 - 21:06
"Chúng tôi mong các giải pháp lần này sẽ hạn chế việc để đất bỏ hoang trong thời gian quá lâu. Việc áp dụng thuế tài sản Bộ Tài chính đang phân vân, nhưng nếu được áp dụng sẽ có vai trò rất lớn trong việc ngăn tình trạng đất bỏ hoang như thời gian vừa qua", ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.
Ở góc độ khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cũng có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu và dùng nguồn tiền đó để gom đất, thay vì phát triển dự án sẵn có.
"Đi mua đất, gom đất, gom tài nguyên, đấy chính là tự diễn biến, tự chuyển hóa của doanh nghiệp. Người ta nói cuộc chiến giành đất đai như thế hệ cuối cùng của nền kinh tế này nên phải đi mua gom. Do vậy, việc đánh thuế rất quan trọng nhằm chặn đứng đầu cơ tài nguyên dài hạn.
Đối với việc huy động vốn từ trái phiếu, đối với những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm hơi yếu thì có thể quy định thêm về tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo này không phải tiên quyết nhưng sẽ áp dụng thuế tài sản để xử lý vấn đề gom đất, tài nguyên,...", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm.