'Kiểm soát tài sản đảm bảo và mục đích sử dụng vốn là việc làm vô cùng tốn kém, đừng biến trái phiếu giống kinh doanh đa cấp'
Tại hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều ngày 15/4, nhiều chuyên gia cùng đưa nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Hiện nay, chính phủ đang siết chặt trái phiếu với ba mục tiêu: Kiểm soát tài chính của doanh nghiệp phát hành; kiểm soát tài sản đảm bảo và kiểm soát mục đích sử dụng vốn huy động được.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu thứ nhất có thể làm được và các nước trên thế giới đã làm điều này. Hai mục tiêu còn lại không cần thiết và thông lệ quốc tế không có.
“Trái phiếu ở những thị trường phát triển đề cao việc xếp hạng tín nhiệm theo 5 tiêu chí: Đòn bẩy tài chính; thanh khoản ngắn và dài hạn; dòng tiền; lợi nhuận trên vốn điều lệ; lợi nhuận trên tổng tài sản. Việc xếp hạng này được công khai, minh bạch nên nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin phục vụ đầu tư.
Vốn huy động được là tiền từ muôn phương về một chỗ chứ không phải tiền từ ngân hàng mà có thể kiểm tra được mục đích sử dụng. Việc kiểm tra này chỉ ngân hàng mới có thể làm vì liên quan đến việc giải ngân của họ (có thể giải ngân chậm, nhanh hoặc giải ngân theo tiến độ)”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, kiểm tra mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là việc làm vô cùng tốn kém và không có hiệu quả, thậm chí không đủ nguồn nhân lực để triển khai.
Đồng thời, việc kiểm tra tài sản đảm bảo chỉ nên dành cho những doanh nghiệp lớn, còn những doanh nghiệp mới khởi nghiệp phát hành trái phiếu là chuyện bình thường bởi lấy đâu ra tài sản để đảm bảo.
Chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Do vậy, quan trọng hơn cả là tập trung vào việc công bố thông tin về tài chính, kiểm toán định kỳ và nhất là xếp hạng tín nhiệm. Trong đó, phải đẩy nhanh và tạo điều kiện cho các công ty xếp hạng.
Đừng biến trái phiếu doanh nghiệp giống như kinh doanh đa cấp
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Luật Chứng khoán, Nghị định 153 đã quy định rõ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Cần hiểu rằng, khi vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế thị trường thì lúc xảy ra sự cố cũng cần tuân theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Trước thực trạng như hiện nay, chúng ta cần bình tĩnh lại. Phát hành trái phiếu là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có ý tưởng, tự các trái chủ, người có tiền phải biết yêu quý đồng tiền của mình, biết nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Chúng ta phải chấp nhận quy luật rủi ro đi cùng lợi ích và cũng đừng biến trái phiếu giống như kinh doanh đa cấp hiện nay là hết sức nguy hiểm”, TS. Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu
Bên cạnh những mặt tích cực về huy động vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu và họ không dùng nguồn tiền đó để phát triển các dự án sẵn có mà dùng để mua gom đất.
“Chúng ta đang tập trung hai hướng là minh bạch hóa tài chính công ty phát hành, có kiểm toán và công bố định kỳ, dứt khoát có xếp hạng theo chuẩn mực quốc tế và công bố công khai.
Có thể có những doanh nghiệp xếp hạng hơi yếu thì cộng thêm tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo không phải tiên quyết nhưng sẽ áp dụng thuế tài sản để xử lý vấn đề đi gom đất.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, đất đai ngày càng khó khăn, tín dụng và trái phiếu cũng bị siết chặt nên nguồn cung bất động sản hạn hẹp. Nếu không có cải cách căn bản về thủ tục, để tăng nguồn cung, siết trái phiếu,… thị trường dễ tạo ra bong bóng bất động sản và liên quan trực tiếp đến hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia phân tích: “Khi cung bất động sản tăng quá nhanh mà cầu không có, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng như năm 2011.
Bây giờ ngược lại, cung bất động sản hiện nay khá yếu, thậm chí không tăng được, còn cầu tăng vùn vụt và kéo theo nguy cơ bong bóng. Đến một ngày nào đó, những người có cung nhận ra rằng cầu này còn có thể tăng lên nữa thì người ta không bán để chờ giá lên, lúc đó hai đường cung và cầu chạy song song với nhau”.