|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Đánh thuế bất động sản chỉ là giải pháp ngắn hạn’

17:04 | 06/04/2022
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế tài sản đối với bất động sản là một công cụ hữu hiệu nhưng chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để tăng nguồn cung trên thị trường.

Nhiều chuyên gia lo ngại, công cụ thế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường bất động sản tiếp tục thiếu. (Ảnh: Hạ Vũ).   

Câu chuyện đánh thuế bất động sản thời gian gần đây đang được dư luận quan tâm. Nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản liên tục chứng kiến các cơn sốt đất. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại buổi công bố báo cáo thị trường quý I, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, quan hệ cung – cầu sẽ quyết định giá cả trên thị trường bất động sản, thuế chỉ là một biện pháp giúp ổn định trong tạm thời. Công cụ thế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường tiếp tục khan hiếm. 

Vị này lấy ví dụ, tại Singapore, một đất nước áp dụng biện pháp đánh thuế bất động sản nhưng khi nguồn cung không đủ cầu thì giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng.

“Thuế là biện pháp tốt, sẽ tác động và góp phần điều chỉnh thị trường nhưng theo tôi chỉ là giải pháp trong ngắn hạn 6 – 12 tháng hoặc một đến hai năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển rất lệch. Có đến 80% giao dịch diễn ra tại các trục chính là Hà Nội và TP HCM. Dòng người vẫn tiếp tục đổ về hai thành phố này. Do đó, biện pháp mang tính chất dài hạn phải là gia tăng nguồn cung”.

Ông Quốc Anh dẫn chứng thêm, tại Seoul (Hàn Quốc), những căn hộ khoảng 70 – 80 m2 đã có mức giá 1 triệu USD. Cứ cho là thu nhập bình quân một năm của họ cho gấp người Việt Nam khoảng 7 – 8 lần thì một người mới ra trường, mức lương khoảng 2.500 – 3.000 USD/tháng cũng rất khó để mua được nhà. 

“Câu chuyện giá nhà vượt quá thu nhập của người dân không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đang phải tìm cách để giải quyết. Mà một trong những cách xử lý mang tính chất dài hạn nhất là làm sao để tăng nguồn cung trên thị trường”, vị này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực phía Nam cho rằng, đối với các nhà đầu tư, thuế chỉ là một trong rất nhiều chi phí. Nếu chi phí đầu vào càng tăng thì giá bán ra càng lớn. 

Công cụ thuế có thể hạ nhiệt tạm thời, tăng thuế tiền sử dụng đất sẽ tính vào giá thành bán ra của các nhà phát triển dự án, còn nếu tăng thuế chuyển nhượng sẽ tính vào giá mua của các nhà đầu tư. Ở các quốc gia đã sử dụng công cụ thuế để kiểm soát và hạ nhiệt thị trường thì sau đó gần như mức giá lại tăng trưởng rất nhanh.

“Thuế là một công cụ rất hữu hiệu, tuy nhiên, về lâu dài, tất cả những chi phí liên quan đến thuế sẽ tính vào chi phí phát triển dự án hoặc chi phí mua bất động sản của các nhà đầu tư. Những người mua sua vô tình sẽ gánh thêm chi phí”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo ông Lê Xuân Mão, Phó Tổng Giám đốc, dịch vụ thuế doanh nghiệp RSM Việt Nam, với đặc thù của Việt Nam, việc đưa chính sách thuế bất động sản vào thực tiễn phải cần rất nhiều thời gian. Vị này lấy ví dụ, năm 2011, Trung Quốc đã áp dụng thuế trong quá trình nắm giữ tài sản tại một số khu vực. Tuy nhiên, sau 10 năm, Chính phủ Trung Quốc mới xem xét lại việc triển khai sắc thuế này.

“Từ đó để thấy, lộ trình để đưa biện pháp này vào thực tiễn cần phải có thời gian rất dài. Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với Trung Quốc, do đó, Chính phủ sẽ cần phải có thời gian để thông qua luật đánh thuế nhà đất.

Bên cạnh đó, giá nhà đất chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, dù sắp tới luật đánh thuế nhà đất được ban hành thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bất động sản trong dài hạn”, ông Mão nhận định.

Công Tâm

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.