Cổ phiếu ngành nào sẽ lên ngôi trong năm Kỷ Hợi?
Bà Hanz Cua, một chuyên gia phong thủy nổi tiếng của Philippines, dự đoán năm 2019 có thể sẽ còn tốt hơn so với 2018.
"Chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội. Thế hệ trẻ sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn", bà Cua trả lời trong chương trình phỏng vấn trực tiếp với đài ANC hôm 28/12/2018.
Đối với những người đang lên kế hoạch đầu tư vào ngành nghề mới liên quan tới yếu tố Hỏa và Thổ sẽ tạo được đột phá vượt bậc trong năm mới. 2019 cũng là một năm "tuyệt vời" cho các ngành tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong khi đó, ông Lynn Yap - Chủ tịch Công tư tư vấn phong thủy 3P tại Singapore dự đoán, giá cổ phiếu của ngành mang hành Mộc trên thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh nhất. Theo đó, Kỷ Hợi là năm làm ăn thuận lợi cho dệt may, giáo dục, giấy và dầu cọ.
Riêng về thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia phong thủy Phạm Cương nhận định, ngoài cổ phiếu dệt may, thủy sản ăn theo Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) thì những mã khác cần quan tâm như bất động sản, đặc biệt những mã liên quan đến bất động sản ở vùng ven thủ đô hoặc TP HCM và cổ phiếu ngành bán lẻ.
Ngoài ra cổ phiếu liên quan đến y tế, dược, chế tác vàng bạc được dự báo tăng tốt trong năm Kỷ Hợi này.
Còn theo nhận định của các công ty chứng khoán thì dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, tiêu dùng và bán lẻ là những ngành được khuyến nghị đầu tư trong 2019.
Dệt may hưởng lợi từ các hiệp định thương mại
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá 2019 sẽ là năm các hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến được thông qua.
Cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận sẽ gia tăng.
Điều này sẽ làm tăng sản lượng đơn hàng dệt may gia công tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
VDSC cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc, giúp duy trì sản lượng nhập khẩu từ các nước.
Khi các Hiệp định thương mại tự do thông qua, các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), Dệt may Thành Công (Mã: TCM), Tập đoàn Phong Phú (Mã: PPH)… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại, việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn tại thị trường EU như May Sông Hồng (30%), May Sài Gòn (32%), TNG (58%), May 10 (36%) và Vinatex (17%) sẽ hưởng lợi gián tiếp nhờ sự tăng trưởng đơn hàng từ các đối tác thời trang lớn.
VDSC đánh giá lợi ích mang lại từ CPTPP sẽ không quá rõ nét do Việt Nam đã ký kết các FTA song phương và đa phương với 7/10 nước nội khối với những ưu đãi về thuế quan tương tự.
Tuy vậy, VDSC vẫn kỳ vọng việc gia nhập CPTPP sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may sang các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, New Zealand và Australia.
Ngành thủy sản: Nhu cầu cao là động lực tăng trưởng chính
Kết thúc năm 2018 đầy thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đã báo lãi lớn, vượt kỳ vọng ban đầu.
Điển hình như Nam Việt (Mã: ANV) với doanh thu thuần tăng 40% lên 4.118 tỉ đồng; lợi nhuận ròng 600 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước và vượt 140% kế hoạch năm.
Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) có doanh thu tăng 42% lên 1.689 tỉ đồng; lãi sau thuế 236 tỉ đồng, gấp 11 lần năm 2017.
Không thể không kể đến "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn khi lãi sau thuế 2018 đạt gần 1.500 tỉ đồng, gấp 2,4 lần so với năm trước.
Thực phẩm Sao Ta cũng có kết quả kinh doanh tích cực với việc báo lãi 176,9 tỉ đồng, tăng 59% so với năm trước.
Bước sang 2019, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản được các công ty chứng khoán nhận định tiếp tục tăng trưởng nhờ cơ hội đầu tư vào ngành thủy sản lớn khi nhu cầu ngày càng tăng.
Nếu EVFTA ký kết vào 2019, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong ba năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến. Theo đó, nhu cầu về cá tra tại EU kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Lâu nay, Mỹ và Trung Quốc được xem là hai thị trường trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam. Bởi vậy, khi ngành thủy sản của các quốc gia này bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, việc các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào là vấn đề rất được quan tâm.
Theo một số doanh nghiệp ngành thủy sản, Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng, bởi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thủy sản chủ yếu tập trung vào sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm, tu hài, mực ống..., trong khi đa số sản phẩm thủy sản từ Việt Nam có giá trị thấp, nên nằm ngoài sự tác động.
Dù sản phẩm thuỷ sản mà Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc cân nhắc hơn trong việc lựa chọn sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.
“Như vậy, nhìn chung nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này”, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết trong một báo cáo gần đây.
Doanh nghiệp bất động sản: Hấp dẫn phân khúc khu công nghiệp
Theo báo cáo phân tích chiến lược đầu tư 2019 của VDSC, Việt Nam sở hữu những lợi thế hấp dẫn, bao gồm vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc – thuận lợi cho lưu thông đường bộ.
Hơn nữa, không có khu công nghiệp nào nằm sâu trong đất liền, các cụm khu công nghiệp chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, cao tốc đang được tăng cường đầu tư.
Mặt khác, môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể khi Việt Nam nhảy vọt 24 bậc trong ba năm, lên vị trị 69 theo World Bank.
Chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% và 10% so với Thái Lan và Indonesia.
Tính đến quý II/2018, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam ghi nhận khoảng 73% trong khi hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác.
VDSC nhận định, lực lượng lao động đồng bộ và sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất tại khu vực. Điều này khuyến khích nhà cung cấp đặt nhà máy sản xuất gần với khách hàng của họ.
Tiềm năng cho thuê lớn có thể xuất phát từ kế hoạch tăng sản xuất màn hình OLED từ Samsung Display và LG Display; đầu tư năng lượng mặt trời và hoạt động sản xuất ô tô của Vinfast trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, những tập đoàn lớn thường được ưu đãi với giá thuê thấp hơn thị trường; trong khi các nhà cung ứng của họ kỳ vọng mang lại mức sinh lời cho thuê cao hơn cho các chủ đầu tư.
Doanh nghiệp tiêu dùng và bán lẻ chiếm lĩnh những "vùng đất mới"
Thị trường tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam luôn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do dân số trẻ, thu nhập khả dụng và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng.
Trong khi các “đại gia” ngoại như AEON, Lotte và BJC đang chiếm ưu thế tại phân khúc Đại siêu thị và Trung tâm thương mại, các doanh nghiệp nội vẫn thống lĩnh phân khúc cửa hàng quy mô vừa và nhỏ - mô hình phổ biến nhất tại Việt Nam do mật độ dân cư cao và điều kiện giao thông chưa phát triển.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong phân khúc này, ngoại trừ lĩnh vực hàng điện tử đang dần bão hòa, phần còn lại vẫn rất phân mảnh và thị phần chủ yếu nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ.
Đây là những “vùng đất” đầy tiềm năng để khai phá, đi kèm với cơ hội tăng trưởng rất lớn dành cho các nhà bán lẻ như Thế giới Di động (Mã: MWG), FPT Retail (Mã: FRT) và PNJ.
Dự báo của The Economist Intelligence Unit cho biết, tỉ trọng gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021. Do đó chi phí và chất lượng rổ hàng hóa tiêu dùng trung bình sẽ tăng lên khi người tiêu dùng ngày càng trở nên giàu có và mua nhiều xa xỉ phẩm.
Hơn nữa, dân số đang già hóa với lượng người trên 60 tuổi gia tăng từ 6,9 triệu người năm 2000 lên đến 12,3 triệu người năm 2020, chiếm 12,5% tổng dân số. Tuổi thọ người dân được cải thiện tạo ra những sản phẩm giúp mở rộng cuộc sống của con người.
Xem thêm |