|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, nhà đầu tư ‘xuống tiền’ mua cổ phiếu ngành gì cho năm 2019?

16:28 | 15/01/2019
Chia sẻ
Những câu chuyện về nâng hạng thị trường, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chuyển sàn của những doanh nghiệp lớn… là những chủ đề đầu tư hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019.
thi truong chung khoan dien bien phuc tap nha dau tu xuong tien mua co phieu nganh gi cho nam 2019 Thị trường chứng khoán 15/1: Cổ phiếu dệt may, ngân hàng dậy sóng, VN-Index bật tăng gần 8 điểm

Mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã công bố báo cáo triển vọng ngành năm 2019. Theo đó, một số chủ đề đầu tư cho năm 2019 đã được đưa ra.

Thứ nhất, câu chuyện thu hút dòng vốn nước ngoài đón đầu kỳ vọng nâng hạng

Theo nhận định của Chứng khoán BSC, câu chuyện được kỳ vọng nhất trong năm 2019 sẽ là khả năng nâng hạng thị trường từ MSCI, qua đó giúp thu hút dòng tiền nước ngoài đầu tư trong năm 2019. Với luật chứng khoán sửa đổi kỳ vọng được thông qua sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xem xét nâng hạng thị trường mới nổi. Theo đó, Luật chứng khoán sửa đổi sẽ được xin ý kiến vào tháng 6/2019 và dự kiến trường hợp khả quan nếu được thông qua từ tháng 11/2019 và thị trường Việt Nam có thể được MSCI đưa vào danh sách theo dõi sớm nhất từ tháng 6/2020.

Việt Nam cũng có khả năng được nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong 2019 ở kịch bản thuận lợi hoặc năm 2020. Ngoài ra, quỹ iShares, có quy mô tài sản 490 triệu USD đầu tư vào bộ chỉ số MSCI khu vực cận biên có thể tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam khi Argentina và Kuwait chính thức nâng hạng vào tháng 6/2019. Do đó, đối với năm 2019 thị trường có thể đón nhận thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, tập trung vào các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao, vẫn còn room sở hữu nước ngoài, đại điện ở đây là nhóm VN30.

thi truong chung khoan dien bien phuc tap nha dau tu xuong tien mua co phieu nganh gi cho nam 2019
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực nếu được nâng hạng. Ảnh minh họa.

Thứ hai, sự thay đổi thứ tự trong rổ VN30 và dự báo có ảnh hưởng lớn đến VN-Index trong năm 2019 do các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn dự kiến được đưa vào rổ trong quý 1/2019

Năm 2018 là năm chứng kiến việc rất nhiều cổ phiếu lớn được niêm yết lớn/IPO/chuyển sàn như VHM, HDB, TCB, TPB, BSR, OIL, POW. Đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa rất lớn tuy nhiên vẫn chưa được thêm vào nhóm VN30 do chưa thỏa mãn các tiêu chí theo quy định. Điều này dẫn tới tỷ trọng nhóm VN30 so với thị trường giảm sút so từ mức 67,6% năm 2017 xuống còn 63,9% năm 2018.

Tuy nhiên, chứng khoán BSC cho rằng nhóm VN30 có mức ảnh hưởng tương đối lớn và tăng dần trong năm 2019, khi các cổ phiếu lớn trên đủ điều kiện để xét duyệt vào danh sách VN30. VN30 ETF được đánh giá là cầu nối của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các cổ phiếu hết room, do đó các đợt điều chỉnh rổ cổ phiếu VN30 có khả năng ảnh hưởng lớn đến diễn biến thị trường.

Cùng với đó, dòng vốn ngoại đầu tư ETF mô phỏng VN30 đón đầu khả năng nâng hạng thị trường cũng là nhân tố quan trọng giúp VN30 vận động tích cực và có ảnh hưởng lớn hơn với VN-Index trong năm 2019. Trong kỳ I năm 2019, dựa vào các tiêu chí quy định, BSC dự báo các cổ phiếu mới vào rổ VN30 là VHM, HDB, EIB và TPB đồng thời loại HSG, DHG, DPM và BMP.

Thứ ba, kế hoạch niêm yết/cổ phần hóa và chuyển sàn dự kiến sẽ được thúc đẩy nhanh hơn do tiến độ năm 2018 không đạt

Tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 18/44 doanh nghiệp được kỳ vọng cổ phần hóa trong năm 2018, như vậy tốc độ cổ phần hóa chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch (127 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020). Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa là 18 doanh nghiệp. Cụ thể, có các tập đoàn kinh tế lớn là tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam, Bưu chính viễn Thông Việt Nam, tổng công ty Lương Thực miền Bắc, Tổng công ty Cà Phê Việt Nam , Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn,…

Nhìn về mặt tích cực, các doanh nghiệp cổ phần hóa là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài nước do hiện tại sau phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng doanh nghiệ lên niêm yết trên UPCoM trong 90 ngày nếu đủ điều kiện, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư. Ngược lại, các đợt IPO nếu diễn ra dồn dập cũng làm phân tán dòng tiền trên thị trường niêm yết.

Thêm vào đó, các công ty đại chúng đăng ký lên sàn UPCoM hoặc chuyển sàn từ UPCoM lên HNX, HOSE cũng tiếp tục là xu hướng quan trọng. Cụ thể. trong đó các mã đang chuẩn bị chuyển sàn như PHVN, BSR, ACV, … và một số mã có quy mô vốn hóa lớn ngay cả khi so sánh với nhóm VN30 như OIL, VEA, VTP… . Nhóm này khả năng là động lực cho tăng trưởng của VN-Index.

Thứ tư, cơ hội từ Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành

Theo quyết định số 1232/QĐTTg, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên trong 9 tháng 2018 chỉ có 18 đơn vị thực hiện thoái vốn, cả năm chỉ thu được 1,23 tỷ USD với đóng góp lớn từ các thương vụ thoái vốn của OIL, BSR, VCG và POW. Một số doanh nghiệp lớn dự kiến được thúc đẩy thoái vốn trong năm 2019 và góp phần giảm tải áp lực tài chính lên ngân sách bao gồm: VEAM, DVN, VGC, ACV, DPM, DCM, SJS và PVI…

Ngoài ra, thông tin kế hoạch dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại một số công ty trong tập đoàn Vinachem xuống 36% - 51% trong năm 2019. Cụ thể nhóm hóa chất bao gồm PAC, LIX, NET, BFC và SFG (giảm sở hữu từ 51% về 36%), CSV (giảm sở hữu từ 65% về 51%); nhóm săm lốp bao gồm DRC, CSM, SRC (giảm sở hữu từ 51% về 36%).

thi truong chung khoan dien bien phuc tap nha dau tu xuong tien mua co phieu nganh gi cho nam 2019
Cơ hội đầu tư từ thoái vốn nhà nước. Ảnh minh họa.

Thứ năm, nhóm cổ phiếu Mid-cap với câu chuyện khác biệt sẽ nhận được nhiều chú ý hơn trong năm 2019

Như nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thay đổi chính sách, từ chiến tranh thương mại và hiệp định thương mại đang có mức định giá rẻ. Trong năm 2018 nhóm cổ phiếu Midcap đều có diễn biến kém hơn so với VN-Index. Tuy nhiên lợi nhuận bắt đầu cải thiện tốt từ quý III/2018 đã giúp nhóm cổ phiếu này thu hẹp khoảng cách so với VN-Index.

Ngoài ra, đối với các nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và các hiệp định thương mại (CPTPP, EVFTA) thì các cổ phiếu đầu ngành đều thuộc nhóm Midcap như dệt may (TCM, TNG, VGT), thủy sản (VHC, MPC), gỗ (PTB), khu công nghiệp (KBC, NTC, LHG) và nhóm thoái vốn Vinachem đã đề cập ở trên (DRC, CSM, BFC, DGC, CSV,…). Xét về mức định giá P/E bình quân và P/E bình quân loại bỏ những cổ phiếu trên 50 lần của nhóm MidCap lần lượt 15,4 lần và 12,1 lần và so với nhóm cổ phiếu VN30 có mức P/E bình quân và P/E bình quân loại bỏ những cổ phiếu trên 50 lần lần lượt là 14,7 lần và 20,1 lần.

Tính lũy kế 12 tháng, mức tăng EPS của nhóm Midcap đạt 17% so với cùng kỳ, vượt trội hơn mức tăng EPS bình quân của nhóm VN30 là 10% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, các cổ phiếu thuộc nhóm Midcap đang có mức định giá trở nên hấp dẫn hơn với sự cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng lợi nhuận cùng với câu chuyện thoái vốn, khả năng nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong năm 2019.

Ngành phân bón tiếp tục chờ đợi việc thông qua thuế VAT 5% dự kiến được đưa ra trình quốc hội vào tháng 6/2019. Nếu được thông qua và có hiệu lực, các DN phân bón có thể tiết giảm được chi phí đầu vào khi được hoàn thuế, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Thứ sáu, nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, có lợi tức cao, thuộc các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định (bán lẻ, tiêu dùng, đồ uống) là lựa chọn an toàn hơn so với thị trường trong giai đoạn rủi ro tăng cao

Với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhóm cổ phiếu phòng thủ với cổ tức cao và nhu cầu trong nước ổn định (như điện, bán lẻ, tiêu dùng...) là lựa chọn an toàn trong năm 2019. Theo ước tính của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt hơn 7%, ghi nhận mốc cao nhất trong một thập kỷ qua. Theo đó, dự báo GDP Việt Nam tuy mức tăng có giảm nhưng vẫn duy trì mức cao đạt 6,7% trong năm 2019. Ngoài ra, xu hướng tầng lớp trung lưu tăng trưởng ở mức cao nhất trong khu vực Asean, dự kiến đạt 18,5% trong giai đoạn 2016 - 2020 là nền tảng vững chắc cho tiềm năng tăng trưởng các doanh nghiệp thuộc ngành bảo hiểm, bán lẻ.

Tiêu thụ điện dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong năm 2019 là động lực tăng trưởng cho nhóm các doanh nghiệp phát điện. Với việc hiện tượng El Nino dự kiến sẽ quay trở lại trong năm 2019 với xác suất cao, nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện có thể đạt KQKD cải thiện trong năm 2019.

thi truong chung khoan dien bien phuc tap nha dau tu xuong tien mua co phieu nganh gi cho nam 2019
Ngành điện được đánh giá là cổ phiếu phòng thủ trong năm 2019. Ảnh minh họa

Thứ bảy, đầu tư công cũng là một trong những kế hoạch trọng điểm được đẩy mạnh của chính phủ trong năm 2019

Trong năm 2019, theo dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Chính phủ dự kiến sẽ chi 86,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển. Ngoài nhóm ngành thiết bị điện và xây lắp điện được đề cập nói trên, cơ hội khả quan cũng có thể đến với nhóm vật liệu xây dựng (HT1) và đá xây dựng (KSB, CTI), nhóm xây dựng hạ tầng (CII, VCG) tham gia cung cấp nguyên liệu và tham gia xây dựng các dự án hạ tầng.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Quân