|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngành hàng xa xỉ kém xán lạn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

07:56 | 11/08/2018
Chia sẻ
Một số nhà đầu tư đã từ bỏ nhóm cổ phiếu bị định giá quá cao này khi chúng thuộc một lĩnh vực có "điểm tựa" là người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường hàng đầu thế giới.
co phieu nganh hang xa xi kem xan lan do cang thang thuong mai my trung Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Từ những chiếc túi xách đắt tiền đến những đôi giày thiết kế riêng, doanh số bán hàng bùng nổ của các công ty châu Âu vốn thống trị ngành công nghiệp hàng tiêu dùng cao cấp như Louis Vuitton, Gucci... đã từng khiến cổ phiếu của họ có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư và hiện vẫn ở quanh mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, những căng thẳng thương mại ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành xa xỉ phẩm không còn được xán lạn như trước. Một số nhà đầu tư đã từ bỏ nhóm cổ phiếu bị định giá quá cao này khi chúng thuộc một lĩnh vực có "điểm tựa" là người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường hàng đầu thế giới.

Ông David Keir, đồng quản trị tại công ty quản lý quỹ đầu tư Saracen Global Income & Growth, cho biết điều này không chứng tỏ rằng các công ty sản xuất hàng xa xỉ hoạt động kém hiệu quả, mà đúng hơn là không phải những khoản đầu tư khôn ngoan.

Công ty của ông đã bán hết cổ phiếu của LVMH, công ty sở hữu nhãn hiệu thời trang danh tiếng Louis Vuitton, hồi năm ngoái, rồi sang đầu tháng Bảy năm nay lại bán ra cổ phiếu của nhà sản xuất âu phục cao cấp Hugo Boss (Đức). Theo ông David Keir, hiện ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro liên quan đến sự bất ổn từ các chính sách thuế quan của các nước.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp hàng tiêu dùng cao cấp phải đối mặt với những nguy cơ. Hồi năm 2012, việc giới chức Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng đã dẫn đến việc doanh số bán các loại rượu cô-nhắc cao cấp cùng những loại hàng hóa xa xỉ khác giảm mạnh. Cổ phiếu của LVMH và nhà sản xuất đồ uống có cồn Remy Cointreau đều sụt giảm mạnh trong giai đoạn này.

Lần này, các biện pháp thuế quan đe dọa ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng ở cả Mỹ và Trung Quốc - hai nước tiêu thụ hàng hóa xa xỉ từ châu Âu lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa doanh thu của toàn ngành.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng hiện giá cổ phiếu ngành hàng xa xỉ chưa phản ảnh những tác động tiềm tàng của các biện pháp thuế quan lên niềm tin của người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc, trong đó có sự mất giá của đồng nhân dân tệ có thể khiến "ngân sách" của khách du lịch nước này bị thu hẹp khi mua sắm ở châu Âu.

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cũng cảnh báo rằng chỉ số của nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ có thể giảm tới 30% nếu một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nổ ra.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất hàng cao cấp lại tỏ ra bình tĩnh và lạc quan hơn so với giới chuyên gia, đồng thời khẳng định nhóm khách hàng cốt lõi sẽ tiếp tục ủng hộ họ.

Báo cáo quý II của LVMH cho thấy nhu cầu của người Trung Quốc về các sản phẩm của Louis Vuitton vẫn tăng trong giai đoạn này so với quý đầu năm 2018. Trong khi đó, quản lý cấp cao Jean-Francois Palus thuộc tập đoàn Kering (chủ sở hữu nhãn hàng Gucci) cho biết lượng khách hàng thuộc nhóm trung lưu và thượng lưu của họ vẫn tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm nay.

Các công ty này cho rằng ngay cả khi tốc độ tăng trưởng doanh thu chỉ ở mức vừa phải do tác động của căng thẳng thương mại, sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều với nhu cầu của người tiêu dùng vẫn ở mức ổn định.

Song sự lạc quan này vẫn là chưa đủ để thuyết phục thị trường. Nhà đầu tư và các hội đoàn thương mại vẫn tỏ ra khá cẩn trọng trước triển vọng của ngành hàng xa xỉ. Ngay cả khi báo cáo lợi nhuận quý II của các công ty đều lạc quan hoặc nằm trong dự báo, thì vẫn có một số đợt bán tháo cổ phiếu xảy ra trong ngày lợi nhuận được công bố.

Confindustria Moda - hiệp hội các công ty dệt may và thời trang quốc gia của Italy - cho biết các doanh nghiệp đều tỏ ra lo ngại trước khả năng các biện pháp thuế quan sẽ còn leo thang. Họ đang theo dõi tình hình sát sao với hy vọng tránh được những ảnh hưởng từ động thái bảo hộ của các chính phủ.

Xem thêm

H.Thủy