|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu HVH sụt giảm, NĐT lo ngại kịch bản tương tự mã FTM, Chủ tịch Đầu tư và Công nghệ HVC lên tiếng

17:13 | 26/09/2019
Chia sẻ
Theo thông tin từ Chủ tịch HĐQT của Đầu tư và Công nghệ HVC, việc cổ phiếu của công ty giảm sâu liên quan đến việc một số nhà đầu tư nắm giữ khối lượng cổ phiếu lớn bán ra, trong đó có những nhân viên cũ của công ty.

Diễn biến gần đây, cổ phiếu HVH của CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC giảm sâu chỉ trong một thời gian ngắn. So với mức giá 28.500 đồng/cp ngày 21/8, cổ phiếu HVH mất hơn 37% giá trị, đóng cửa phiên 26/9 ở 17.850 đồng/cp. Đi cùng với việc giảm sàn là thanh khoản cao đột biến với khối lượng khớp lệnh lên đến hàng triệu đơn vị.

Trước bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại một kịch bản tương tự giống như cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) với chuỗi 30 phiên giảm sàn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Đầu tư và Công nghệ HVC.

A56

Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Đầu tư và Công nghệ HVC.

PV: Trong thời gian gần đây, cổ phiếu HVH của công ty liên tục giảm sâu trong bối cảnh trên thị trường đang có cổ phiếu liên tục giảm sàn, khiến nhà đầu tư có sự liên tưởng đến kịch bản tương tự. Ông có quan điểm như thế nào về thực trạng này?

Ông Trần Hữu Đông: Thời gian vừa rồi tôi chưa lên tiếng. Bây giờ đến thời điểm này, tôi không thể im hơi lặng tiếng được. Lí do vừa rồi cổ phiếu giảm liên tục là một số cổ đông sở hữu khá nhiều cổ phiếu bán ra ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, những cổ đông này đầu tư từ thời điểm OTC HVC còn chưa niêm yết với giá thấp. Sau khi hết thời gian cam kết nắm giữ cổ phiếu các cổ đông này bán ra và lãnh đạo công ty cũng không can thiệp được vì đây là quyền lợi của họ.

Thực ra, chúng tôi không biết điều đó. Trong đó có một số cổ đông nội bộ không còn làm việc tại công ty. Họ nghĩ là tôi không biết họ bán.

Sau khi thấy tình hình xảy ra như vậy, chúng tôi làm công văn đề nghị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) chuyển danh sách cổ đông, thì các cổ đông lớn bán gần hết.  

Các cổ đông này cũng không nói và không thỏa thuận gì nhiều với chúng tôi về chuyện đó mà âm thầm bán. Có khả năng các cổ đông nghĩ tin tốt ra mà giá không tăng nên bán chốt lời.

Tôi nghĩ là giai đoạn này việc bán hết rồi bởi không còn nhiều và các nhà đầu tư khác cũng phải nghiên cứu tình hình công ty như thế nào và có quyết định sáng suốt hơn. 

PV: Khi cổ đông lớn nắm giữ số lượng cổ phần lớn như vậy, trước khi bán họ đã bao giờ đề cập đến việc bán thỏa thuận với lãnh đạo công ty hay bất ngờ bán?

Ông Trần Hữu Đông: Chúng tôi ngồi mặc định với nhau là không bán. Nhưng thời điểm đó là trước niêm yết. Tức là thống nhất chủ trương thế này và sau khi niêm yết phải nắm giữ. Cái này là "tình ngay, lý gian", quy luật cung cầu. Sau đó, không có buổi nói chuyện nào nữa thì các cổ đông tự động bán.

PV: Động thái bán ra bất chấp việc giá cổ phiếu giảm sâu, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Trần Hữu Đông: Trong số cổ đông thì tôi biết chắc có một cổ đông có nhu cầu về tài chính. Tôi cũng mới biết. Đó là câu chuyện trước đợt giảm sàn liên tục. Còn gần đây thì do tâm lý thị trường chung và có một số "tin vịt" xung quanh, chúng tôi bị theo.

PV: Qua câu chuyện như vậy, với vai trò là chủ tịch, ông có định hướng về việc tiếp cận với quĩ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức để nắm giữ cổ phiếu lâu dài? HVC đã làm việc với quĩ đầu tư nào chưa?

Ông Trần Hữu Đông: Có một số quĩ vào đây đặt vấn đề. Nhưng chúng tôi đang xem xét. Quan điểm của công ty là không pha loãng cổ phiếu và không muốn thoái vốn hoặc phát hành thêm cho quĩ. Chẳng hạn, kế hoạch trước đây tại ĐHĐCĐ là phát hành 150 tỉ đồng trái phiếu. 

Nhưng tình trạng của dự án chúng tôi kí kết vài trăm tỉ đồng, chủ đầu tư đang muốn pháp lý sạch sẽ hơn mới triển khai. Do đó, dự án bị chậm lại một vài tháng. Khi hợp đồng chậm lại thì HVC cũng chậm lại theo trong chuyện phát hành.

Tóm lại, chúng tôi đã cầm vốn thì cái gì hiệu quả mới làm. Một vài quĩ tiếp cận và muốn 'bơm tiền', nhưng đương nhiên phải tăng trách nhiệm lên. Cầm tiền làm gì? Quan điểm của chúng tôi là như thế. Nó phải phụ thuộc vào tình hình thực tế và nhu cầu của công ty, tình hình tài chính và công ty đang gửi tiền tại ngân hàng.

PV: Theo con số ông cập nhật, số lượng cổ đông lớn đang đồng hành cùng doanh nghiệp ra sao?

Ông Trần Hữu Đông: Về cơ bản, cổ đông lớn nhất của HVC đang làm việc tại công ty, tức HĐQT. Sau sự cố này, chúng tôi sẽ có ràng buộc chắc chắn hơn và không có tình trạng cổ đông nội bộ bán. Quan điểm của tôi là như thế. Tôi xem danh sách cổ đông thì cũng nhiều nhà đầu tư đầu tư tương đối dài, từ thời đại hội cổ đông đến giờ vẫn còn. Có những người nắm giữ vài chục nghìn cổ phiếu, tôi thấy là như vậy tương đối thiện chí. HVC cũng mong có nhiều cổ đông kiểu như vậy.

Đối với cổ đông lướt sóng, khi có lãi người ta bán, khi có thông tin xấu hoặc lỗ sẽ phản ánh. Tôi là chủ doanh nghiệp, tôi không thể chiều lòng hết được. Và tôi muốn những cổ đông đồng hành lâu dài, khi cổ phiếu về lâu dài tăng trưởng, nhà đầu tư đồng hành cùng hưởng lợi.

 PV: Thời điểm này đã gần hết tháng 9, ông có thể chia sẻ về triển vọng kinh doanh 3 quí đầu năm và đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch đề ra?

Ông Trần Hữu Đông: Năm nay chắc chắn tăng trưởng so với năm 2018, nhưng tỉ lệ tăng trưởng bao nhiêu còn phụ thuộc lớn vào hợp đồng công ty "nhắm" vào tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Nhưng đang bị dừng lại một chút. Nếu kí được hợp đồng đó thì chắc chắn sẽ vượt kì vọng. Còn nếu không được sẽ thấp hơn một chút. Từ đầu năm tới nay, công ty đã kí gần 500 tỉ đồng hợp đồng.

A456

Xây dựng khu vui chơi giải trí, công viên nước là một trong những hoạt động kinh doanh chính của Đầu tư và Công nghệ HVC

PV: Trong bối cảnh này, ông có thông điệp gì muốn gửi đến các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của HVC?

Ông Trần Hữu Đông: Cái thứ nhất, cổ phiếu đang dưới giá trị thực. Tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ mua vào và đồng hành cùng với công ty. Nhà đầu tư suy nghĩ kĩ, thậm chí có thể gặp lãnh đạo công ty hoặc đại diện lãnh đạo công ty để hiểu rõ doanh nghiệp đang làm ăn như thế nào. Khi nhà đầu tư chọn công ty cần tìm hiểu kĩ. Nhà đầu tư không nên theo tâm lý đám đông mà cần hiểu rõ doanh nghiệp này làm ăn ra sao và có tốt hay không.

PV: Trong lịch sử, khi cổ phiếu giảm, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án mua cổ phiếu quĩ hoặc lãnh đạo đăng kí mua vào để trấn an cổ đông. Liệu công ty đã xem xét đến phương án này?

Ông Trần Hữu Đông: Vừa rồi cá nhân tôi đã mua vào 250.000 cp và một lãnh đạo khác cũng mua vào 150.000 cp. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án trên nhưng đó là con dao hai lưỡi. Có thể nhà đầu tư lại nghĩ lãnh đạo bán giá cao và xuống thấp lại mua vào, trở thành buôn cổ phiếu.

Chúng tôi sẽ để một thời gian nữa. Toàn bộ thông tin tốt của công ty sẽ cho mọi người thấy vào sẽ phản ánh vào hình thành thực sự. Động thái mua như vậy, chúng tôi rất sợ trở thành 'con dao hai lưỡi'. Vì HVC đang bị gán ghép vào cổ phiếu đang lao dốc trên sàn.

PV: Như vậy, giao dịch cổ phiếu HVH đang cần thời gian để cân bằng trở lại? 

Ông Trần Hữu Đông: Về câu chuyện cổ phiếu, nó vẫn phải phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Còn lại có thể bị phụ thuộc vào thị trường chung. Cái thực chất nhất là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thông tin truyền tải đến các cổ đông. Chắc chắn công ty sẽ theo hướng như vậy.

Phan Quân - Thu Thủy

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.