|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗ lực vượt khó của 8x với dự án sản xuất linh kiện

10:21 | 18/10/2017
Chia sẻ
Đông mong muốn tại thị trường Việt Nam, PTEK sẽ trở thành đơn vị lớn về các sản phẩm nguồn - adapter AC/DC.

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại Sóc Trăng, từ nhỏ Trần Hữu Đông nuôi chí hướng làm giàu, giúp cha mẹ và các anh chị em đỡ vất vả. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm nhân viên hỗ trợ kỹ thuật sản xuất linh kiện bán dẫn cho một đối tác có trụ sở nước ngoài. Nhiều năm công tác xứ người, chàng trai 8x học hỏi kinh nghiệm quý giá, rồi nhen nhóm ý định tự mở công ty sản xuất, cung cấp cho thị trường Việt Nam và vươn tầm châu lục.

Đầu năm 2012, Đông nghỉ việc để thực hiện ước mơ ấp ủ. Anh cùng một người bạn học cũ góp hơn 100 triệu đồng để mở cơ sở chế tạo máy và dùng số tiền đó sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường, học hỏi cách họ làm việc và nhập vật liệu chất lượng về sản xuất. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, số tiền dành dụm nhanh chóng cạn kiệt, kế hoạch chế tạo máy nhanh chóng thất bại. Anh không bỏ cuộc mà tiếp tục tìm cơ hội khác.

no luc vuot kho cua 8x voi du an san xuat linh kien
Trần Quang Đông - Giám đốc công ty TNHH Kỹ Thuật Phước Trường Thịnh PTEK (thứ hai từ phải qua).

Cuối năm 2012, Anh chuyển sang kinh doanh linh kiện điện tử và các thiết bị điện. Trong quá trình đó, anh nhận thấy nguồn adapter AC/DC là sản phẩm tiềm năng nhưng cũng là thử thách vì ở Việt Nam chưa đơn vị nào chuyên sản xuất. Năm 2014, Công ty TNHH Kỹ Thuật Phước Trường Thịnh (PTEK) ra đời với mong muốn nội địa hóa sản phẩm và giảm tỷ lệ phụ thuộc từ nước ngoài. Anh cho biết, PTEK chuyên sản xuất bộ nguồn tổ ong, adapter, sạc, nhận thiết kế và sản xuất theo yêu cầu.

Bước đầu hoạt động sản xuất gặp vô vàn khó khăn, không chỉ thiếu vốn, công ty anh còn yếu về nhân lực và kỹ thuật. Sản phẩm lỗi dẫn đến phải thu hồi sản phẩm và xin lỗi khách hàng.

Một trong những đơn hàng đầu tiên được đặt là sản xuất 5.000 bóng đèn led. Anh và cộng sự háo hức làm ngày đêm để sản phẩm ra đúng hẹn. Tuy nhiên, sản phẩm bị trả về ngay sau đó vì lỗi 30-40%.

Thất bại trong những ngày đầu không khiến Đông nản lòng, anh và đội ngũ nhân viên ít ỏi của công ty non trẻ cùng ngồi lại, thảo luận để tìm ra sai sót và bảo nhau nỗ lực không phạm sai lầm tương tự. "Sai sót là điều không thể tránh khỏi khi bạn mới khởi nghiệp. Sản xuất vài sản phẩm mẫu không lỗi là việc bình thường, nhưng làm cả nghìn cái không lỗi là cả một quá trình. Chúng tôi còn thiếu và yếu nhiều mặt nên liên tục phải đầu tư về vốn và công nghệ", Đông tâm sự.

Thiếu nhân lực là một trong những khó khăn giai đoạn 2014-2015. Vì công ty còn mới, không nhiều người muốn bám trụ với nghề sản xuất này. Vì thế, công ty luôn trong tình trạng thiếu người. Mỗi nhân sự trong công ty phải nỗ lực gấp hai, ba lần.

Đầu ra cũng khiến Đông lo lắng. Do chưa có thương hiệu, họ ít được khách hàng tin tưởng. Giá thành đắt quá sẽ không có người mua, nhưng nếu hạ sâu so với giá thị trường lại không đủ kinh phí để trang trải. Chàng trai 8x cho biết, để đủ vốn, mỗi tháng họ buộc phải sản xuất 30.000 sản phẩm, nhưng hiện tại mới bán khoảng 10.000 sản phẩm. Vì thế, giai đoạn này họ vẫn phải đầu tư để xây dựng bộ khung công ty vững chắc rồi mới dám nghĩ đến việc sinh lời. Mục tiêu cuối năm 2018 sẽ bắt đầu có lãi.

Để tránh phải đền hợp đồng vì chưa đủ kinh nghiệm và thất bại như ban đầu, anh và cộng sự chỉ dám sản xuất bán cho khách hàng thân thiết. Khi có những phản hồi tích cực, anh mới nhận đơn hàng bên ngoài.

no luc vuot kho cua 8x voi du an san xuat linh kien
Hiện PTEK có khoảng 20-25% nhân sự là người khuyết tật.

Thời gian đầu, công ty sản xuất thủ công. Yuy nhiên, khi nhận được những tính hiệu tích cực từ khách hàng (đơn hàng lên đến nghìn sản phẩm), anh sử dụng nguồn vốn từ hoạt động thương mại để đầu tư máy móc, cố gắng hiện đại hóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Khi bắt đầu tạo được tiếng vang, một số doanh nghiệp lớn tìm đến anh để đặt hàng và muốn cộng tác. Tuy nhiên, anh từ chối vì thấy mình chưa đủ khả năng. "Họ là những doanh nghiệp tiếng tăm, chúng tôi biết tầm của mình đang ở đâu nên không dám nhận. Khi nào công ty đủ mạnh, công đoạn sản xuất chuyên nghiệp và không còn sai sót, tôi sẽ đến tìm họ", Đông nói.

Hiện tại, đơn vị đã hoạt động trơn tru, không còn lỗi như những ngày đầu. Đông mong muốn tại thị trường Việt Nam, PTEK sẽ trở thành đơn vị lớn về các sản phẩm nguồn - adapter AC/DC. Anh tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, sáng tạo, đổi mới và chuyên nghiệp, đồng thời ứng dụng làm chủ những công nghệ mới để tạo những sản phẩm chất lượng, không thua kém các đơn vị nước ngoài với giá cạnh tranh.

Đông chú trọng tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, nuôi sống bản thân và gia đình. Công ty đang liên kết với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người khuyết tật, và các trung tâm bảo trợ người khuyết tật tại Sóc Trăng để tuyển dụng. Hiện đơn vị này có khoảng 20-25% nhân sự là người khuyết tật.

Anh chia sẻ: "Đội ngũ nhân sự là tài sản quý giá nhất của công ty. Chúng tôi luôn luôn tạo môi trường làm việc thuận lợi, nhiều chế độ chính sách ưu đãi, khuyến khích nhân viên phát huy hết năng lực. Tôi tin, nếu có lòng quyết tâm, nổ lực, nguời khuyết tật có thể làm được nhiều điều lớn lao trong cuộc sống ".

Chàng trai 8x kỳ vọng một ngày nào đó sẽ đưa doanh nghiệp ra biển lớn và tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đa quốc gia. "Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định cũng như mục tiêu chúng tôi luôn hướng tới để hoàn thiện và thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài với khách hàng trong và ngoài nước", anh nói.

Thi Quân

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.