|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc và mất thanh khoản sau 'chuỗi uptrend' 4 năm

06:50 | 18/04/2023
Chia sẻ
Sau một tuần giao dịch, giá cổ phiếu DDG của Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex) đã giảm còn một nửa xuống 22.600 đồng/cp, vốn hoá theo đó cũng mất hơn 1.170 tỷ, xuống còn 1.350 tỷ đồng.

DDG giảm sàn 6 phiên liên tiếp, giá cổ phiếu giảm 1 nửa

Sau hai tháng đi ngang ở vùng giá đỉnh lịch sử 42.000 - 43.000 đồng/cp, cổ phiếu DDG của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, mã: DDG) đã giảm sàn 6 phiên liên tiếp (10/4 – 17/4). Theo đó, chỉ sau một tuần, giá cổ phiếu này đã giảm hơn 46% giá trị từ 42.200 đồng/cp xuống mức đáy gần hai năm 22.600 đồng/cp; vốn hoá cũng mất hơn 1.170 tỷ, xuống còn 1.350 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm giá mạnh, cổ phiếu DDG còn mất thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh mã này giảm xuống còn trung bình vài chục nghìn đơn vị, trong đó có những phiên ghi nhận chỉ quanh 10.000 đơn vị, trong khi giai đoạn trước đó, khối lượng giao dịch mã này đạt hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Trong phiên hôm qua (17/4), cổ phiếu DDG dư bán giá sàn hơn 5 triệu đơn vị.

Trước khi có chuỗi giảm sàn, từ khi được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cuối năm 2018, giá cổ phiếu DDG hầu như chỉ có xu hướng tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể. (Nguồn: VNDirect).

Giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Indochine Imex cho biết hiện tại công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm là do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

"Việc giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Công ty cam kết luôn tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của công ty", Indochine Imex đưa ra lời giải trình.

Trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều cổ phiếu từng bất ngờ lao dốc và mất thanh khoản sau giai đoạn tăng giá mạnh kể từ khi lên sàn như FTM, CDO. Gần đây nhất, việc nhiều công ty bất động sản gặp khó trả nợ gốc và lãi trái phiếu cũng liên tục giảm sàn khi nhiều công ty chứng khoán bán giải chấp lượng lớn. Trước diễn biến giá như hiện nay của DDG, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về chân dung doanh nghiệp này và hoạt động của công ty ra sao?

DDG không chia cổ tức bằng tiền, liên tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ khi niêm yết

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của DDG tập trung vào lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt, điện và thương mại nhiên liệu biomass và phế phẩm nông nghiệp (trấu, mùn cưa).

Tháng 6/2016, DDG chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH sang CTCP và đổi tên thành CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương, với vốn điều lệ 80 tỷ đồng và ba cổ đông sáng lập.

Cơ cấu cổ đông sáng lập của DDG. (Nguồn: DDG).

Ngày 18/12/2018, 12 triệu cổ phiếu DDG niêm yết trên HNX với mức giá tham chiếu chào sàn là 11.800 đồng/cp. Sau khi lên sàn, công ty liên tục tăng vốn.

Cụ thể, công ty đã thực hiện tăng vốn 4 lần thông qua chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% vào tháng 5/2020; phát hành riêng lẻ 14 triệu cổ phiếu vào tháng 7/2020; chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 1:1 vào tháng 10/2021; và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 2,8 triệu cổ phiếu vào tháng 10/2022. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đạt gần 600 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm mới chào sàn.

Về cơ cấu cổ đông, hiện khoảng 96,5% cổ phần nằm trong tay các cá nhân, trong đó có hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT nắm giữ 3,88 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,48%) và bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ hơn 3,82 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,39%).

Ngoài ra, nhiều thành viên trong gia đình bà Trần Kim Sa cũng sở hữu DDG. Ông Trần Kim Cương, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đồng thời là em ruột của bà Sa đang nắm giữ 2,46 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,11%); bà Trần Ngọc Phụng, em dâu bà Sa nắm hơn 2,71 triệu đơn vị (4,53%). 

Và ba người con của bà Sa là ông Yang Tuấn An, phụ trách quản trị công ty nắm gần 2,05 triệu đơn vị (3,42%); bà Yang Kiều An nắm 1 triệu đơn vị (1,67%); ông Yang Hỷ An nắm 1 triệu đơn vị (1,67%).

Hai vị lãnh đạo khác của công ty nắm giữ lượng cổ phần không đáng kể là ông Nguyễn Minh Tuấn, Thành viên HĐQT (27.104 đơn vị) và ông Võ Anh Thịnh, Kế toán trưởng (96 đơn vị).

Cơ cấu cổ đông của DDG tính đến tại tháng 4/2023. (Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ DDG).

Trở lại với cổ phiếu DDG, từ khi được niêm yết trên HNX, giá mã cổ phiếu này hầu như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Cùng với đó, doanh thu của công ty cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực qua các năm, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại có mức tăng trưởng không mấy tương xứng.

Cụ thể, kết quả kinh doanh năm 2022, công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu cao kỷ lục đạt 975 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 7% so với năm 2021. 

Năm 2023, DDG đặt mục tiêu tăng trưởng với doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, DDG sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận. 

Kết quả kinh doanh qua các năm và kế hoạch kinh doanh 2023 của DDG. (Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC).

Diệu Nhi