|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TGĐ Chứng khoán BSC: Công ty không có khái niệm làm deal, chạy theo doanh số bằng mọi giá

08:49 | 17/04/2023
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng Giám đốc Chứng khoán BSC, công ty không chạy theo doanh số bằng mọi giá. BSC chỉ thực hiện những giao dịch thực sự an toàn, hiệu quả, minh bạch.

Đại hội cổ đông năm 2023 của Chứng khoán BIDV (BSC). Ảnh: HL.

Ngày 14/3, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã tổ chức đại hội đồng cđông thường niên năm 2023. Đại hội thông qua phương án đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán BIDV và kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, gấp 3,8 lần thực hiện năm 2022.

Báo cáo quý đầu năm nay công bố mới đây, Chứng khoán BSC báo lãi trước thuế 121,5 tỷ đồng, thực hiện 22% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Trong chương trình đại hội, các cổ đông công ty đặt ra nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo. Liên quan đến câu hỏi về cơ sở đặt mục tiêu kinh doanh năm nay, ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng Giám đốc Chứng khoán BSC chia sẻ mảng môi giới chiếm tầm khoảng 60 - 70% lợi nhuận.

Với mảng hoạt động tự doanh liên quan đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng là một trong những cái mảng dự kiến mang lại lợi nhuận rất lớn cho công ty. Mảng thứ ba tiếp tục dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm nay là cái mảng tư vấn tài chính. Tư vấn tài chính không chỉ tư vấn trái phiếu mà còn bao gồm các tư vấn mua bán, sát nhập, mua bán quốc tế liên quan đến những giao dịch quốc tế trong năm 2023 sau khi có cổ đông mới là Hana Securities (Hàn Quốc).

Thông tin về hoạt động kinh doanh quý đầu năm, Chứng khoán BSC đẩy mạnh hoạt động cho vay margin từ 2.695 tỷ đồng cuối năm 2022 lên 3.390 tỷ đồng thời điểm cuối quý I. Hoạt động cho vay margin cũng đem lại nguồn thu hơn 90 tỷ đồng cho vay margin.

Trong bối cảnh nhu cầu vay margin trên thị trường đang ở mức thấp, cổ đông đặt câu hỏi liên quan đến việc cho vay cá nhân hay các nhóm.

Trả lời câu hỏi này, Tổng Giám đốc Chứng khoán BSC cho biết, “đối với BSC chúng tôi không có khái niệm là deal. Đối với đối với BSC, chúng tôi chỉ có những cổ đông với những khách hàng nào mang lại có những cái giao dịch minh bạch và mang lại lợi nhuận cho BSC. Chúng tôi không phân biệt được là khách hàng nào làm deal hay không làm deal”.

Nói thêm, ông Viễn cho biết, cách đi của BSC là tận dụng thế mạnh công nghệ cũng như là tệp khách hàng lớn của BIDV. Công ty luôn phân hạng rồi lựa chọn khách hàng để thực hiện.

“Trong thời gian vừa rồi với sự hỗ trợ mạnh mẽ của cổ đông mẹ BIDV và công ty Hana, BSC có được thêm rất nhiều các khách hàng mới. Các khách hàng này đều là những khách hàng lớn trên thị trường và nhận thấy là sau khi BSC có những lợi thế mạnh về mặt công nghệ cũng như là hỗ trợ của hai cổ đông lớn thì họ đã quay trở lại, cũng như là chuyển sang BSC giao dịch. Chính vì vậy trong quý I, BSC đã có những cái tăng trưởng mạnh mẽ về dư nợ cho vay margin”, ông Viễn nói.

Với câu hỏi của cổ đông về câu chuyện thị phần và kế hoạch đưa BSC trở lại Top10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất thị trường, Tổng Giám đốc BSC cho rằng thị phần chỉ là một trong những tiêu chí và của công ty chứng khoán theo đuổi. Công ty theo đuổi ba mục tiêu. Thứ nhất là an toàn vốn và tuân thủ. Thứ hai là mục tiêu lợi nhuận. Thứ ba là mục tiêu doanh số.

“BSC không phải một công ty chạy theo doanh số bằng mọi giá. Chúng tôi chỉ thực hiện những giao dịch thực sự an toàn, hiệu quả, những giao dịch minh bạch thì chúng tôi sẽ thực hiện. Chúng tôi không chạy doanh số đối với những cái deal hoặc là đối với những cái giao dịch có thể mang lại những rủi ro cho công ty. Chính vì vậy là mặc dù là Top 10 là một trong những mục tiêu nhưng chúng tôi không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu này”, Tổng Giám đốc Chứng khoán BSC trả lời.

Hoàng Linh