|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có nên vội vui mừng khi số ca nhiễm virus corona mới tại Trung Quốc giảm mạnh?

12:35 | 21/02/2020
Chia sẻ
Số ca nhiễm virus corona mới giảm dần trên khắp Trung Quốc đã làm tăng hi vọng rằng tình hình dịch bệnh tại đây sắp bắt đầu ổn định, tuy nhiên một số chuyên gia, trong đó có Tổng Giám đốc WHO, lại bày tỏ thái độ thận trọng khi số ca bệnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc bất ngờ tăng đột biến.

Hôm 20/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chỉ công bố thêm 394 trường hợp nhiễm virus corona (covid-19) mới - con số thống kế theo ngày thấp nhất trong vài tuần qua.

Đáng chú ý là con số này chỉ xuất hiện sau khi cơ quan trên thay đổi các chỉ tiêu chẩn đoán để loại trừ những bệnh nhân đã "được chẩn đoán lâm sàng" là nhiễm virus corona (covid-19) bằng một số phương pháp như chụp CAT.

Theo South China Morning Post (SCMP), số ca nhiễm mới giảm dần trên khắp Trung Quốc đã làm tăng hi vọng rằng tình hình dịch bệnh tại đây sắp bắt đầu ổn định, tuy nhiên các quốc gia châu Á khác lại chứng kiến một sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm virus corona mới.

Hôm 20/2, du thuyền Diamond Princess - hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục với 634 ca bệnh, đã xác nhận hai trường hợp tử vong đầu tiên. Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang phối hợp cùng Carnival - đơn vị điều hành tàu Diamond Princess, đưa hơn 3.700 hành khách rời tàu lên đất liền.

Cũng trong ngày 20/2, giới chức Hàn Quốc đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên, bên cạnh 53 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus corona tại nước này lên 104.

Số liệu thống kê hôm 20/2 cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với 1.749 ca nhiễm mới trên toàn Trung Quốc hôm 19/2.

Ngoài ra, đây cũng là ngày thứ 16 liên tiếp mà số bệnh nhân nhiễm mới bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc giảm, trong số các trường hợp nhiễm mới ở tỉnh này cũng đã giảm trong một tuần qua.

Có nên vội vui mừng khi số ca nhiễm virus corona mới tại Trung Quốc giảm mạnh? - Ảnh 2.

Có nên vội vui mừng khi số ca nhiễm virus corona mới tại Trung Quốc giảm mạnh? (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hôm 19/2, các cơ quan y tế Trung Quốc đã thông báo về thay đổi trên trong một kế hoạch điều trị mới, cho biết chỉ các ca bệnh cho kết quả dương tính sau khi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm mới được tính.

Động thái này đã đi ngược lại một quyết định trước đó. Cụ thể, vào ngày 12/2, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã tiến hành rà soát số trường hợp nghi nhiễm trong quá khứ và sửa đổi dữ liệu để tính gộp các trường hợp "được chẩn đoán lâm sàng" bằng các phương pháp khác.

Do đó, chỉ riêng trong ngày 12/2, số ca nhiễm mới được công bố trên toàn Trung Quốc đã đột ngột tăng lên hơn 14.000 người mà chủ yếu là tại tâm dịch Hồ Bắc.

WHO và chuyên gia y tế thế giới nói gì?

Theo SCMP, một số chuyên gia trước đó từng dự đoán rằng dịch virus corona sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trong đó có chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan.

Hôm 17/2, ông Zhang cho biết dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 2 và sau đó ổn định vào tháng 4.

Ông Huang Yanzhong, một chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, nói: "Các biện pháp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc dường như đã có hiệu quả trong việc ngăn dịch bệnh lây lan ra bên ngoài tỉnh Hồ Bắc".

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại kêu gọi thận trọng, cho rằng số ca nhiễm mới sụt giảm là do những thay đổi trong tiêu chí chẩn đoán và còn cần phải theo dõi tính hiệu quả của các lệnh hạn chế di chuyển.

Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết: "Thách thức hiện tại liên quan đến việc người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc và xuất hiện ở nơi công cộng. Chúng ta sẽ nhận thấy một tác dụng ngược, đã có đủ virus corona ở Trung Quốc lúc này nên tác dụng đó có thể sẽ sớm xuất hiện thôi".

SCMP dẫn lời bà Lawrence Gostin - giáo sư luật y tế cộng đồng tại Đại học Georgetown, cho biết "còn quá sớm để có thể tự tin" vì "dữ liệu thống kê của Trung Quốc có thể bị sai sót do công tác giám sát yếu hoặc thay đổi về tiêu chí đánh giá ca bệnh".

Bà Gostin cùng một số nhà khoa học khác cảnh báo rằng số trường hợp nhiễm virus corona thực sự ở Trung Quốc không được báo cáo đủ do thiếu nguồn nghiêm trọng lực phục vụ cho công tác chẩn đoán. Một số bệnh nhân tử vong trước khi nhân viên y tế có thể chẩn đoán chính xác.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva hôm 20/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định số ca nhiễm mới của Trung Quốc sụt giảm là điều đáng mừng nhưng vẫn thận trọng về tình hình dịch bệnh ở các nơi khác.

"Chúng ta được khích lệ nhờ xu hướng tích cực tại Trung Quốc nhưng còn quá sớm để tự mãn", Reuters dẫn lời ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 9h (giờ Việt Nam) ngày 21/2, ngoài Trung Quốc đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 76.724 và số ca tử vong là 2.247.

Việt Nam có 16 trường hợp dương tính với covid-19, tuy nhiên 15 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Khả Nhân