|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thời dịch virus corona: Samsung và LG lo ứng phó thiếu nguồn linh kiện sản xuất do thông quan với Trung Quốc bị hạn chế

10:03 | 21/02/2020
Chia sẻ
Để đối phó với tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi dịch virus corona, Samsung đã bắt đầu vận chuyển linh kiện điện tử phục vụ cho việc sản xuất các dòng điện thoại Galaxy mới từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng máy bay hoặc tàu biển.

Sangsung đang chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng máy bay và tàu biển

"Chính phủ Việt Nam hiện đang hạn chế khối lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc mỗi ngày.

Tuy nhiên, Samsung đã giải quyết vấn đề bằng cách vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc qua Việt Nam theo đường hàng không hoặc đường thủy", Financial Times dẫn nguồn tin thân cận cho hay.

Tại San Francisco hồi tuần trước, bên cạnh dòng Galaxy S20 tương thích với mạng 5G, Samsung còn ra mắt mẫu smartphone gập mới nhất của hãng - chiếc Z Flip.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động của dịch virus corona (covid-19) đến hoạt động của công ty", một phát ngôn viên của Samsung cho hay. Đồng thời, người này còn thông tin thêm rằng hoạt động sản xuất của Samsung hiện chưa bị chững lại nhưng không bình luận sâu hơn.

Thời dịch virus corona: Samsung dùng máy bay, tàu biển vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam, LG chậm chân hơn một bước - Ảnh 1.

Mẫu điện thoại Z Flip mới ra mắt của Samsung. Công ty công nghệ Hàn Quốc sẽ lắp ráp mẫu sản phẩm mới này tại các cơ sở ở Việt Nam trong năm nay. (Ảnh: Financial Times)

Theo Financial Times, Samsung - hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, lắp ráp gần 2/3 sản lượng điện thoại (bao gồm cả dòng sản phẩm mới nhất) tại các nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Tuy nhiên, dịch virus corona đã khiến các nhà sản xuất nội địa cũng như thuộc sở hữu nước ngoài tại Việt Nam chịu tổn hại vì nhiều nhà máy có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc. Các hãng sản xuất nêu trên hoạt động ở đủ lĩnh vực như thiết bị điện tử, dệt may, giày dép,...

Khi các nhà máy ở Việt Nam hoạt động trở lại sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, họ nhận được thông tin các cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã bị đóng cửa hoặc hạn chế thương mại theo cả hai chiều.

Việt Nam và Trung Quốc sau đó đã thực hiện một số biện pháp để khơi thông hàng hóa bị ách tắc, nhưng những biện pháp kiểm dịch với các tài xe trở về từ Trung Quốc vẫn được thắt chặt.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ mất kiểm soát nếu dịch bệnh covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong 2 - 4 tuần nữa

LG Electronics, hiện đang sản xuất phần lớn các dòng điện thoại thông minh thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp tại Việt Nam, cũng phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung tương tự.

Phát ngôn viên của LG Electronics khẳng định công ty chưa phải đối mặt với vấn đề hàng tồn kho ở Việt Nam nhưng hiện đang "xem xét nhiều phương án khác nhau" trong trường hợp dịch bệnh kéo dài.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, các công ty nhập khoảng 30% linh kiện từ Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung dây cáp, ổ cắm, phích cắm cũng như linh kiện camera vốn được sản xuất tại Trung Quốc.

"Chuỗi cung ứng và logistics của các công ty này đang gặp rắc rối vì sự bùng phát của dịch virus corona. Nếu tình trạng đó kéo dài thêm hai tuần nữa, vấn đề có thể vượt khỏi tầm kiểm soát", ông Kim Young-woo, một nhà phân tích tại SK Securities, nhận định.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc chỉ còn đủ linh kiện cho các cơ sở ở Việt Nam thêm 2 - 4 tuần nữa.

"Vấn đề là nếu doanh nghiệp không có đủ linh kiện, họ sẽ không thể hoàn thiện sản phẩm", ông Hong Sun nhấn mạnh.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 9h (giờ Việt Nam) ngày 21/2, ngoài Trung Quốc đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 76.724 và số ca tử vong là 2.247.

Việt Nam có 16 trường hợp dương tính với covid-19, tuy nhiên toàn bộ đã được điều trị khỏi.

Khả Nhân