|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Việt Nam và Samsung nỗ lực bảo vệ ba nhà máy tỉ đô trước dịch virus corona (covid-19)

18:35 | 12/02/2020
Chia sẻ
Công nhân ở ba nhà máy Samsung tại Việt Nam đều đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên áp lực phòng ngừa dịch virus corona (covid-19) đang đè nặng lên vai các nhà quản lí nhà máy. Trước tình hình đó, chính quyền Việt Nam đã có một số biện pháp hỗ trợ gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc duy trì hoạt động ổn định trong thời gian có dịch.

Nhân viên tại nhà máy Samsung Thái Nguyên - cơ sở lớn nhất của Samsung tại Việt Nam, cho biết cơ sở này đã hoạt động trở lại và công nhân cũng đã bắt đầu sản xuất dòng smartphone S20 mới được ra mắt hôm 11/2 để sản phẩm kịp lên kệ vào ngày 6/3 tới.

Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định nhà máy nêu trên vẫn có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung vì dịch virus corona (covid-19) ở Trung Quốc.

Báo Người Lao động mới đây dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Nếu không được thông quan, tình trạng này có thể làm giảm tới 50% doanh số của Samsung tại Việt Nam trong năm 2020.

Là đơn vị có đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam, Samsung hi vọng sẽ tránh được sự đình trệ trong sản xuất, tình trạng đang xảy ra với các nhà lắp ráp iPhone ở Trung Quốc.

Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết các nhà máy của Samsung ở Việt Nam thường nhập một số linh kiện và vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất.

Nikkei: Việt Nam hết lòng hỗ trợ ba nhà máy Samsung trong dịch virus corona (covid-19) - Ảnh 1.

Đội ngũ quản lí của Samsung Việt Nam vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm của virus corona. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Kể từ khi dịch virus corona (mới được đổi tên thành covid-19) bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ nhằm giảm bớt thủ tục thông quan tại biên giới hai nước.

Tuy nhiên, tính đến ngày 11/2, vẫn còn hàng trăm xe container vật liệu nhập khẩu đang bị kẹt lại ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.

Theo Nikkei, hiện chưa rõ thông tin chi tiết nhưng toàn bộ tài xế xe tải đi từ Trung Quốc vào Việt Nam đều được yêu cầu cách li 14 ngày.

"Tôi đã dành thêm một tuần tại cửa khẩu Hữu Nghị để chờ được thông quan. Tôi không muốn bị cô lập thêm 14 ngày nữa", một tài xế chia sẻ với Nikkei.

Trong khi người tài xế trên vận chuyển dưa hấu và các sản phẩm cùng loại thì các tài xế khác nhận chuyên chở sản phẩm điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các cửa khẩu khác sẽ đóng cửa cho đến hết tháng 2. Phía Trung Quốc hiện tại không có đủ cán bộ để quản lí các trạm kiểm soát ở cửa khẩu.

Các nhà máy của Samsung tại Việt Nam đã mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 30/1 sau khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc.

Trong khi đó, các đối thủ như Apple, Google và Huawei Technologies lại phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khi mà người dân nước này chỉ mới trở lại làm việc sau kì nghỉ kéo dài vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tình hình phòng dịch virus corona ở các nhà máy Samsung Việt Nam như thế nào?

Samsung hiện đang vận hành ba nhà máy ở Việt Nam, trong đó chi nhánh tại tỉnh Thái Nguyên là cơ sở lớn nhất với gần 60.000 nhân viên.

"Khu phức hợp tại Thái Nguyên là nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của Samsung và thiết bị được lắp ráp tại đây được phân phối ra toàn thế giới", một nhân viên tại Samsung Việt Nam cho hay.

"Nhà máy Thái Nguyên đang vận hành bình thường", Nikkei dẫn lời một nữ công nhân cho biết. Tuy nhiên, công nhân này có thể nhận thấy rằng đội ngũ quản lí ở nhà máy vẫn đang trong tâm thế cảnh giác trước khả năng bùng phát dịch virus corona.

"Hàng nghìn công nhân như chúng tôi sinh hoạt dưới cùng chung một mái nhà tại kí túc xá của công ty", cô nói. "Các lãnh đạo luôn nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình trong giờ làm việc, chẳng hạn như rửa tay và đeo khẩu trang".

Trong kì nghỉ Tết Nguyên đán, người dân thường di chuyển qua lại đoạn biên giới dài hơn 1.200 km giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay là một ngoại lệ. Samsung đã hủy bỏ sự kiện chào đón công nhân trở lại làm việc sau kì nghỉ vì lo ngại dịch bệnh.

Nhìn bề ngoài, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra như bình thường, nhưng một công nhân khác tại nhà máy Samsung Thái Nguyên cho hay cơ sở này vẫn đang phải chịu áp lực lớn để tránh không lây nhiễm virus covid-19.

"Hiện tại, hàng trăm người đang ở nhà theo yêu cầu của công ty", nam công nhân tiết lộ. Trong dịp Tết, số công nhân này đã quay về quê nhà nằm gần biên giới với Trung Quốc và cho biết họ có tiếp xúc trực tiếp với người Trung Quốc trong kì nghỉ.

"Họ sẽ nhận được tiền lương đầy đủ trong thời gian nghỉ", nam công nhân trên nói thêm.

Một nhân viên tại nhà máy Samsung Bắc Ninh cho hay một số đồng nghiệp của anh đã bị cách li trong khi nhà máy này tiếp tục làm ra sản phẩm mới.

Các nhà quản lí đang thực hiện thêm nhiều biện pháp phòng ngừa bổ sung bằng cách thiết lập các trạm kiểm soát tại cổng nhà máy để phát hiện các công nhân có vấn đề sức khỏe.

Nikkei: Việt Nam hết lòng hỗ trợ ba nhà máy Samsung trong dịch virus corona (covid-19) - Ảnh 2.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt công nhân ở nhà máy Samsung Bắc Ninh trước khi vào ca làm việc. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Chính quyền địa phương đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để giúp Samsung duy trì hoạt động của các nhà máy. Các quan chức Thái Nguyên đã đến thăm nhà máy Samsung lớn nhất Việt Nam vào ngày 3/2, hứa hẹn sẽ cung cấp đủ nguồn vật tư y tế cần thiết cho Samsung để đảm bảo sức khỏe cho công nhân và ngăn ngừa dịch virus corona lây lan.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, Samsung đã đầu tư hơn 17,3 tỉ USD vào nước ta. Chỉ riêng nhà máy ở Thái Nguyên đã xuất khẩu đến 24 tỉ USD hàng hóa trong năm 2018.

Theo báo cáo của BusinessKorea hồi tháng 3 năm ngoái, Samsung đã công bố doanh thu 74 nghìn tỉ won (tương đương 62,3 tỉ USD) tại Việt Nam vào năm 2018, tương đương 28% tổng sản phẩm quốc nội của nước ta.

Việt Nam hiện là cơ sở sản xuất ở nước ngoài lớn nhất của Samsung, chuyên lắp ráp các thiết bị cao cấp như Galaxy Fold. Doanh thu từ Việt Nam chiếm 30% tổng doanh số năm 2018 của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.

Theo Nikkei, Việt Nam có nhiều lí do để duy trì mạch sản xuất ổn định của Samsung, vì nước ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% trong năm nay. Samsung sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu trên.

Hôm 4/2, Samsung, Bộ Công thương Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã kí biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Sự kiện có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - nay đã được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.