|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021?

08:59 | 11/04/2021
Chia sẻ
Câu hỏi "Khi nào cổ phiếu FLC về mệnh?" của các năm trước hiện đã được giải đáp, sự chú ý của cổ đông sẽ chuyển sang các vấn đề khác như dự định chào bán gần 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn, mục tiêu kinh doanh năm 2020 và kế hoạch niêm yết hơn 1 tỷ cổ phiếu Bamboo Airways.
Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết phát biểu tại một sự kiện do FLC tổ chức. (Ảnh: Đức Quyền).

Ngày 12/4 tới đây, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 để thông qua kết quả kinh doanh năm ngoái, đặt ra mục tiêu hoạt động trong năm nay cũng như bàn thảo về các đề xuất lớn như kế hoạch huy động gần 5.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu.

FLC vừa trải qua một năm 2020 với nhiều thăng trầm. Hai mảng kinh doanh chính của tập đoàn là du lịch và hàng không đều bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Trong 9 tháng đầu năm, FLC lỗ hợp nhất sau thuế hơn 2.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 13%.

Tuy nhiên, tổng kết cả năm 2020, hãng hàng không Bamboo Airways – công ty con của FLC – vẫn báo lãi trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 34% so với năm đầu cất cánh 2019. Báo cáo tài chính hợp nhất cả năm cũng cho thấy FLC có lợi nhuận sau thuế 308 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận này không đến từ hoạt động làm ăn cốt lõi mà xuất phát từ mảng tài chính và đầu tư chứng khoán nhưng việc báo lãi cũng giúp FLC quay lại danh sách cổ phiếu đủ điều kiện cấp margin, giúp làm tăng lực cầu trên thị trường chứng khoán.

FLC đã về mệnh

Ngày 11/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo cổ phiếu FLC đủ điều kiện để các công ty chứng khoán cấp margin trở lại. Đúng hai tuần sau, vào ngày 25/3, FLC vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng tới 64%, kết phiên 9/4 ở 12.000 đồng/cp.

Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu FLC trong khoảng 9 tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Trong đại hội cổ đông các năm 2018 và 2019, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần hứa rằng cổ đông nắm giữ cổ phiếu FLC sẽ có ngày "hái quả" và bản thân ông sẽ mua vào để đẩy FLC vượt mệnh giá.

Tại một sự kiện tổ chức vào tháng 11/2019, ông Quyết còn cam kết chắc nịch rằng FLC sẽ có giá trên 10.000 đồng/cp ngay trong năm 2020. Tuy tin vui đến muộn ba tháng so với dự tính nhưng những cổ đông nào "vững niềm tin, bền ý chí" đều đã được hưởng "quả ngọt" từ đà tăng nóng của FLC mấy tháng qua.

Câu hỏi đau đáu "Bao giờ FLC về mệnh?" của những năm trước đã có lời giải. Những cổ đông lạc quan thì đang mong đợi một tương lai tươi sáng hơn: "Sau khi vượt mệnh, cổ phiếu FLC sẽ tiến lên mốc nào?"

Giá cả là do cung cầu trên thị trường quyết định, nếu ban lãnh đạo có trả lời câu hỏi trên thì cũng chỉ là dự đoán chứ không thể khẳng định chắc chắn. Thực tế những năm trước, lời hứa của người đứng đầu doanh nghiệp không phải khi nào cũng ứng nghiệm.

Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ. Nếu giá FLC đi lên thì cá nhân ông Quyết là người hưởng lợi nhiều nhất.

Kế hoạch tăng vốn lớn nhất lịch sử

Từ năm 2009 đến nay, FLC đã 10 lần nâng vốn điều lệ, tăng từ 18 tỷ đồng ban đầu lên 7.100 tỷ đồng như hiện nay. Lần tăng vốn nhiều nhất là 1.550 tỷ đồng vào năm 2015.

Đại hội cổ đông hai năm 2018 và 2019 đều thông qua kế hoạch phát hành khoảng 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng nhưng thực tế cả hai lần đều không được triển khai vì điều kiện thị trường không thuận lợi.

Bước sang năm 2021, Hội đồng quản trị FLC đề nghị Đại hội cổ đông thông qua phương án chào bán xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu để tăng vốn thêm 4.970 tỷ đồng. Có thể thấy đề xuất tăng vốn lần này lớn hơn hai kế hoạch dang dở trước đó cũng như tất cả những lần tăng vốn đã thực hiện trong lịch sử.

Với việc cổ phiếu FLC đã vượt mệnh giá và đang ở vùng đỉnh 9 năm, kế hoạch chào bán có nhiều điểm thuận lợi hơn so với những lần trước.

Lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm lần này tương đương 70% số cổ phiếu đang lưu hành, tức là cổ đông sở hữu 10 cổ phần được quyền mua thêm 7 cổ phần mới.

Trong thực tế, số lượng cổ phiếu mà cổ đông đăng ký mua đợt đầu thường thấp hơn đáng kể số mà công ty chào bán. Vì vậy, nhiều khả năng FLC sẽ cần phân phối theo phương thức riêng lẻ những cổ phiếu không bán được trong đợt đầu. Trong quá khứ, FLC từng dùng cách chào bán cho các tổ chức và cá nhân có liên quan để tăng vốn, ngay cả khi giá chào bán cao hơn thị giá.

Số tiền huy động được trong đợt phát hành sắp tới (tính theo mệnh giá) ước tính là gần 4.970 tỷ đồng. Trong đó khoảng 470 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động, còn 4.500 tỷ đồng dùng để đầu tư loạt dự án bất động sản ở nhiều địa phương.

Câu chuyện Bamboo Airways

Ngày 5/2 vừa qua, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng nhưng FLC chỉ góp 550 tỷ, vì vậy mà tỷ lệ sở hữu trong hãng hàng không này giảm từ 51,2% còn 39,4%. Nói cách khác, từ tháng 2/2021 trở đi, Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC.

Mặc dù vậy, nhóm cổ đông Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) và ông Trịnh Văn Quyết vẫn nắm giữ trên 80% vốn của Bamboo, cá nhân ông Quyết vẫn đang giữ cả hai chức Chủ tịch FLC và Chủ tịch Bamboo. 

Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021? - Ảnh 4.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền).

Vì vậy, quyền điều hành hãng hàng không mang thương hiệu cây tre vẫn nằm trong tay FLC, không có gì thay đổi.

Trong hai năm đầu bay thương mại 2019 và 2020, Bamboo Airways báo lãi trước thuế lần lượt hơn 300 và hơn 400 tỷ đồng, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ đàn anh cũng như thiệt hại ghê gớm của đại dịch.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cũng báo lãi 70 tỷ trong năm COVID thứ nhất. Ngược lại, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) báo lỗ tới 11.000 tỷ.

Trao đổi với người viết, chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống nhận định: "Các hãng hàng không tư nhân báo lãi nhưng thực ra là lỗ, phải bán các tài sản tích lũy đi để bù đắp thiệt hại do đại dịch. Các hãng tư nhân không mạnh đến nỗi có lãi nhưng rõ ràng là đủ để tồn tại, để vượt qua khủng hoảng".

Việc báo cáo lãi hoặc lỗ có những tác động rất khác nhau, tùy thuộc vào tình hình riêng của mỗi hãng.

Với Vietnam Airlines, doanh nghiệp Nhà nước này luôn vẽ nên một bức tranh u ám, tình hình tài chính nguy ngập với mong muốn được Nhà nước hỗ trợ.

Thực tế, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý phương án giải cứu Vietnam Airlines bằng gói vay 4.000 tỷ đồng được ưu đãi lãi suất. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được phép chào bán cổ phiếu để huy động 8.000 tỷ đồng mà không cần đáp ứng điều kiện "Hoạt động kinh doanh của hai năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi" như quy định tại điều 15 của Luật Chứng khoán 2019.

Với Vietjet Air, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản vay nợ. Nếu báo lỗ, lãi suất mà hãng phải trả sẽ tăng lên.

Với Bamboo Airways, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã thông báo kế hoạch niêm yết 1,05 tỷ cổ phần Bamboo Airways vào quý III/2021 với giá mục tiêu 60.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa 2,7 tỷ USD.

Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021? - Ảnh 5.

Do Bamboo Airways không có được cơ chế đặc thù như Vietnam Airlines nên việc báo lãi trong hai năm liên tiếp 2019 – 2020 là điều kiện cần để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ

Năm 2021, Tập đoàn FLC đặt mục tiêu doanh thu 15.250 tỷ và lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ, tăng lần lượt 13% và 161% so với thực hiện năm 2020. Nếu hoàn thành 100%, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất mà FLC đạt được kể từ 2016 trở lại đây.

Cổ đông FLC quan tâm gì trong đại hội thường niên 2021? - Ảnh 6.

Một khác biệt căn bản trong hoạt động của FLC hiện nay so với các năm trước là sự xuất hiện của mảng hàng không. Bamboo Airways đặt kế hoạch mở rộng đội tàu bay từ 29 chiếc năm 2020 lên 40 chiếc trong năm 2021, bao gồm các dòng thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, thân hẹp Airbus A321/320 NEO, phản lực khu vực Embraer E195.

Hãng cũng dự kiến mở rộng mạng bay lên 70 – 80 đường; trong đó chú trọng các tuyến bay thẳng kết nối các điểm đến du lịch chưa hãng bay nào khai thác. 

Các đường bay tới cảng hàng không Vân Đồn, Phù Cát, Thọ Xuân đã giúp hành khách thuận tiện hơn trong việc di chuyển tới các quần thể nghỉ dưỡng của FLC tại Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hóa.

Đối với thị trường quốc tế, Bamboo Airways dự định bay tới Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia vào tháng 7 sau khi được Chính phủ cho phép. Ngoài ra, hãng hàng không mang thương hiệu cây tre còn muốn bay thẳng đến Mỹ và Đức trong quý III.

FLC sẽ không trả cổ tức của năm 2020 nhưng dự định sẽ trả cổ tức của năm 2021 với tỷ lệ 10% (chưa rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu). Năm gần đây nhất mà FLC trả cổ tức là 2017 với tỷ lệ 4% bằng cổ phiếu.

Song Ngọc