|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện thất bại hai lần, bán nhà hai lượt của một doanh nhân

16:05 | 27/12/2018
Chia sẻ
Hai lần thành công nhanh chóng để rồi rơi xuống vực thẳm với món nợ lớn, ông chủ công ty nội thất Tứ Hưng phải bán nhà hai lần và từng nghĩ tới việc quyên sinh.
chuyen that bai hai lan ban nha hai luot cua mot doanh nhan CEO Nguyễn Hà Linh, chủ hệ thống nhà hàng Thái Koh Yam: Không có thất bại, chỉ có vấp ngã

Tốt nghiệp hệ cao đẳng của Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, vào năm 2003, Đỗ Thanh Tịnh làm thuê cho một số công ty văn phòng phẩm. Sau khi tích lũy chút vốn và kinh nghiệm, anh khởi động hành trình khởi nghiệp lần đầu tiên với công việc đúng chuyên ngành mà anh đã học: Phát hành sách.

Thành công sớm với lần khởi nghiệp đầu tiên

Vốn liếng không lớn nên Tịnh bỏ mối sách tại các cửa hàng sách, báo trước cổng trường và giao báo tại nhà. Năm 2005, cửa hàng sách Nhím Con của anh khá nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh với mảng sách thiếu nhi và thị trường ngách là truyện tranh. Điều khiến của hàng thành công là thay vì chờ học sinh ra cửa hàng để mua, anh chủ động giao sách tại nhà sớm.

chuyen that bai hai lan ban nha hai luot cua mot doanh nhan
Đỗ Thanh Tịnh, người sáng lập công ty nội thất Tứ Hưng. Ảnh: Đỗ Thanh Tịnh

Rồi Tịnh muốn mua bản quyền sách nước ngoài để bán. Vì thế anh quyết định lập công ty mới và đặt tên là Tháng Giêng. Nhờ sự nhạy cảm trong nắm bắt thị hiếu của thiếu nhi, vào giai đoạn cao điểm, anh phải tuyển tới 16 nhân viên giao sách. Thống kê của Nhà xuất bản Trẻ cho thấy vào năm 2006, công ty Tháng Giêng xếp thứ ba toàn miền Nam về phân phối sách, và vọt lên thứ hai vào năm 2007.

Thành công đến ở độ tuổi 24-25 nên Tịnh khá tự tin. Anh nảy ra ý tưởng in sách thay vì chỉ phân phối để tận dụng mạng lưới đại lý đông đảo. Nhưng khi in tới cuốn sách thứ 6, anh cạn vốn. Lúc ấy công ty đã in 30.000 cuốn nhưng chỉ bán được 12.000 cuốn. Kết quả là công ty phá sản với khoản nợ 300 triệu đồng.

"Nguyên nhân thất bại là tôi đã quá nóng vội trong quá trình in sách, không tìm hiểu nhu cầu của độc giả nên không thể bán sách", anh tâm sự. Do khoản lỗ 300 triệu đồng, Tịnh phải bán nhà để trả nợ.

Khởi nghiệp lần thứ hai với mảng điện máy rồi thất bại

Khoảng 10 tháng sau, vào cuối năm 2009, anh phát hiện một cơ hội khởi nghiệp khác với hàng điện máy. Anh mua một số sản phẩm điện máy phổ biến như nồi cơm điện, bàn là, ấm nước rồi thuê mặt bằng ở một ngã tư để bán. Hồi đó, ở TP Hồ Chí Minh, người ta chỉ thấy vài siêu thị điện máy lớn và họ khuyến mại liên tục. Vì thế, Tịnh nảy ra ý định hợp tác với các cửa hàng điện máy nhỏ để thực hiện các chương trình khuyến mại. Anh in các sản phẩm khuyến mại lên tờ rơi rồi phát khắp nơi. Khi khách có nhu cầu mua, họ sẽ tới các địa chỉ cửa hàng điện máy trong rờ rơi.

"Đương nhiên, các cửa hàng điện máy phải nhập sản phẩm của tôi để bán trong khuôn khổ chương trình khuyến mại", Tịnh tiết lộ.

chuyen that bai hai lan ban nha hai luot cua mot doanh nhan
Đỗ Thanh Tịnh khởi nghiệp lần thứ hai với hàng điện máy. Ảnh: blogspot.com

Sau một thời gian, nhận thấy các cửa hàng điện máy bán rất "chạy" và hưởng tỷ suất lợi nhuận cao hơn người bỏ mối, Tịnh nảy ra ý định tự mở chuỗi cửa hàng để hưởng tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Anh thành lập công ty Tứ Hưng và thuê mặt bằng tại quận Thủ Đức để bán hàng.

"Hoạt động kinh doanh rất thuận lợi nên tôi nghĩ tôi nên mở thêm những cửa hàng khác để tăng lợi nhuận", anh kể.

11 cửa hàng tiếp theo lần lượt mọc lên. Không có kinh nghiệm quản trị chuỗi, Tịnh làm theo kiểu "hứng đâu làm đó, sai đâu sửa đó".

"Chỉ 3 cửa hàng có lãi, còn những cửa hàng còn lại hoạt động èo uột và lỗ. Tôi cố lấy những cửa hàng có lãi nuôi cửa hàng lỗ nên cuối cùng công ty phá sản. Tôi gánh khoản nợ 3 tỷ đồng và phải bán hai căn nhà ở quận 9", Tịnh nói.

Sau khi giải thể công ty, Tịnh lang thang hơn một tuần chứ không muốn về nhà. Đang ở đỉnh cao, anh không thể chịu nổi khi lâm vào cảnh phá sản, nợ nần.

"Thậm chí tôi còn nghĩ tới việc lao vào xe tải để quyên sinh", anh thừa nhận.

Nhận thấy tuyệt vọng, chán chường không thể giải quyết thực trạng bi đát, Tịnh quyết tâm làm lại. Anh gặp các chủ nợ, thuyết phục họ giãn nợ để anh tiếp tục kinh doanh.

"Dẹp cái tôi lớn, tôi quyết định đi học kinh doanh một cách bài bản. Không còn nghĩ mình giỏi, tôi học lại từng việc từ đầu", anh kể.

Xem thêm

Đình Cương