|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quán quân Startup Việt 2018: 'Khởi nghiệp tránh được thất bại đã là thành công'

19:40 | 23/11/2018
Chia sẻ
Nhà sáng lập Datamart Bùi Hải Nam cho rằng chỉ cần sống sót bằng cách tránh các thất bại thì startup sẽ có khả năng hiện thực hóa giấc mơ.

22h ngày 15/11, hệ thống Datamart vẫn ở trong tình trạng tắc nghẽn vì lượng truy cập quá lớn. Điện thoại của nhà sáng lập Bùi Hải Nam liên tục đổ chuông, những cuộc gọi chúc mừng, lời mời hợp tác hay đề nghị đầu tư tiếp nối nhau. Cách đó chưa đầy năm giờ đồng hồ, công ty được xướng tên là quán quân cuộc bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức.

Nam bất ngờ vì không nghĩ dự án có thể vào sâu và tự hào về đội ngũ đi cùng. "Tuy nhiên, bây giờ tôi bắt đầu cảm thấy lo là làm thế nào có thể phát triển và phục vụ tất cả khách hàng, cũng cảm thấy kỳ vọng của mọi người dành cho mình lớn hơn", Nam chia sẻ cảm xúc sau chung kết.

Những cơ hội mới

Datamart thành lập vào tháng 5/2017 bằng vốn tự thân của năm nhà sáng lập. Đến tháng 9 cùng năm, công ty đặt ra mục tiêu phải có ngay doanh thu để từ nguồn này tiếp tục phát triển dự án. Nam và đồng sự không có ý nghĩ là chờ làm hết rồi mới giới thiệu sản phẩm bởi "bài học khởi nghiệp cho thấy bạn sẽ lầm tưởng và làm sai rất nhiều".

quan quan startup viet 2018 khoi nghiep tranh duoc that bai da la thanh cong
Bùi Hải Nam, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Datamart.

Thực tế diễn ra đúng với những gì Nam dự tính. Trong vòng hơn một năm qua, phần mềm Powersell giúp kết nối và quản lý bán hàng trực tuyến đa kênh đã ra mắt gần 100 tính năng. CEO cho biết trong số đó chỉ có 20-30% là cái mà thị trường thật sự cần, các tính năng còn lại thì thất bại. Nếu đợi chờ một sản phẩm hoàn hảo nhất thì có khi bây giờ startup còn chưa thể ra mắt thị trường.

Trong khi đó, nhờ định hướng rõ ràng, Datamart đã có doanh thu ngay từ đầu, liên tục hòa vốn, từ đó tái đầu tư cho các bước đi tiếp theo. Dù đến nay chưa có lợi nhuận nhưng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT, đồng thời là giám khảo Startup Việt 2018 đánh giá dự án chưa quảng cáo mà vẫn phát triển nhanh, đạt hòa vốn là điều rất đáng chúc mừng.

Từng có thời gian nói chuyện cùng nhiều nhà đầu tư, Nam nhận thấy yếu tố quan trọng không thể không kể đến là nguồn vốn để hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, quán quân Startup Việt 2018 cho rằng điều quan trọng hơn là xem nhà đầu tư có thể hỗ trợ dự án phát triển ra sao, những công ty nào nằm trong hệ sinh thái của họ và liệu hai bên có thể cộng sinh được với nhau hay không.

"Tiền không phải là mục tiêu hàng đầu khi chúng tôi tìm kiếm nhà đầu tư", anh nhấn mạnh.

Chính vì lý do đó, Nam luôn cân nhắc các quyết định và đến nay Datamart hoàn toàn độc lập về tài chính, chưa có bất cứ một nhà đầu tư nào tham gia. Anh không kỳ vọng mô hình của mình có vốn đầu tư lớn bởi phát triển theo hướng thắt lưng buộc bụng, tự làm, kiếm tiền, tái đầu tư và phát triển.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bình chọn Startup Việt 2018 đã thay đổi hoàn toàn mảng màu đầu tư với Nam và đồng sự. Họ chưa có sự chuẩn bị để đón nhận nhiều lời mời gọi. Trong khi đó, ngoài những cá nhân và tổ chức liên hệ sau cuộc thi, ba huấn luyện viên của chương trình đã nhấn chuông ngay sau phần thuyết trình của Nam. Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch tập đoàn Asanzo cũng tuyên bố đầu tư 5 tỷ đồng cho dự án mà chưa đưa ra bất cứ điều kiện nào.

quan quan startup viet 2018 khoi nghiep tranh duoc that bai da la thanh cong
Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam bất ngờ quyết định rót 5 tỷ đồng cho Datamart ngay tại Gala chung kết Startup Việt 2018.

Quyết định bất ngờ và nhanh chóng của ông Tam khiến Nam ấn tượng bởi thường các nhà đầu tư hay định giá dự án, chắc chắn số lượng phần trăm nắm giữ mới rót vốn. Cách thể hiện của chủ tịch Asanzo được anh đánh giá là "táo bạo và quyết liệt".

"Hiện tại đôi bên chưa trao đổi nên tôi chưa biết định hướng chiến lược của anh Tam thế nào nhưng nếu cả hai đều muốn thương hiệu Việt của mình đi càng xa càng tốt thì kiểu gì cũng làm việc với nhau. Kể cả khi đầu tư hay không thì chúng tôi vẫn có thể thành đối tác chiến lược", anh cho biết.

Trước nhiều cơ hội, Nam không phủ nhận việc sẽ tiếp nhận đầu tư nhưng thận trọng và quan tâm hơn trong vấn đề làm thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả bởi với anh xét cho cùng khi cầm tiền thì có trách nhiệm sinh lời cho nhà đầu tư.

Sống với đam mê

Nhiều người khi tiếp xúc với Bùi Hải Nam thường ấn tượng bởi nguồn năng lượng tỏa ra từ anh. Không mấy ai hình dung vài năm trước đã có những ngày chàng trai sinh năm 1985 phải lê bước đến văn phòng.

Sinh ra tại Hải Phòng, 15 tuổi cậu học sinh đã khăn gói lên Hà Nội học chuyên toán, tự sống một mình rồi thi đậu vào khoa Hệ thống thông tin kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, anh đậu học bổng sang Singapore du học và sau đó làm việc tại một số ngân hàng ở đảo quốc sư tử và Việt Nam. Thời điểm cuối thập niên đầu của năm 2000, ngân hàng là một trong những ngành "hot" nhất, Nam từng bước leo lên vị trí Phó chủ tịch HSBC Singapore nhưng cảm thấy nguồn năng lượng cứ vơi dần theo thời gian.

"Khi ấy mục tiêu của tôi là làm thế nào leo lên vị trí cao nhất càng nhanh càng tốt nhưng sau đó nhận ra sai lầm", anh nói. Thực tế là khi 30 tuổi anh đã đạt được những gì mình mong muốn nhưng lại không biết phải làm gì tiếp theo, tất cả động lực dường như tan biến. Sau những ngày dài lê bước đến văn phòng, Nam bắt đầu nhìn lại tất cả và nhận ra tiềm năng ngành thương mại điện tử với ý định mở một công ty của riêng mình.

Trước khi khởi nghiệp thì phải học khởi nghiệp

Suy nghĩ ấy đã đưa anh về Sài Gòn, gia nhập Lazada, trải nghiệm nhiều vị trí trước khi dấn thân vào con đường của riêng mình. Tại môi trường startup luôn luôn phát triển và nhiều cơ hội mới, với ý chí luôn sẵn sàng đón nhận, không ngại va chạm, dấn thân, Nam đã tìm được trúng mạch nguồn, như máy tính được thay cấu hình mới.

Trong thời gian này, anh có cơ hội gặp gỡ tỷ phú Jack Ma khi ông đến chia sẻ với các quản lý cấp cao của công ty này. Tầm nhìn và tâm huyết của chủ tịch Alibaba trong giấc mơ có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ phát triển đã gây ấn tượng mạnh với Nam.

Theo tỷ phú Trung Quốc, lực lượng này đang chiếm 70-80% dân số ở bất kể quốc gia nào nhưng còn bỏ ngỏ bởi hầu như ai cũng muốn làm việc với các khách hàng lớn chỉ chiếm 10% dân số. Nam cũng nhận ra làm việc với các doanh nghiệp hay nhà bán lẻ nhỏ thì cần công cụ là công nghệ có thể hỗ trợ bởi sức người thì không xuể vì lực lượng này rất đông.

"Đó là lúc tôi nhận ra có thể dùng công nghệ, phân tích - những sở trường của mình bao năm qua ứng dụng cho tập khách hàng đông đảo này. Khi đó tôi nhen nhóm khởi nghiệp để hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ", anh kể về ý tưởng sơ khởi.

Nhưng Nam lại không bắt đầu với Datamart. Sau hành trình hai năm tại Lazada, anh cùng một người bạn góp vốn mở công ty chuyên tư vấn kinh doanh trên thương mại điện tử cho các hãng lớn. 6 tháng sau, cảm thấy nguồn lực của mình không thể nhân ra trên diện rộng mà chủ yếu là bán thời gian và kiến thức, anh quyết định dừng lại và thành lập công ty mới cùng bốn người bạn khác. Họ cùng nhau dành toàn lực phát triển công cụ bán hàng đa kênh, có khả năng tự động hóa mọi thao tác quản lý, thống kê, phân tích doanh số... dựa trên nền tảng big data và AI có tên là Powersell.

Bài học làm thế nào để tồn tại từ trải nghiệm khởi nghiệp đầu tiên cho Nam sự tự tin trong lần thứ hai. Biết được những gì không nên làm giúp anh và đồng sự tiết kiệm không ít thời gian nhưng khi đã startup thì không phải bao giờ cũng đúng hết. Trong khi đó, thương mại điện tử là ngành có đặc thù thay đổi rất nhanh, theo từng phút từng ngày với mức phát triển 200-300% mỗi năm.

quan quan startup viet 2018 khoi nghiep tranh duoc that bai da la thanh cong
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, và Bùi Hải Nam trong lễ vinh danh tối 15/11.

Để thích nghi với thị trường nhiều biến động ấy, không cách nào khác là phải thay đổi nhanh theo. Bản thân Powersell đã đập đi xây lại hệ thống ba lần, liên tục thay đổi các tính năng và số lần thất bại chiếm phần lớn. Nhưng chung quy con số 20-30% phù hợp với người dùng đã mang đến những kết quả thực tế là đến nay Datamart đã đạt 4.000 khách hàng, giúp họ quản lý 5 triệu sản phẩm với 40.000 đơn hàng mỗi ngày.

Công ty đang nhắm đến thị trường mục tiêu là 2,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 30% mỗi năm và ước tính đạt 8 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, theo báo cáo của Google và Temasek.

Việc thích nghi không có nghĩa lúc nào cũng đúng. Nam và đồng sự cùng nhau làm nhiều thứ, thấy sai thì sửa, cố gắng không lặp lại điều đó. Đôi lúc họ biết có thể phải vứt đi, sẽ còn sai rất nhiều nhưng một suy nghĩ khác lớn hơn trong đầu là "hãy cứ làm thôi". CEO tin rằng khi nào mọi thứ đủ tốt thì tự nhiên giá trị công ty mang đến cho khách hàng sẽ tốt hơn, khi đó họ sẽ trả nhiều tiền hơn cho mình.

"Lợi nhuận chính là kết quả, nó sẽ đến khi chúng ta làm tốt", anh chia sẻ lý tưởng. CEO cho rằng công nghệ rất dễ mở rộng và chỉ cần con số khiêm tốn là 10% nhà bán hàng ở Đông Nam Á sử dụng dịch vụ đã bằng với tỷ lệ 100% tại Việt Nam.

"Tôi chẳng có công thức thành công nào. Nhưng làm thế nào tránh được thất bại đã là thành công bởi gần 95% startup thất bại. Chỉ cần nằm trong 5% đó chính là cách để tồn tại và đi tiếp", Nam nhìn nhận tất cả chỉ mới là những bước khởi đầu.

Xem thêm

Viễn Thông