|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022

18:10 | 26/09/2021
Chia sẻ
Không phải ngân hàng, bất động sản, Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá bốn lĩnh vực sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào cuối năm 2021. Đây là bốn ngành mà chuyên gia cho rằng sẽ dễ dàng nhận thấy nhất.

Bốn lĩnh vực hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa

Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital đã có những khuyến nghị về nhóm ngành được hưởng lợi khi nền kinh tế Việt Nam được mở cửa trở lại. Theo đó, VinaCapital kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại vào cuối năm 2021.

Chuyên gia dự báo doanh thu và thu nhập của các công ty hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại dựa trên sự phục hồi kinh doanh của các địa phương và việc dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19 cho phép các công ty sản xuất và bán các sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Bốn lĩnh vực được Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá hưởng lợi từ việc kinh tế mở cửa trở lại gồm hàng không, bán lẻ, hàng tiêu dùng thiết yếu và vật liệu xây dựng. Đây là những ngành được chuyên gia đánh giá là dễ dàng nhận thấy nhất.

Ví dụ, ngành ngân hàng rõ ràng cũng được hưởng lợi từ việc nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Song sẽ có nhiều yếu tố khác như chính sách của Chính phủ liên quan đến nợ xấu sẽ quyết định lợi nhuận của các ngân hàng.

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo VinaCapital.

Trở lại với bốn ngành trên, theo dự báo của ông Michael Kokalari, ngành vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng doanh thu mạnh nhất trong năm nay (khoảng 31%) trong khi ngành hàng không sẽ giảm 39% doanh thu. 

Sang năm 2022, ngành vật liệu xây dựng chỉ có thể tăng trưởng doanh thu 3% trong khi ngành hàng không sẽ hồi phục với tỷ lệ tăng trưởng 166%. Dự báo doanh thu của bán lẻ và hàng tiêu dùng thiết yếu có thể tăng trưởng 13% và 6% năm tới.

Về tăng trưởng EPS, dự báo ngành bán lẻ và vật liệu xây dựng có thể đạt 79% và 34% trong năm nay trong khi nhóm hàng không và hàng tiêu dùng thiết yếu lại sụt giảm. Tới 2022, cả bốn lĩnh vực đều dự báo tăng trưởng trong khi EPS có nhóm hàng không tăng mạnh nhất với 2.131%. Vây cơ sở nào để chuyên gia của VinaCapital đưa ra những nhận định trên?

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022 - Ảnh 2.

Ngành hàng không kỳ vọng sôi động trở lại nhờ tiêm chủng vắc xin COVID-19. Ảnh: Hoàng Linh.

Triển vọng cổ phiếu hàng không: Kỳ vọng vào thị trường nội địa, chưa đón khách quốc tế đến giữa năm 2022

Đánh giá triển vọng nhóm hàng không, theo ông Michael Kokalari, việc di chuyển bằng đường hàng không nội địa tại Việt Nam hiện giảm 90% so với trước thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ. VinaCapital kỳ vọng rằng hàng không nội địa sẽ trở lại như trước khi dịch xảy ra vào cuối năm 2022. Cơ sở của điều này là tốc độ tiêm chủng vắc xin như hiện nay.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này vẫn không kỳ vọng việc vận chuyển hàng khách quốc tế bằng đường hàng không cho đến giữa năm 2022. Điều này có nghĩa rằng vận tải hành khách bằng đường hàng không vẫn thấp hơn 20% so với trước dịch vào cuối năm 2022.

"Dựa trên giả định này, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng hơn 2.000% trong năm tới. Chúng tôi đã loại bỏ Vietnam Airlines (Mã: HVN) khỏi phân tích này vì sự hỗ trợ của chính phủ mà công ty nhận được gần đây gây khó khăn trong việc dự báo EPS của công ty", ông Michael Kokalari nêu quan điểm.

Một điểm được chuyên gia của VinaCapital lưu ý rằng các hãng hàng không có đòn bẩy hoạt động cao. Điều này giải thích tại sao doanh thu tăng 166% nhưng lợi nhuận có thể tăng 2.131%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu hàng không khó có thể tăng 2.000% bởi các NĐT vẫn khá lạc quan về triển vọng dài hạn của các công ty. Hệ quả là, giá cổ phiếu hàng không chỉ giảm 10% so với thời điểm đầu năm 2020.

Bán lẻ kỳ vọng bùng nổ vì nhu cầu bị dồn nén

Tương tự như ngành hàng không, các biện pháp giãn cách xã hội tại các địa phương đã tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành bán lẻ. 

"Khoảng 60 – 80% số cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của PNJ (336 cửa hàng), Thế giới Di động (2.712 cửa hàng) và FPT Retail (625 cửa hàng) chưa thể hoạt động những tháng gần đây. Chúng tôi kỳ vọng hầu hết cửa hàng đó sẽ mở cửa trở lại trong tháng 11", Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định.

Chiều ngược lại, các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc vẫn mở cửa, đem lại lợi ích cho Thế giới Di động (949 cửa hàng) và chuỗi nhà thuốc của FPT Retail. Ước tính doanh thu của Thế giới Di động có thể giảm thêm 10% nếu không có đóng góp từ các cửa hàng tạp hóa.

Bên cạnh đó, mảng dược phẩm của FPT tăng mạnh trong năm 2021 nâng mức tăng trưởng EPS bình quân chung của ngành. Đó là cơ sở để chuyên gia của VinaCapital dự báo tăng trưởng EPS của ngành bán lẻ năm 2022 giảm so với 2021.

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022 - Ảnh 3.

Kỳ vọng ngành bán lẻ phục hồi khi nhu cầu bị dồn nén trong thời gian giãn cách. Ảnh: Hoàng Linh.

Mặt khác, VinaCapital kỳ vọng nhiều khách hàng duy trì việc mua hàng trực tuyến, ứng dụng thương mại điện tử trong tương lai. Trước khi dịch bùng nổ, chưa đến 10% người tiêu dùng mua hàng tại các chuỗi bán lẻ bởi vì ưa thích mua sắm tại các chợ truyền thống.

Một cơ sở khác để VinaCapital đánh giá cao nhóm ngành bán lẻ sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại đó là nhu cầu dồn nén của người tiêu dùng trong nước. Ví dụ, nhiều người trẻ buộc phải trì hoãn đám cưới vì COVID-19. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng yếu tố này thúc đẩy doanh thu của PNJ tăng 5% trong năm tới.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ hàng điện tử ổn định doanh thu năm nay nhờ doanh số từ bán hàng trực tuyến. Bởi vậy, nhóm này sẽ giảm kỳ vọng thúc đẩy bởi "nhu cầu bị dồn nén".

Trên phạm vi rộng hơn, Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua thời kỳ bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Khi đó người dân có nhu cầu toàn diện do "nhu cầu bị dồn nén" với tất cả sản phẩm, không chỉ là một mặt hàng cụ thể như đồ trang sức, thực phẩm…

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022 - Ảnh 4.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể tăng trưởng chậm hơn. Ảnh: Hoàng Linh.

Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tăng trưởng chậm

Trên đây là triển vọng của nhóm bán lẻ, còn với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, theo VinaCapital, người tiêu dùng đã tích trữ những mặt hàng cần thiết trước khi Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Ước tính doanh số bán hàng các sản phẩm như sữa tiệt trùng và thực phẩm đóng gói tăng khoảng 2 – 3% trong năm 2021. Trước khi dịch bùng phát như hiện nay, đây được xem như tỷ lệ tăng trưởng thấp do thu nhập của người tiêu dùng bị tác động trong năm 2020. Tăng trưởng doanh số bán hàng của ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tăng lên 7% so với cùng kỳ trước khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Chuyên gia VinaCapital 'phím hàng' 4 ngành bùng nổ rõ rệt khi kinh tế mở cửa, triển vọng đầu tư năm 2022 - Ảnh 5.

Nhóm vật liệu xây dựng được kỳ vọng sang cả năm 2022. Ảnh: Hoàng Linh.

Nhóm vật liệu xây dựng: Kỳ vọng khi Chính phủ giải ngân sang năm 2022

Nhóm thứ tư được VinaCapital đánh giá sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa đó là vật liệu xây dựng. Các công trình buộc phải tạm dừng từ giữa tháng 7 do yêu cầu về phòng chống dịch tác động đến nhóm vật liệu xây dựng.

Trong tháng 7, khối lượng vật liệu xây dựng bán ra giảm 50% so với tháng trước và tiếp tục giảm vào tháng 8. Tiêu thụ ống nhựa, thép xây dựng và xi măng trong tháng 8 và 9 thấp hơn khoảng 80% so với nửa đầu năm.

Mặc dù vậy, Kinh tế trưởng VinaCaptial kì vọng rằng tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ phục hồi về mức trước khi biến chủng Delta xuất hiện vào cuối năm nay. Cơ sở của giả định này là một số đơn vị như Hòa Phát (Mã: HPG) hay Xi măng Hà Tiên (Mã: HT1) có thể xuất khẩu sản phẩm trong những tháng gần đây. 

Trong khi đó những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa như Nhựa Bình Minh chỉ bán thị trường nội địa, buộc phải cắt giảm 80% sản lượng khi doanh số bán hàng sụt giảm.

Nếu như Hòa Phát hay Xi măng Hà Tiên không thể xuất khẩu sản phẩm, doanh thu toàn ngành sẽ giảm 20% tỏng năm nay thay vì mức tăng 31% như dự kiến.

Cuối cùng, VinaCapital cho rằng sẽ có sự đột biến trong xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong năm tới. Trước đó, các chuyên gia của quỹ ước tính chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng 20% trong năm nay do Chính phủ thông qua mức chi tiêu đầy tham vọng vào năm 2021. 

Tuy vậy, trong 8 tháng đầu năm, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giảm 16% so với cùng kỳ do COVID-19. Theo đó, chi tiêu cho năm 2021 có thể sẽ chuyển sang năm 2022 vì chính phủ muốn phục hồi kinh tế thông qua đầu tư công.

Hoàng Linh