|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Nhập khẩu vàng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá

17:06 | 30/05/2024
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA). Ông cho rằng do số tiền chi ra để nhập khẩu là không lớn, khi cần thiết còn có thể bán ra thu về ngoại tệ.

Lượng ngoại hối chi cho nhập khẩu vàng không lớn

Nhằm kéo giá vàng SJC gần hơn với thị trường thế giới, gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một loạt động thái bao gồm thanh tra thị trường, bán vàng cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Một trong những biện pháp được các doanh nghiệp, chuyên gia nhắc đến nhiều nhưng vẫn đang "bỏ ngỏ" là tăng cường nhập khẩu vàng. Đây cũng là biện pháp gây tranh cãi nhiều trong thời gian qua bởi có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, cho rằng điều này không đáng lo ngại. Ông giả sử NHNN nhập khẩu 10 tấn vàng (tương đương so với số vàng dự trữ, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt), số tiền chi ra hơn 755 triệu USD. 

“So với các mặt hàng nhập khẩu khác, đây là con số có thể chấp nhận được, tại sao chúng ta phải lăn tăn ảnh hưởng đến tỷ giá? Trong khi đó, vàng được xem tài sản, không phải tiêu sản như hàng tiêu dùng. Sau này nếu cần thiết, Việt Nam vẫn có thể huy động từ người dân để xuất khẩu lại được”, ông nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng từng chia sẻ tại toạ đàm ổn định thị trường vàng diễn ra hôm 17/5 cho rằng nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD (theo Hội đồng Vàng Thế giới) - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.

“Chúng ta đang coi việc xuất nhập khẩu vàng như một vấn đề “nguy hiểm” và điều này càng khiến dân chúng hoang mang. Trước hết tư duy về chính sách, phải coi đây là thị trường bình thường, không có gì ghê gớm và hoàn toàn có thể xử lý nhanh”, ông Nghĩa bình luận. 

 

 Chênh lệch giá vàng SJC và thế giới (Nguồn: Fiinpro, Chứng khoán Rồng Việt)

 

 

Nguồn cung vàng miếng SJC đang giảm

Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lượng vàng miếng SJC trong lưu thông ngày càng giảm. Nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng SJC gồm: vàng nguyên liệu của NHNN; vàng miếng thương hiệu khác được NHNN cấp phép và vàng miếng SJC bị biến dạng, không đủ trọng lượng. 

Kể từ sau đợt đấu thầu năm 2013 đến nay, NHNN không tăng cung ra thị trường và nguồn cung dập vàng miếng SJC chỉ dựa vào thị trường thứ cấp. Đồng thời, có những thời điểm khi giá vàng SJC với vàng nguyên liệu chênh lệch thấp thì vàng miếng SJC được chuyển thành vàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bất chấp nguồn cung hạn chế, Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á về nhu cầu tiêu thụ vàng miếng trong năm 2023, theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới.

Cụ thể, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia tiêu thụ vàng miếng lớn thứ 8 trên thế giới và tiêu thụ vàng lớn thứ ba ở châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xét ở góc độ tiêu thụ bình quân đầu người đối với vàng miếng, Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và thứ ba ở châu Á sau Singapore và Thái Lan.

Trong giai đoạn 2008-2012, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, nhập lậu ước tính ở quy mô là 40-60 tấn/năm. Còn theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng giảm từ mức cao kỷ lục 91 tấn trong năm 2011 còn 29-31 tấn trong giai đoạn COVID-19 (2020-2021) và tăng trở lại lên bình quân hơn 40 tấn trong năm 2022-2023.

 Nhập vàng là giải pháp khả dĩ trong ngắn hạn

VDSC cho rằng bàn thảo việc sửa đổi nghị định xoay quanh việc liệu có nên cho nhập khẩu vàng, làm thế nào để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới… dường như chỉ tập trung ở phần ngọn của vấn đề.

Nghị định 24 đã giúp chống vàng hoá nền kinh tế nhưng đồng thời bỏ qua việc điều tiết và quản lý thị trường theo hướng chấp nhận nhu cầu vàng trong dân như một kênh đầu tư và bảo vệ tài sản.

“Chúng tôi cho rằng giải pháp khả dĩ trong ngắn hạn là cho phép nhập khẩu vàng để các cơ sở kinh doanh tự cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, vì mối lo tỷ giá vẫn đang hiện hữu, NHNN có thể sẽ quy định hạn ngạch nhập khẩu hoặc thử nghiệm ở một số đầu mối kinh doanh vàng lớn”, VDSC nhận định.

Đơn vị này cho rằng với mục tiêu không khuyến khích kinh doanh, đầu cơ vàng miếng và giữ ổn định vĩ mô thì giải pháp đấu thầu vàng hay cho phép nhập khẩu vàng miếng chỉ là giải pháp tạm thời. Trong 10 năm qua, NHNN đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân một như một kênh đầu tư và cất giữ tài sản.

"Chúng tôi cho rằng biến động thị trường vàng năm 2024 sẽ là một cơ hội để rút kinh nghiệm trong việc quản lý và điều tiết thị trường vàng cho các giai đoạn tiếp theo", VDSC nhận định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập của Think Future Consultancy, cho rằng khi muốn kiểm soát thị trường vàng và giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới,  không nên quá vội vàng trong việc nhập khẩu, đấu thầu vàng để kéo giá vàng xuống mà việc trước mắt cần làm là tăng tính minh bạch của thị trường.

"Chúng ta sẽ tốn nguồn lực rất lớn để nhập khẩu vàng nhưng không thể đạt ngay mục tiêu là giảm chênh lệch giá giữa hai thị trường gần như bằng 0 [...] Ngoài ra, vàng không có giá trị tăng trưởng kinh tế, đơn thuần là để tích trữ. Vậy chúng ta có cần thiết để bình ổn không?”, ông nói.

H.Mĩ