|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia Mỹ sẽ sang VN điều chế vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi

17:43 | 26/12/2019
Chia sẻ
Tháng 1/2020, chuyên gia nông nghiệp Mỹ sẽ sang phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ bên lề hội nghị: “Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi” sáng nay, ngày 26/12.

Hà Nội thiếu 3.500 tấn thịt lợn hơi trong tháng Tết

Báo cáo công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết từ đầu tháng 2 đến ngày 24/12, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố.

Tổng số lợn tiêu hủy là 5,96 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước).

Dự báo đến hết tháng 12, số lợn buộc tiêu hủy khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11 và giảm 97% so với tháng 5 - tháng cao điểm nhất, buộc phải tiêu hủy 1,27 triệu con.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, do chịu thiệt hại nặng nề từ bệnh dịch tả, tỷ trọng sản lượng thịt lợn dự kiến chiếm tương ứng là 65,6% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Con số này của năm 2018 là 71,5%.

Chuyên gia Mỹ sẽ sang VN điều chế vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Tổng sản lượng thực phẩm tăng 726.000 tấn nhưng sản lượng thịt lợn giảm 13,5% so với năm 2018. Ảnh: Trương Khởi.

Cơ quan này cũng cho biết nhờ phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726.000 tấn so với cùng kỳ.

Tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800-900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Trong đó, thành phố đáp ứng được trên 60%, số còn lại từ các tỉnh, thành phố khác trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 45%.

“Đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tăng khoảng 18-20% so với các ngày thường. Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi”, ông Chinh nói.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, lượng thịt lợn thiếu hụt sẽ được đảm bảo từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các thực phẩm thịt thay thế và khai thác thịt lợn từ các tỉnh, thành lân cận. Ông Chinh dự đoán giá thịt lợn sau một thời gian tăng đột biến sẽ giảm trở lại mức 50.000-60.000 đồng/kg thịt lợn hơi.

Chuyên gia Mỹ sẽ sang Việt Nam nghiên cứu vắc xin phòng chống DTLCP

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định các công tác tăng cường phát triển sản xuất chăn nuôi đang được triển khai mạnh mẽ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dịp Tết Canh Tý cũng như những tháng sau Tết.

Về giải pháp, ông Cường cho rằng cần thúc đẩy sản xuất trong nước làm nền tảng, bên cạnh đó là áp dụng biện pháp thương mại lành mạnh, không để xuất hiện tình trạng từ trục lợi, găm hàng, làm giá,…

“Thị trường thiếu thịt lợn đến đâu thì nhập khẩu đến đó, đảm bảo cân bằng nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia Mỹ sẽ sang VN điều chế vắc xin chống dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng phát triển chăn nuôi bền vững là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn. Ảnh: Business Insider.

Bộ trưởng NN&PTNT cho biết thêm việc nghiên cứu vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Sắp tới, Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ và Hà Lan.

“Vào tháng 1 tới, Mỹ sẽ cử những chuyên gia liên quan tới nông nghiệp sang phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian không xa, cùng với những giải pháp an toàn sinh học, chúng ta đang tạo điều kiện để hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đối với vấn đề giá thịt lợn tăng cao trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Cường cho rằng trước hết phải tăng cường sản xuất. Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới, đảm bảo khâu thương mại, không để trục lợi, găm hàng.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển chăn nuôi mới cần phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, đảm bảo kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn.

“Không thể nào cơ cấu bữa ăn mà 70% thực phẩm trên mâm cơm là thịt lợn. Cái này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu dùng hài hòa với các thực phẩm khác”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Văn Hưng