|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Mức sinh lời tốt của các ngân hàng trong hai năm vừa qua không thể duy trì được mãi

11:42 | 15/05/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng đã tăng trưởng rất tốt trong hai năm vừa qua và sẽ phải điều tiết trở lại trong năm 2023, dự báo tăng khoảng 13-15%.

Tại talkshow "DINSIGHTS tháng 5: Triển Vọng Ngành Ngân Hàng 2023", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Eng, cho biết năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng sẽ phải điều tiết trở lại.

Theo đó, 4 năm vừa qua, lợi nhuận của các ngân hàng tại Việt Nam đã tăng trưởng quá tốt. Hai năm gần đây tăng trưởng trên 30%, đẩy nền lợi nhuận lên mức cao và khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam đã lên đến mức tốt nhất toàn cầu như VIB là 30%, nhiều ngân hàng có ROE ở mức 24-25%.

“Tôi nghĩ đây là mức sinh lời quá tốt và không thể duy trì mãi. Một ngân hàng chỉ cần duy trì ROE đâu đó từ 18-20% là đã khiến nhà đầu tư dài hạn yên tâm. Tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận mà các ngân hàng đặt ra trong năm nay là hợp lý.

Theo ước tính tổng số kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của 17 ngân hàng niêm yết, các ngân hàng đang đặt mục tiêu trung bình là khoảng 13%. Có một số ngân hàng như HDBank đặt mục tiêu rất cao là 30%, chỉ riêng Techcombank đặt chỉ tiêu này xuống thấp”, ông Thành cho hay.

Khi hoạt động của nền kinh tế quay trở lại bình thường, lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm và sắp tới có thể giảm nhanh hơn khiến lãi suất cho vay giảm sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng quay trở lại.

Ông Quản Trọng Thành (bên phải). (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Cùng quan điểm với ông Thành, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2021-2022 tăng trưởng rất tốt. Thống kê từ 29 ngân hàng (các ngân hàng niêm yết và kể cả Agribank) cho thấy lợi nhuận trước thuế bình quân tăng trưởng khoảng 34% trong năm 2022.

Còn năm 2023, lợi nhuận các ngân hàng dự báo sẽ tăng khoảng 13-15%. NIM dự báo sẽ trở lại mặt bằng năm 2021 là khoảng 3,2%. Chuyên gia cho rằng các ngân hàng đã lên kế hoạch thận trọng và sát với tình hình.

Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra, một số ngân hàng tung rất nhiều gói ưu đãi để kích cầu tín dụng và duy trì mục tiêu lợi nhuận. Thực tế trong 4 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã phải trả lãi suất tiền gửi rất cao từ những khoản tiền gửi từ quý IV/2022 đã đáo hạn. 

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư khác (đầu tư chứng khoán, kinh doanh chứng khoán, thu từ phí, mua bán ngoại tệ,...) sẽ không có nhiều đột biến. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cũng phụ thuộc rất lớn vào vấn đề nợ xấu.

Ngân hàng nào sẽ có lợi thế về NIM trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tạo đỉnh?

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc khối quản lý tài sản của VNDirect cho biết ngoài Eximbank và Sacombank có sự cải thiện NIM trong năm 2022 nhờ tái cơ cấu, TOP các ngân hàng có tiến bộ lớn về NIM bao gồm MSB, HDBank, MB, VIB chủ yếu nhờ tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng như TPBank, VPBank ghi nhận NIM giảm chủ yếu là do nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp lớn trong tổng tín dụng.

Trong bối cảnh NHNN sát sao trong việc giảm lãi suất, chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay lần này sẽ giảm tốc nhanh hơn so với lãi suất huy động. Ngân hàng có tỷ lệ CASA cao vẫn có lợi thế hơn trong bối cảnh chi phí vốn vẫn duy trì ở mức cao.

Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân lớn số ít chịu áp lực giảm lãi suất cho vay hơn. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong toàn ngành.

Về lợi thế huy động, nhóm ngân hàng tư nhân nào chịu khó đầu tư về công nghệ,  đặc biệt là đầu tư Mobile app cũng như có hình ảnh về hệ sinh thái vững mạnh sẽ thu hút được nhiều khách hàng cá nhân. Techcombank, MB, VIB, TPBank là những ngân hàng thành công thu hút khách hàng mới trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, huy động vốn từ các tổ chức quốc tế cũng ngày càng quan trọng. Những ngân hàng có tỷ trọng huy động quốc tế cao là Techcombank, VPBank và VIB.

“Mặc dù từ cuối năm 2022 cũng như năm nay, Fed liên tục tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng có huy động vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là tác động ngắn và trung hạn, còn về lâu về dài thì huy động từ tổ chức quốc tế vẫn có vai trò khá quan trọng và đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra căng thẳng thanh khoản như quý IV năm ngoái thì đây cũng là lợi thế của các ngân hàng này”, ông Quang cho biết.

Phương Nga

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.