|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I/2023: Không còn quá sáng màu

14:52 | 09/05/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản, trái phiếu đóng băng, bức tranh lợi nhuận các ngân hàng cũng không còn sáng màu như trước với sự phân hoá mạnh, loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Bảng xếp hạng lợi nhuận phân hoá mạnh trong quý I

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong quý I/2023 không còn quá sáng màu như những gì đã diễn ra vào cùng kỳ năm trước.

Tổng lợi nhuận của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I ghi nhận giảm 3,5% so với quý I/2022 (lúc đó lợi nhuận các ngân hàng tăng 30% so với cùng kỳ). Trên bảng thống kê cũng không còn xuất hiện mức tăng trưởng ba chữ số, số lượng các ngân hàng có lợi nhuận giảm tăng lên và mức giảm cũng sâu hơn.

VPBank, ngân hàng từng giành vị trí "quán quân" lợi nhuận quý I/2022 từ Vietcombank với mức lãi tăng đột biến 178% đạt trên 11.000 tỷ đồng thì nay lợi nhuận của ngân hàng đã giảm về 2.550 tỷ đồng, giảm 77%.

Nguyên nhân của sự chênh lệch này một phần do trong quý I năm nay, VPBank không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước hợp đồng bancassurance (ghi nhận khoảng 5.000 tỷ đồng trong quý I/2022).

Techcombank, ngân hàng luôn duy trì tăng trưởng lợi nhuận theo quý, đã ghi nhận hai quý liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước. Vị trí trên bảng xếp hạng lợi nhuận của ngân hàng cũng bị tụt lại so với BIDV, VietinBank và cả MB.

Sự xáo trộn lớn trong bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng trong quý I cho thấy sự phân hoá về kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Trong nhóm 28 ngân hàng khảo sát có 8 nhà băng đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý đầu năm. Mức giảm sâu nhất ghi nhận tại Ngân hàng Bản Việt (giảm hơn 85%) đưa lợi nhuận trước thuế từ 174 tỷ đồng về còn 26 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận các ngân hàng này giảm so với cùng kỳ là gần 10.500 tỷ đồng.

Sự phân hoá cũng thể hiện trong nhóm Big4 ngân hàng với các mức tăng trưởng có sự cách biệt rõ rệt. Vietcombank giành lại vị trí quán quân lợi nhuận từ VPBank với hơn 11.200 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12,8% so với cùng kỳ. BIDV ghi nhận mức tăng trưởng gấp rưỡi về lợi nhuận, vươn lên giành vị trí thứ hai, còn con số lợi nhuận của VietinBank chỉ nhích nhẹ 2,7% so với cùng kỳ.

 

Ngân hàng đối mặt nhiều thách thức, lợi nhuận khó tăng trưởng cao

Kết quả điều tra thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy các tổ chức tín dụng nhận định các hoạt động kinh doanh của ngân hàng có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng trong quý I.

Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ, thanh khoản hệ thống được cải thiện nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp (chỉ hơn 2%) cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu đi. Tính đến 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với cuối năm ngoái.

Lý giải về việc tín dụng tăng chậm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân làcác doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi COVID-19 nên không đủ điều hiện vay vốn. Còn tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây.

Thống đốc cũng cho rằng tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền. Do đó, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. 

 

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn so với năm trước. Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức dưới 20%.

Điều này cho thấy sự thận trọng trong việc đánh giá tình hình kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023 với nhiều thách thức như sự yếu đi của nền kinh tế, lãi suất cao và nợ xấu trong bối cảnh thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng.

 Đại hội đồng cổ đồng của Techcombank sáng 22/4.  (Ảnh: Diệp Bình)

Trả lời câu hỏi của các cổ đông về kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2023, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết ban lãnh đạo ngân hàng đã có nhiều phương án cho kế hoạch kinh doanh của năm 2023, có phương án lợi nhuận đạt 28.000 tỷ đồng, có phương án 22.000 tỷ đồng và có thể thấp hơn nhưng vẫn đưa ra quyết định trên cơ sở thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

"Chúng tôi đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn.", ông Hồ Hùng Anh nói.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng đã nhận định lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023 sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như năm trước. Cụ thể, theo Fiingroup, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chất lượng tài sản, lãi suất cao và nhu cầu bức thiết phải tăng bộ đệm vốn cho các ngân hàng.

Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản (BĐS), bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực BĐS ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận.

Trên thực tế, số dư nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong quý đầu năm, mức dự phòng rủi ro của phần lớn ngân hàng cũng tăng, mức tăng cao nhất là 28,7% tại Vietcombank và 26,2% tại MSB.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, trong khi đó tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) có thể thu hẹp nhẹ trong một đến hai quý tới.

Chi phí lãi của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong khi thu nhập từ lãi có mức tăng không tương xứng khiến thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng tăng trưởng thấp hoặc giảm trong quý I. Như tại Techcombank, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự tăng 28% so với cùng kỳ trong khi chi phí lãi tăng gấp 2,8 lần khiến thu nhập lãi thuần giảm gần 20%.

 Nguồn: BCTC quý I của Techcombank.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn sẽ có những yếu tố hỗ trợ như việc nới room tín dụng, lãi suất được điều chỉnh theo hướng hạ nhiệt, thu nhập từ phí và việc tăng vốn của các ngân hàng.

Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023. Các ngân hàng nhận định tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng trong quý I/2023, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong quý II/2023.

Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy khoảng 66,7% - 79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023.  88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước).

Các chuyên gia của Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng trong năm 2023, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại với mức tăng khoảng 10% so với năm trước. Con số này trong năm 2022 là 34,6%. Tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có thanh khoản dồi dào và khả năng quản trị rủi ro tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Diệp Bình

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.