|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Rủi ro nợ xấu vẫn đang chực chờ, bức tranh lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hoá mạnh trong năm 2023

07:40 | 23/03/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, rủi ro nợ xấu các ngân hàng bắt nguồn từ các vấn đề về bất động sản, trái phiếu và những rủi ro tiềm ẩn từ COVID-19 vẫn chưa qua đi. Chi phí dự phòng để phòng ngừa rủi ro từ những yếu tố này cũng sẽ khiến bức tranh lợi nhuận các ngân hàng phân hóa trong năm nay.

Ba vấn đề chính của rủi ro nợ xấu

Năm 2023, bên cạnh áp lực về lạm phát hay lãi suất thì chất lượng tài sản đi xuống được cho là một trong những yếu tố lớn nhất cản trở triển vọng kinh doanh các ngân hàng năm 2023. 

Nợ xấu là ách tắc trong tín dụng ngân hàng, nhiều vốn huy động mới là trả nợ cũ, không phải để sử dụng cho vay mới nên tăng trưởng tín dụng rất thấp các tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại tại tọa đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” mới đây.

Tính đến 9/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 1,12%, thấp hơn nhiều so với  kỳ năm trước. 

Giới phân tích nhận định rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng trong năm nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu, sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp.

Chất lượng tín dụng đang đi xuống tại các ngân hàng, nợ xấu đã dần phản ánh vào báo cáo tài chính sau khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6. Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên 1,9% vào cuối 2022, nợ xấu gộp 4,5% (gồm cả nợ đã bán cho VAMC và tái cơ cấu).

Dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn, Chứng khoán Mirea Asset nhận định.

 Nguồn: Chứng khoán Mirea Asset.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ dịch COVID-19 vẫn chưa qua đi, vì tới tháng 6/2022 các ngân hàng mới ngừng tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ của các khoản vay ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Khi vừa hết COVID-19 xong thì cả thế giới lại gặp vấn đề về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nên nhu cầu tiêu dùng cũng yếu đi và các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn. Chưa kể trong bối cảnh lãi suất tăng lên thì rất nhiều doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình trạng bế tắc. Vì vậy tôi cho rằng rủi ro nợ xấu vẫn chịu áp lực tăng lên chứ chưa thể giảm xuống được”, ông Minh cho biết.

Tiếp đó là vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) bao gồm các khoản cho vay lĩnh vực BĐS của các ngân hàng và các khoản trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Đây là những nguy cơ sẽ kéo nợ xấu của các ngân hàng tăng lên trong năm nay.

Báo cáo phân tích của FiinGroup cũng chỉ ra rằng hệ thống ngân hàng cũng đang chịu rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng BĐS, bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu BĐS hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.

Tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ cho vay các ngân hàng

 

 

 

Hãng xếp hạng này chỉ ra 4 yếu tố cho thấy sự ảnh hưởng của BĐS tới chất lượng tài sản của các ngân hàng còn rất lớn.

Thứ nhất, chất lượng tín dụng cho chủ đầu tư BĐS suy yếu do tình trạng tắc thanh khoản và lợi nhuận lao dốc tại các doanh nghiệp này.

Thứ hai, các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi, đến hạn trả nợ gốc và lãi trong năm 2023, trong bối cảnh thu nhập người dân suy giảm hậu COVID.

Thứ ba, nợ xấu chéo từ cục máu đông trái phiếu BĐS, dư nợ trái phiếu BĐS cuối năm 2022 khoảng 420.000 tỷ, trong đó ngân hàng nắm giữ 150.000 tỷ, nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ khoảng270.000 tỷ.

Thứ tư, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi TSBĐ, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

FiinRatings cho rằng các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao (từ cho vay, trái phiếu) sẽ đối mặt áp lực trích lập dự phòng cao hơn những ngân hàng thuần bán lẻ.

Chi phí dự phòng “ăn mòn” lợi nhuận các ngân hàng 

Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, các ngân hàng đã có phương án trích lập dự phòng phù hợp tuy nhiên điều đó sẽ dẫn đến sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận của năm nay, tùy thuộc vào cho vay bât động sản và tỷ lệ trái phiếu của từng nhà băng.

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng chi phí trích lập dự phòng rủi ro sẽ gia tăng trở lại. Trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.

Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng các ngân hàng trong năm tới khả năng cao sẽ phải trích lập kha khá, chi phí dự phòng nhìn chung sẽ có xu hướng tăng và ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng năm nay.

Theo đó bức tranh tổng thể sẽ thấy rõ nét hơn từ quý II và quý III, đặc biệt là thời điểm hết quý II. Giữa các ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Các ngân hàng thương mại tư nhân nhiều khả năng sẽ trích lập dự phòng rất lớn để phòng ngừa những rủi ro phát sinh từ các doanh nghiệp bất động sản và những tiềm ẩn từ COVID-19 vẫn đang còn.

Đối với các ngân hàng quốc doanh thì các ngân hàng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhóm bất động sản và trái phiếu trong năm vừa rồi nên bức tranh lợi nhuận nhiều khả năng sẽ có con số khả quan hơn.

Ngoài ra, những ngân hàng tư nhân có tỷ trọng trái phiếu lớn như Techcombank hay cho vay bất động sản lớn như VPBank hay MB, khả năng cao chi phí dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các nhà băng này. Tuy nhiên cũng có một vài ngân hàng không bị ảnh hưởng từ vấn đề về trái phiếu như ACB, Sacombank hay LienVietPostBank. Tỷ trọng về trái phiếu của các ngân hàng này rất thấp, tín dụng bất động sản cũng không bằng các ngân hàng khác.

“Tôi cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng năm nay sẽ phân hóa rất nhiều. Những ngân hàng bị ảnh hưởng tỷ trọng trái phiếu thì chắc chắn chi phí dự phòng sẽ ăn vào lợi nhuận ngân hàng rất lớn”, ông Minh nhận định.

 Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Ảnh: Bizlive)

Thực tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng tỏ ra thận trọng hơn về kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN, Khoảng 56,4 - 75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022.

Về lợi nhuận, 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022, trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD.

Huyen Vi