|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề thanh khoản, hệ số CAR có thể về dưới 10%

16:54 | 17/03/2023
Chia sẻ
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề thanh khoản. Hệ số CAR có thể sẽ bị kéo từ 11,69% về dưới 10%.

Ngân hàng đối mặt vấn đề thanh khoản

Tại toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" sáng ngày 17/3,  TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết kiểm soát rủi ro là vấn đề lớn đối với ngành ngân hàng tại thời điểm này trong bối cảnh lãi suất cao, tăng trưởng chậm.

Theo đó, các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề thanh khoản. Một vài ngân hàng đang hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bảo toàn thanh khoản (khả năng trả tiền gửi khách hàng, trả nợ).

Sự thiếu hụt thanh khoản đến từ hai nguyên nhân chính. Một là nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại và do đó buộc ngân hàng phải huy động vốn mới với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Hai là các khoản đầu tư nhiều rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 08 để khơi thông thị trường trái phiếu đang đóng băng vì nhiều nhà phát hành đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Cũng vì thiếu thanh khoản nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản.

Cứ như thế, vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao, tạo ra nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thị trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ xuất hiện.

"Sắp tới đây, trái phiếu bất động sản không trả được nợ, hệ số CAR ngành ngân hàng đi về đâu? Hệ số CAR có thể sẽ bị kéo từ 11,69% về dưới 10%. Chúng ta đang trong tình trạng khá rủi ro. Đâu là yếu tố rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới tình hình tài chính ngân hàng Việt Nam?," ông Hiếu đặt vấn đề.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh chụp màn hình). 

Cũng theo ông Hiếu, đối với ngân hàng, hiện tại chất lượng tài sản là vấn đề. Nợ xấu là ách tắc trong tín dụng ngân hàng, nhiều vốn huy động mới là trả nợ cũ, không phải để sử dụng cho vay mới nên tăng trưởng tín dụng rất thấp các tháng đầu năm nay. Với chất lượng tài sản, trong đó có nợ xấu.

Để khai thông nguồn vốn, thứ nhất là làm "cơ thể" ngành ngân hàng lành mạnh cần minh bạch các con số, thông tin về nợ xấu. Nợ xấu không biến mất khi chỉ che dấu nó dưới một vài con số đẹp. Bên cạnh đó, VAMC đã xây dựng sàn giao dịch nợ xấu nhưng giải quyết chẳng được bao nhiêu nên cần làm sao cho sàn này hoạt động thực chất.

Nghị định 42 sắp hết hạn có thể được gia hạn hoặc luật hoá, tốt hơn hết là được luật hoá. Cuối cùng là cơ quan thanh tra, quản lý cần tập trung thanh tra vào bất động sản, chứng khoán.

Giảm lãi suất điều hành là động thái hơi vội

Đánh giá về động thái mới đây của NHNN, ông Hiếu cho rằng việc giảm lãi suất điều hành trong thời điểm này có phần "hơi vội". Bởi Fed trong những ngày qua cho biết sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % có thể trong tháng 3, tháng 5 hoặc phần còn lại của 2023.

Như vậy, mỗi lần Fed tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tỷ giá.

Tuy nhiên, chia sẻ tại toạ đàm, ông Trịnh Quốc Hùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết NHNN, nhận định tình hình lạm phát trên thế giới trong năm 2022 lên rất cao song những gần đây đã chững lại, có dấu hiệu tạo đỉnh.

Lạm phát hạ nhiệt và tình hình thanh khoản tốt là cơ sở hạ lãi suất điều hành để tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng vay vốn và có điều kiện để sản xuất kinh doanh.

"Tăng trưởng tín dụng đến 17/3 khoảng 1%, nếu so với năm 2022 thì thấp hơn nhưng không chênh nhiều với các năm trước, bởi một số nguyên nhân khác quan là quý I rơi vào dịp Tết nên sau thời gian nghỉ quay lại sản xuất kinh doanh chậm, nhu cầu vốn thấp," ông Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, tình hình trên thế giới lạm phát cao nên đơn hàng đặt giảm, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, giảm nhu cầu vay vốn, hai là do tác động COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Về vấn đề tái cấu trúc, Chính phủ đã phê duyệt quyết định 869 tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, quyết định này đã giúp NHTM triển khai các phương án, hướng dẫn ngân hàng xử lý nợ xấu. NHNN cũng đã báo cáo các cấp phê duyệt phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc.

Phương Nga

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.