|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cảnh báo về sự sụt giảm lợi nhuận ngân hàng năm 2023

07:21 | 03/03/2023
Chia sẻ
Tuy lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 cho thấy sự khởi sắc nhưng sang năm 2023, giới phân tích dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự giảm tốc và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như NIM suy giảm, lãi suất tăng, nợ xấu và thị trường bất động sản.

Bức tranh lợi nhuận năm 2022 vẫn cho thấy sự khởi sắc, trong đó có tới 6 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sang năm 2023, giới phân tích cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh và giảm tốc so với năm 2022.

Theo các chuyên gia phân tích những yếu tố chính mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt trong năm 2023 bao gồm mặt bằng lãi suất tăng cao, chất lượng tài sản, những áp lực liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp,...

Mặt bằng lãi suất tăng cao, NIM khó cải thiện

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành 2 điểm %, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn. Sang 2023, giới phân tích cho rằng biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới do lãi suất huy động ở mức cao.

Theo FiinGroup, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong một đến hai quý tới, tạo áp lực lên việc duy trì NIM ở mức như hiện nay.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ.

Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.

Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Dự báo trong năm nay, VNDirect nhận định lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế và các ngân hàng muốn thu hút thêm tiền gửi do tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022.

Các chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset ước tính NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết đạt 3,63%, tăng 0,25 điểm % so với cùng kỳ nhờ tăng tỷ trọng bán lẻ trong danh mục tín dụng tại hầu hết ngân hàng.

Đồng thời cho rằng NIM có khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 khi chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến thu nhập từ lãi không ổn định, chi phí huy động cao hơn do yêu cầu tuân thủ các chỉ tiêu thanh khoản của hệ thống và CASA kém tích cực.

Rủi ro nợ xấu tạo áp lực trích lập dự phòng lớn

Ngoài vấn đề về mặt bằng lãi suất tăng cao, rủi ro nợ xấu cũng sẽ là yếu tố tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi thông tư 14 về giãn nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hết hiệu lực và đã dần phản ánh vào báo cáo tài chính

Trong đó, FiinGroup nhận định rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng BĐS, bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu BĐS hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.

 

“Với các ngân hàng cho vay nhiều BĐS, trong hai năm vừa qua, khi giá BĐS ở mức rất cao, các ngân hàng thường cho vay với tỷ lệ cho vay/ tài sản đảm bảo là 70 -80%. Nếu giá thị trường giảm 20-30% thì tỷ lệ này tăng từ 70% lên lên 100% thì các ngân hàng phải trích thêm dự phòng cho những khoản nợ đó.

Nếu giá BĐS tiếp tục giảm thì rủi ro trích lập dự phòng tăng lên gây ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2023”, ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán nhận định.

Báo cáo của Mirae Asset cũng chỉ ra xu hướng nợ xấu nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Theo đó, lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu.

Dự báo về tỷ lệ nợ xấu năm 2023, SSI Research nhận định tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 0,26 điểm %, lên 1,71% tại các ngân hàng niêm yết, với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực BĐS ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận. theo nhận định của FiinGroup.

Thị trường bất động sản ảnh hưởng lên chất lượng tài sản ngân hàng

Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành ngân hàng năm 2023 là chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên lợi nhuận ngân hàng. Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng, Khối Phân tích Định chế Tài chính FiinGroup, đã chỉ ra 4 yếu tố liên quan đến BĐS ảnh hưởng lên chất lượng tài sản ngân hàng.

Thứ nhất, chất lượng tín dụng cho chủ đầu tư BĐS suy yếu do tình trạng tắc thanh khoản và lợi nhuận lao dốc tại các doanh nghiệp này.

Thứ hai, các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi, đến hạn trả nợ gốc và lãi trong năm 2023, trong bối cảnh thu nhập người dân suy giảm hậu COVID.

Thứ ba, nợ xấu chéo từ cục máu đông trái phiếu BĐS, dư nợ trái phiếu BĐS cuối năm 2022 khoảng 420.000 tỷ, trong đó ngân hàng nắm giữ 150.000 tỷ, nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ khoảng270.000 tỷ.

Thứ tư, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

 

Chuyên gia phân tích cũng cho rằng các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao (từ cho vay, trái phiếu) sẽ đối mặt áp lực trích lập dự phòng cao hơn những ngân hàng thuần bán lẻ.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Mirae Asset cũng chỉ ra rằng khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư BĐS có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ CĐT dành cho người mua nhà. Nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.

"Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư BĐS, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư BĐS, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới", các chuyên gia nhận định.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng BĐS là 1,81%, tương đương 46.500 tỷ đồng, nhích hơn so với cuối năm 2021 là 1,67%. Mảng BĐS chiếm khoảng 21% dư nợ tín dụng toàn hệ thống, quy mô nợ xấu đến từ BĐS chiếm 18- 20% tổng nợ xấu.   

Huyen Vi