Chuyên gia DNSE: Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt, TTCK bứt tốc về cuối năm
Tại tọa đàm “Chiến lược đầu tư 2024” do Chứng khoán DNSE tổ chức ngày 12/1, các chuyên gia nhìn nhận thị trường chứng khoán đã tạo đáy vào tháng 11/2023.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace, quan sát góc độ cung cầu, giai đoạn 2022 chỉ số giảm sâu nhưng thanh khoản vẫn tương đối cao, cho thấy thị trường đã bước qua một giai đoạn mới. Đến tầm tháng 10/2023, nhiều nhà đầu tư lo ngại VN-Index sẽ quay lại đáy cũ 900 điểm năm nhưng điều này rất khó và thực tế đã không xảy ra.
Hiện tại, câu chuyện của thị trường đang xoay quanh nhóm cổ phiếu ngân hàng. Về yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô, ông Tuấn Anh nhận định tăng trưởng năm 2023 không quá lớn, song Việt Nam đang xây dựng nền tảng khá vững chắc. Theo đó, những nhịp điều chỉnh sâu là cơ hội đầu tư dài hạn.
Ông Hồ Sỹ Hòa, Tiến sĩ Kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư DNSE, nhận định với bối cảnh tiền rẻ, kỳ vọng nâng hạng, không có nhiều kịch bản tiêu cực cho VN-Index năm 2024. Mức thấp nhất theo dự báo của ông Hòa là 1.100 điểm, ngược lại cao nhất vượt 1.400 điểm.
Ông Hòa và ông Tuấn Anh đồng thuận diễn biến thị trường sẽ bứt phá nhiều hơn kể từ nửa cuối năm. Khi đó, bức tranh lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh sẽ rõ ràng hơn, kích hoạt việc gia tăng đầu tư vào chứng khoán.
Ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường
Liên quan đến cổ phiếu ngân hàng, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh DNSE, cho biết nhiều nhà đầu tư đã phải chờ đợi khá lâu khi nắm giữ nhóm cổ phiếu này. Dư địa tăng trưởng của cổ phiếu vẫn còn và nhà đầu tư có thể sẽ phải mua giá cao hơn nếu vội vàng bán ra quá sớm. Với sóng cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền sẽ mang tính chất hỗ trợ thị trường lên một tầm cao mới trong năm 2024.
Ông Tuấn Anh ước tính nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng gần đây chỉ mới lãi khoảng vài phần trăm, chưa đáng kể so với những cơn sóng trước đây vào 2006, hay 2020-2021. Điểm đặc trưng của cổ phiếu ngân hàng là các tổ chức sẵn sàng giải ngân số tiền lớn. Tuy vậy, việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cũng còn phụ thuộc chiến lược của mỗi người, ví dụ như mua tích sản hay mua một lần. Hiện tượng đang nhen nhóm khác là trong bối cảnh kinh tế hiện tại, một số ngân hàng lại bắt đầu dùng tiền đi đầu tư, mua tài sản.
Một vấn đề đặt ra trong 2024 là áp lực trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, có thể tác động đến chất lượng tài sản của ngân hàng. Ông Hồ Sỹ Hòa, Tiến sĩ Kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư DNSE, chỉ ra 2024 là đỉnh của trái phiếu doanh nghiệp đến hạn với khoảng 330.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản ước tính chiếm khoảng 30%. Điều này dự kiến sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.
Quan điểm ông Trần Ngọc Báu, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup, vẫn có một số yếu tố để yên tâm hơn trước áp lực TPDN đến hạn. Thứ nhất, lượng trái phiếu có mức rủi ro cao đáo hạn trong 2024 thấp hơn nhiều so với 2023, chỉ khoảng 1/3. Do đó, rủi ro vỡ nợ trái phiếu sẽ bớt áp lực hơn. Thứ hai, câu chuyện về thanh khoản hệ thống ngân hàng, vấn đề về pháp lý cũng đã tương đối rõ ràng, chuyển biến tích cực.
Đồng thuận với bà Linh, ông Báu cho rằng nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như ngân hàng một khi tạo sóng sẽ tạo tác động tích cực đến thị trường chung.
Ông Báu dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của nhóm ngân hàng sẽ khả quan. Động lực tăng trưởng đến từ NIM phục hồi do thường lãi suất giảm thì lợi nhuận sẽ tăng. Câu chuyện hiện tại là lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bước qua 2024, các mảng chính của ngân hàng, điển hình là tín dụng, đem về nguồn thu tốt.
Với câu chuyện nợ xấu, ông Báu dự báo có thể sẽ lập đỉnh vào quý IV và quý I-II/2025. Theo đó, riêng năm nay, mức trích lập nợ xấu dự kiến vẫn tăng, song không nhanh bằng nguồn thu, giúp lợi nhuận trung bình ngành có thể tăng 20%.
Tăng trưởng lợi nhuận bất động sản có thể không tích cực
Về các cơ hội đầu tư khác, ông Hòa gợi ý đến câu chuyện dòng vốn FDI nhờ sự dịch chuyển từ Trung Quốc, tập trung ở mảng sản xuất và bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, vị chuyên gia quan tâm nhiều đến nhóm bất động sản khu công nghiệp, với những đơn vị có quỹ đất lớn, tỷ lệ lấp đầy cao.
Ông Tuấn Anh đồng thuận về tiềm năng lợi nhuận nhóm bất động sản công nghiệp. Nói về ngành bất động sản nói chung, Nhà sáng lập FinPeace hiện ưa thích các doanh nghiệp có công thức kinh doanh rõ ràng. Về các cổ phiếu bất động sản hiện tại, ông Tuấn Anh khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng đối với các mã đã tăng đáng kể từ đáy.
Về mặt cơ bản, ông Báu chỉ ra tăng trưởng lợi nhuận ngành bất động sản xoay quanh Vinhomes (Mã: VHM), với tác động đến 90%. Năm 2024, có thể dòng tiền ngành bất động sản sẽ đỡ áp lực hơn 2023 nhờ tái cấu trúc. Tuy nhiên, yếu tăng trưởng lợi nhuận có thể không tích cực.
Công ty chứng khoán chờ đợi “cú hích” từ câu chuyện nâng hạng
Đối với ngành chứng khoán, ông Tuấn Anh cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rộng mở, hỗ trợ cho tiềm năng kinh doanh của công ty chứng khoán. Nhu cầu đầu tư đang trở thành một nhu cầu thiết yếu, được chứng minh rõ nét vào giai đoạn COVID-19. Từ đó, những đơn vị nào có thể tiếp cận khách hàng nhiều thì càng có cơ hội phát triển.
Còn theo ông Hòa đánh giá, môi trường lãi suất thấp như hiện tại là cơ hội thuận lợi cho các công ty chứng khoán gia tăng vốn bằng nhiều hình thức, bao gồm IPO hay phát hành thêm cổ phiếu. Mặc dù đang có mức định giá tương đối cao tại cuối 2023, ông Hòa cho rằng với câu chuyện nâng hạng thị trường, ngành chứng khoán vẫn còn triển vọng sáng cửa trong năm nay.
Các chuyên gia cũng đề cập đến triển vọng ngành dầu khí. Ông Tuấn Anh cho biết khi giá dầu ở mức cao luôn ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng lợi nhuận ngành. Trong khi đó, câu chuyện giá hàng hóa (commodity), bao gồm dầu khí, dự kiến còn kéo dài trong bối cảnh thế giới như hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đến tính thời điểm khi quyết định giải ngân đối với cổ phiếu dầu khí.