|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?

11:32 | 06/04/2022
Chia sẻ
Với kho vũ khí khổng lồ của mình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai cường quốc là Mỹ và Nga bị kéo vào một cuộc chiến tranh hạt nhân?

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu vào ngày 14/3, “Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không thể tưởng tượng được, giờ đây đã có thể xảy ra”.

Hiệp hội Tâm lý Mỹ khảo sát cho biết gần 70% người Mỹ “lo lắng cuộc xung đột Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân và sợ rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Thế chiến III.”

Các nhà nghiên cứu và các quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công hạt nhân là rất khó xảy ra.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá chỉ thị của Tổng thống Putin và tại thời điểm này, chúng tôi thấy không có lý do gì để thay đổi mức cảnh báo của chính mình”.

Ông Alejandra Munoz, một quan chức phụ trách dự án tại tổ chức hòa bình PAX của Hà Lan cho biết: “Miễn là những vũ khí hạt nhân còn ở đó, có khả năng chúng sẽ được sử dụng.”

Các nhà nghiên cứu, học giả và các nhóm vận động nhằm giảm thiểu rủi ro và giải trừ vũ khí hạt nhân đã viết báo cáo chi tiết về một cuộc tấn công giả định và tác động lâu dài đối với hành tinh và xã hội.

Sức hủy diệt đáng sợ

Theo CNBC, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 12.700 vũ khí hạt nhân được 9 quốc gia nắm giữ, trong đó Mỹ và Nga chiếm đa số. 

Ông Alan Robck, Giáo sư Môi trường học tại Đại học Rutgers có một so sánh về tổng sức mạnh phá hủy của vũ khí hạt nhân hiện nay: “Nếu bạn lấy quả bom được ném xuống Hiroshima, và ném chúng 2 lần mỗi giờ, 12 quả/ngày từ năm 1945 tới nay thì vẫn không thể nào sánh nổi với tổng sức mạnh phá hủy của kho vũ khí hạt nhân hiện tại”. 

 

Vào năm 2014, Tổ chức hòa bình PAX của Hà Lan đã tiến hành một báo cáo nghiên cứu xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu một quả bom hạt nhân phát nổ tại cảng Rotterdam. 

Nghiên cứu giả định cách phát nổ trên mặt đất, ít gây thiệt hại nhất và giảm thiểu phóng xạ. Tuy nhiên, vụ nổ giả tưởng sẽ làm ít nhất 8.000 người thiệt mạng ngay lập tức, nhiều người khác phải chịu bỏng, bị thương và phóng xạ.

Sau vài ngày, số người chết sẽ lên con số 60.000 người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khoảng 120.000 người sẽ sống sót nhưng chịu hậu quả về mặt sức khỏe.

Vị trí phát nổ có thể ảnh hưởng lớn tới mức độ nguy hiểm của bom hạt nhân. Ở những thành phố lớn, nhà cao tầng có thể hoạt động như tấm khiên chắn, ngăn chặn sức phá hoại từ cầu lửa.

Trong trường hợp cuộc tấn công hạt nhân xảy ra, thảm họa y tế là điều không thể tránh khỏi. Số lượng người bị bỏng, bị thương ở mức rất cao, đồng thời do phóng xạ, nhân viên y tế sẽ không thể chăm sóc những bệnh nhân ở khu vực trung tâm của vụ nổ.

CNBC dẫn lời ông Scott Sagan, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế, đại học Stanford nói: “Nếu Tổng thống Putin cảm thấy đang bị sa lầy, ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại những khu vực ít người hoặc thậm chí ngoài biển để đe dọa. Bản thân tôi thấy khả năng này khó có thể xảy ra”.

“Nhiều khả năng, Tổng thống Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại một thành phố của Ukraine, và từ đó bắt buộc Kiev phải đầu hàng vô điều kiện, tương tự như cách Mỹ đã làm năm 1945 tại Hiroshima và Nagasaki”.

Những đám mây hình nấm bom nguyên tử trên Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải). (Ảnh: Charles Levy).

Ngoài những thiệt hại ngay tức thời, một vụ nổ hạt nhân sẽ gây những hậu quả lâu dài cho toàn thế giới. Một báo cáo năm 2014 cho thấy, vũ khí hạt nhân được sử dụng có thể dẫn tới sự sụp đổ trên toàn quốc về cơ sở hạ tầng dịch vụ công cộng, và ảnh hưởng ra ngoài biên giới quốc gia.

Ông Alan Robock giải thích: “Khi vụ nổ xảy ra, khói sẽ bốc lên. Tùy thuộc vào lượng khói này mà mức độ biến đổi khí hậu sẽ nặng hay nhẹ.”

“Một khi nguồn thực phẩm dự trữ cạn kiệt, nếu chúng ta không thể trồng bổ sung lương thực, nạn đói sẽ xảy ra”, ông nói thêm.

“Ví dụ nếu có một cuộc chiến xảy ra giữa Mỹ và Nga, có thể sẽ có nhiều người tại Trung Quốc chết vì nạn đói hơn tổng số người chết của Nga và Mỹ cộng lại”.

Chiến tranh hạt nhân

Nếu Mỹ hoặc đồng minh bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, có khả năng Washington sẽ đáp trả tương tự. Vào này 21/2/2020, Lầu Năm Góc tiến hành “trò chơi chiến tranh” để mô phỏng khả năng về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Lầu Năm Góc giả định Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công một vị trí của NATO tại Châu Âu. Các quan chức tham gia đã quyết định trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Không phải lúc nào những “trò chơi chiến tranh” cũng kết thúc bằng vũ khí hạt nhân. Vào năm 2016, tại Nhà Trắng, các quan chức dưới thời Tổng thống Obama đã giả định việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vào một căn cứ không quân của NATO thuộc vùng Baltic.

Lần đầu, Washington đã quyết định sẽ trả đũa bằng vũ khí thông thường để hạ nhiệt căng thẳng. Trong vòng thứ 2 của “trò chơi chiến tranh” được thực hiện năm 2016, phía Mỹ đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, mục tiêu lại được lựa chọn là Belarus chứ không phải Nga để tránh leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.

Giảm thiểu rủi ro

Khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Joe Biden ủng hộ quan điểm “mục đích duy nhất của việc sử dụng vũ khí hạt nhân là để ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân”. 

Hiện tại, chính phủ Tổng thống Joe Biden vẫn chưa đưa ra quan điểm “mục đích duy nhất” bởi những nguy cơ tiềm ẩn đến từ Nga và Trung Quốc. 

Đã có nhiều nỗ lực nhằm làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân được kí kết vào năm 1968 với tổng cộng 191 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm cả 5 nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiệp ước thường được tóm tắt thành 3 nguyên tắc trụ cột: Không phổ biến, Giải trừ và Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình.

Ông Andrei Gromyko của Liên Xô (giữa) bắt tay ông Geoffrey Harrison của Anh trong khi Đại sứ Mỹ Llewellyn Thompson đứng quan sát sau khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được ký kết vào năm 1968. (Ảnh: TASS/Getty Images)

Tuy nhiên, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Mỹ và Nga ngoài ra còn ký kết thêm hiệp đinh “Khởi đầu mới” nhằm giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên sở hữu. Các giám sát viên của hai nước sẽ kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nhau 18 lần mỗi năm nhưng do đại dịch COVID, hoạt động này đã bị gián đoạn.

Minh Quang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.