Chứng khoán Mỹ tụt dốc sau phát biểu ‘diều hâu’ của quan chức Fed
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite dẫn đầu đà giảm của thị trường khi mất 2,26%, xóa đi mức tăng 1,9% của phiên trước đó. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 281 điểm, tương đương 0,8%, và đóng cửa ở 34.461 điểm. S&P 500 sụt 1,26% còn 4.525 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu phiên 5/4 tương đối tích cực, rồi sau đó đồng loạt đi xuống khi bà Lael Brainard, một thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tuyên bố ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ.
“Hạ lạm phát xuống là công việc tối quan trọng”, bà Brainard phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Fed chi nhánh Minneapolis tổ chức. “Lạm phát đang quá cao và tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn”.
Bà Brainard cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed “sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ một cách có hệ thống thông qua một chuỗi nâng lãi suất và bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán một cách nhanh chóng từ cuộc họp tháng 5 tới”.
Sau phát biểu của bà Brainard, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ Mỹ hạn 10 năm tăng vọt lên gần mức 2,57% như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đây là mức lợi suất 10 năm cao nhất kể từ tháng 5/2019. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng tăng lên mức 2,55%.
Thị trường đặc biệt chú ý đến quan điểm chính sách của bà Brainard vì bà mới được đề cử vào vị trí phó chủ tịch của Ủy ban FOMC – cơ quan có quyền quyết định lãi suất của Fed. Nếu đề cử được chấp thuận, bà sẽ trở thành phó tướng hàng đầu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Bà Brainard cũng được biết đến là người có quan điểm chính sách “bồ câu” – tức là thường ủng hộ lãi suất thấp hơn và nới lỏng tiền tệ nhiều hơn các quan chức khác của Fed. Việc ngay cả bà Brainard cũng thể hiện tư tưởng “diều hâu” – tăng mạnh lãi suất và thắt chặt tiền tệ - cho thấy Fed đang rất nghiêm túc trong việc dập tắt lạm phát.
Cổ phiếu công nghệ nằm trong nhóm giảm mạnh nhất thị trường phiên 5/4, như thống kê dưới đây cho thấy. Amazon mất 2,55%, Apple sụt gần 1,9%. Cổ phiếu các hãng sản xuất chip Nvidia và AMD cũng giảm lần lượt 5,2% và 3,4%. Doanh nghiệp công nghệ thường vay nợ lớn để tài trợ cho hoạt động tăng trưởng nên dễ bị ảnh hưởng khi mặt bằng lãi suất lên cao.
Các nhà đầu tư còn lo ngại nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vì Fed quá nặng tay trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Deutsche Bank là ngân hàng lớn đầu tiên dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái:
"Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chịu thiệt hại lớn vào cuối năm sau và đầu năm 2024 vì các biện pháp thắt chặt chính sách của Fed. Chúng tôi dự báo GDP sẽ tăng trưởng âm hai quý liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng 1,5 điểm %. Đây là những diễn biến của một cuộc suy thoái với mức độ vừa phải".