Chứng khoán Mỹ bước vào khoảng thời gian tốt nhất trong năm, nhưng bỗng phải đương đầu với Fed và lạm phát
Lý do để lạc quan
Tháng 4 là khoảng thời gian lý tưởng đối với chứng khoán Mỹ. Trong 25 năm qua, tháng 4 là tháng tươi đẹp nhất đối với chỉ số S&P 500. Các nhà đầu tư đang hy vọng rằng sau quý I ảm đạm, thị trường sẽ tăng mạnh mẽ trong tháng 4 này, tương tự như các năm trước.
Tuy nhiên, mùa báo cáo kết quả kinh doanh mới cũng sẽ là lúc doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận ảnh hưởng của lạm phát cao kỷ lục lên biên lợi nhuận.
Ông Ryan Detrick, Giám đốc đầu tư tại LPL Financial, nhấn mạnh: “Mùa báo cáo lần này sẽ rất quan trọng. Thời gian qua có quá nhiều tin tức tiêu cực đến mức nhà đầu tư đã hạ thấp kỳ vọng. Nếu doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ một nền kinh tế lành mạnh với lượng người tiêu dùng mạnh mẽ thì điều đó sẽ giúp ích cho thị trường chứng khoán”.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ khởi động vào ngày 13/4, với JPMorgan là một trong số những ngân hàng lớn đầu tiên công bố số liệu. Chứng khoán Mỹ đang đối mặt với khá nhiều lực cản: Ngoài cuộc chiến ở Ukraine, báo cáo việc làm tháng 3 và dữ liệu lạm phát càng cung cấp thêm lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách.
Nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên trong hai tuần cuối của tháng 3, được hỗ trợ một phần bởi kỳ vọng dành cho lợi nhập quý I của các công ty thuộc S&P 500.
Dữ liệu của Bloomberg Intelligence cho thấy giới phân tích dự đoán EPS của các cổ phiếu thuộc rổ S&P 500 sẽ tăng trưởng 5,7% trong ba tháng đầu năm. Lợi nhuận của doanh nghiệp được thúc đẩy bởi giá hàng hóa tăng mạnh trong quý I nhưng cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi các khó khăn của ngành tài chính.
Bà Gina Martin Adams, chiến lược gia hàng đầu tại Bloomberg Intelligence viết trong lưu ý: “Dự báo tăng trưởng EPS của các cổ phiếu thuộc nhóm S&P 500 cho cả 4 quý năm 2022 đều đã được nâng lên, dội gáo nước lạnh vào giả thuyết rằng lạm phát cao và lãi suất đi lên sẽ phá hoại triển vọng.
Tuy mức điều chỉnh không lớn và biên lợi nhuận có thể tiếp tục gặp áp lực, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng, mô hình của chúng tôi cho thấy dự báo chung cho EPS quý I có thể vẫn là quá thấp”.
Chỗ trú an toàn
Các cổ phiếu được coi là an toàn trong S&P 500 như điện năng và bất động sản đang có diễn biến vượt trội so với thị trường chung. Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng đà phục hồi mới nhất của chứng khoán Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu.
Nhóm Big Tech cũng đã phục hồi trong những tuần gần đây. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 tăng 10% kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu tăng trưởng lao dốc khi chi phí đi vay gia tăng, do định giá của nhóm cổ phiếu này là dựa trên tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Giới quản lý quỹ đang nóng lòng muốn biết những công ty này đang làm ăn ra sao.
Ông Ron Saba, nhà quản lý danh mục cấp cao tại Horizon Investments nhận định: “Kỳ báo cáo kết quả sắp tới sẽ rất khó khăn. Chúng ta chỉ mới đang bước ra khỏi đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất vẫn còn bất ổn. Và giờ lại có thêm sự xáo trộn do Nga gây ra. Sẽ rất thú vị khi xem các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xoay xở thế nào với tất cả các yếu tố này”.
Bước ngoặt bầu cử giữa kỳ
Từ lâu, tháng 4 vốn được biết đến là có thể đem lại lợi nhuận xuất sắc cho nhà đầu tư. Kể từ năm 1997, trung bình chỉ số S&P 500 tạo ra tỷ suất lợi nhuận 2,5% trong tháng 4, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp. Bộ dữ liệu từ LPL Financial cho thấy tính theo trung bình từ tận năm 1950, tháng 4 là tháng tạo ra lợi nhuận cao nhất cho chứng khoán Mỹ.
Nhưng năm 2022 lại có điểm khác: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thị trường chứng khoán Mỹ thường vấp váp trong giai đoạn đầu của năm bầu cử giữa kỳ do sự không chắc chắn về kết quả và khả năng thay đổi chính sách ở Washington. Dữ liệu của LPL Financial cho thấy quý II thường là giai đoạn yếu nhất của nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, trung bình chứng khoán Mỹ rớt 2,1% kể từ năm 1950.
Tâm điểm trong tuần
Tâm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này vẫn sẽ là tình hình chiến sự ở Ukraine và Fed. Hôm 6/4, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 3, lúc ngân hàng trung ương này tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Chỉ số S&P 500 đi lên 3,6% trong tháng 3, và Giám đốc đầu tư Sam Stovall của CFRA cho rằng cuộc phục hồi vẫn có thể tiếp diễn: “Tôi nghĩ chứng khoán Mỹ sẽ quay về mức đầu năm. Nhưng rất có thể thị trường phải trải qua một đợt điều chỉnh hay thoái lui khác trước khi có cuộc phục hồi cuối năm”,
Một số quan chức Fed cũng sẽ phát biểu trong tuần này. Thống đốc Lael Brainard có bài phát biểu vào ngày 5/4.
Ông Greg Faranello, trưởng bộ phận lãi suất Mỹ tại AmeriVet Securities, nói rằng biên bản cuộc họp của Fed có thể là trọng tâm chính của những ngày tới.
Nhiều khả năng biên bản của Fed sẽ cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Việc thu hẹp bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD sẽ là một trong những bước đi nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, bên cạnh việc tăng lãi suất.
Ông Faranello nói: “Thị trường đang hiếu kỳ. Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về tốc độ và mức độ Fed dự định giảm quy mô bảng cân đối kế toán".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/