|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuỗi Thegioididong.com giảm tốc, Bách Hóa Xanh 'thử và sai' trước khi trở thành động lực tăng trưởng?

09:47 | 03/08/2018
Chia sẻ
Chuỗi Thegioididong.com sẽ dần giảm tốc và Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục “thử và sai” trước khi trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu kể từ năm 2023 trở đi.

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam mới có báo cáo phân tích về CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG).

Thegioididong.com & Điện Máy Xanh: Triển vọng dài hạn không thực sự tích cực

Sau giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của ngành bán lẻ điện tử, KIS đánh giá triển vọng dài hạn của Thegioididong.com và Điện Máy Xanh của Thế giới Di Động không thực sự tích cực bởi tỷ lệ thâm nhập của mặt hàng điện tử sắp đạt ngưỡng tối đa.

Ở các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, …, lượng người sử dụng hàng điện tử chiếm tới 84% dân số.

Tương tự, ngành bán lẻ điện máy đã gần chạm ngưỡng bão hòa sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Euromonitor, trên 70% hộ gia đình Việt Nam sở hữu những mặt hàng cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện, và khoảng 30% số hộ sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi, …

Ngoài ra, KIS cho rằng việc chuyển đổi các cửa hàng di động thiếu hiệu quả ở những thành phố cấp 2 sang cửa hàng Điện Máy Xanh mini sẽ tối ưu chi phí cho Thế giới Di Động, đồng thời lấy thêm được thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ địa phương – hiện đang chiếm 40% thị trường. Thị trường miền Bắc cũng là đối tượng tiềm năng khi Điện Máy Xanh chỉ mới chiếm 15% thị phần tại khu vực này.

Cạnh tranh không thể tránh từ kênh thương mại điện tử (E-commerce)

Theo thống kê của Statista về lĩnh vực thương mại điện tử, mới chỉ có 6% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh/máy tính để tìm kiếm mua hàng online. Tổng giá trị mua hàng online của Việt Nam năm 2017 xấp xỉ 3 tỷ USD, mới chỉ chiếm 2,3% trên tổng số 129 tỷ USD doanh thu bán lẻ hàng hóa tiêu dùng toàn quốc.

Trong đó, mặt hàng điện tử đạt 841 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ và sẽ sớm vượt mốc 1 tỷ USD. Tổ chức này cũng dự phóng giá trị ngành E-commerce của Việt Nam tăng trưởng trên 30% trong 5 năm tới và chiếm tỷ trọng chủ đạo trong các kênh bán hàng tương tự như các nước phát triển.

Dù Thế giới Đi Động sở hữu các website bán hàng online có lượt truy cập và giao dịch top đầu của Việt Nam như thegioididong.com, dienmayxanh.com, và vuivui.com, song cuộc chiến về giá từ các đối thủ online đang muốn tranh giành thị phần rất có thể làm giảm biên lợi nhuận hoạt động của công ty.

Theo KIS, công ty đang chào mức giá bán các mặt hàng điện tử cao hơn 5%-10% so với đối thủ nhờ uy tín thương hiệu, đồng thời phải chịu chi phí thuê mặt bằng cao hơn.

Ngoài việc các ông lớn ngành E-commerce có nguồn gốc từ Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt với chiến lược chi phí thấp như Lazada (Alibaba), Shopee (SEA group) và Tiki (JD.com), KIS cho rằng những tay chơi thương mại điện tử có uy tín từ các thị trường phát triển như Rakuten (Nhật), AeonEshop (Nhật), Lotte (Hàn Quốc) và thậm chí là Amazon (Hoa Kỳ) sẽ tham gia trong dài hạn, góp phần đưa các sản phẩm có nguồn gốc chất lượng hơn vào thị trường. Đồng thời, tạo ra sức ép cạnh tranh khá đáng kể cho miếng bánh E-commerce Việt Nam trong 10-20 năm tới.

Chi phí thuê mặt bằng ở các đô thị lớn sẽ ngày càng đắt đỏ

Đến cuối quý I/2018, tổng cam kết thuê hoạt động của Thế giới Di Động là 8.900 tỷ đồng, trong đó gần 5.000 tỷ đồng là các cam kết thuê mặt bằng cửa hàng từ 2-5 năm (chiếm 56%), cam kết thuê dưới một năm đạt 1.400 tỷ đồng (chiếm 16%).

Trong khi đó, con số cam kết thuê trên 5 năm chỉ chiếm 28%. Với xu hướng đô thị hóa, tập trung dân cư cộng với phong trào mở chuỗi hàng loạt của các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Vinmart, Family mart, Shop & Go và mới đây là 7-Eleven và GS25, giá thuê mặt bằng ở đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội (hiện ở mức trung bình từ 60USD-150USD/m2 tùy khu vực) đang tăng ở tốc độ chóng mặt, xấp xỉ 10% mỗi năm theo thống kê của CBRE Việt Nam.

Điều này gây lực cản lớn về chi phí chi thuê mặt bằng cho công ty, đồng thời càng hỗ trợ hơn cho xu thế thương mại điện tử dần thay thế kênh bán lẻ truyền thống.

Rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn

Một rủi ro trong ngắn hạn của Thế giới Di Động mà ít người đề cập chính là rủi ro tỷ giá USD/VND gần đây tăng mạnh 2,3% so với đầu năm từ 22.665 lên 23.200 (Tỷ giá mua USD của Vietcombank).

Với phần lớn lợi nhuận của công ty dựa trên việc bán lại các sản phẩm điện thoại/điện máy nhập khẩu, KIS cho rằng đây là một rủi ro lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến biên lợi nhuận gộp nếu tình hình tỷ giá diễn ra tiêu cực hơn dự kiến.

Vì vậy, với những quan điểm trên, KIS dự phóng doanh thu chuỗi bán lẻ của Thế giới Di Động giảm nhẹ 6% cho đến 2020 trong khi doanh thu các cửa hàng đi ngang vì chiến lược cắt giảm bớt lượng cửa hàng.

Ngược lại, doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh dự báo tăng trưởng 22% trong giai đoạn 2017 – 2020. KIS cho rằng mức tăng trưởng của mảng điện máy trong 2-3 năm tới được đóng góp chủ yếu từ việc chuyển đổi cửa hàng Thegioididong.com thành cửa hàng Điện Máy Xanh mini, góp phần thâu tóm thị phần của các đối thủ còn lại.

Đồng thời, chuỗi Bách Hóa Xanh chưa thể đóng góp phần lớn vào tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận, hay định giá của toàn bộ giá trị doanh nghiệp của công ty trong ít nhất 5 năm tới được.

Xem thêm

Minh Anh