Chứng khoán Việt Nam có thể sẽ dần thoát khỏi ảnh hưởng từ thế giới
Tổng dư nợ bất động sản khoảng 1,2 triệu tỉ đồng
Tại hội thảo “ Câu chuyện nâng hạng và triển vọng tươi sáng từ Emerging Market” chiều 16/1, nhận định về kinh tế Việt Nam 2019, ông Hoàng Công Tuấn, trưởng phòng Phân tích Vĩ mô của CTCP Chứng khoán MB (MBS), cho biết Chính phủ vẫn kiên định quan điểm điều hành lấy vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế làm động lực tăng trưởng.
Năm nay, ông Tuấn cho rằng Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát tương đối phù hợp với năng lực của nền kinh tế. Công tác xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục giảm, làm cho hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn.
Theo ông Tuấn, rủi ro chính yếu của kinh tế Việt Nam năm 2019 không đến từ yếu tố nội tại mà chủ yếu đến từ các yếu tố bất ổn ở bên ngoài. Xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ nếu đẩy lên cao trào sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vì cả hai nước này đều là đối tượng thương mại chính của Việt Nam.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng cũng khiến kinh tế Việt Nam chịu áp lực do hàng hóa dư thừa của Trung Quốc tràn sang Việt Nam đồng thời đồng Nhân dân tệ suy yếu tác động tới tỷ giá.
Chuyên gia MBS cho biết, tín dụng dành cho bất động sản theo công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước là 488.000 tỉ đồng, chiếm 7,45% tổng dự nợ tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên theo MBS, nếu cộng thêm tín dụng đổ vào bất động sản, khoảng 50% thì tổng dư nợ bất động sản ước tính 1,2 triệu tỉ đồng.
Hội thảo “ Câu chuyện nâng hạng và triển vọng tươi sáng từ Emerging Market” chiều 16/1. (ảnh: MA) |
Việt Nam có thể được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6/2020
Đánh giá về động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2019, MBS cho biết kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với khu vực ASEAN và thị trường mới nổi. Mặt khác, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dự báo vẫn tích cực. Hiện tương quan định giá của Việt Nam so với các nước trong khu vực tương đối thấp, khoảng 13-14x.
Ngoài ra, MBS cho biết, triển vọng gia nhập MSCI Emerging Market rất khả quan. Theo kịch bản tích cực của MBS, Việt Nam sẽ được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá tháng 6/2020 và sẽ vào diện chính thức được MSCI công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 6/2021.
Theo chuyên gia MBS, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI sẽ phục thuộc vào giá trị vốn hóa và thanh khoản thị trường tại thời điểm được xem xét nâng hạng, do đó, hiện tại vẫn còn quá sớm để ước tính khối lượng vốn sẽ chảy vào thị trường khi MSCI quyết định nâng hạng.
Trên cơ sở dữ liệu và những tính toán sơ bộ của MBS vào thời điểm 28/12/2018, nếu được nâng hạng tỷ trọng 0,3% thì thu hút khoảng 4,5 tỉ USD vào thị trường. Trong đó, những cổ phiếu được các quỹ đầu tư phân bổ vốn là những cổ phiếu lọt rổ thị trưởng mới nổi như VNM, VIC, VHM, HPG…