|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ và châu Âu lao dốc khi ngân hàng Credit Suisse lâm vào thế khó

22:47 | 15/03/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt đi xuống trong phiên 15/3 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Credit Suisse nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Quy mô tài sản của Credit Suisse lớn gấp ba lần so với Silicon Valley Bank (SVB).

Logo ngân hàng Credit Suisse ở trụ sở chính tại thành phố Zurich, Thụy Sỹ. (Ảnh: Reuters).

Tính đến 22h00 ngày 15/3 theo giờ Việt Nam (tức 10h sáng cùng ngày theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 600 điểm, tương đương 1,8%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi xuống tương ứng 1,3% và 1,7%.

Tại châu Âu, chỉ số DAX của Đức rớt 2,74%, các chỉ số FTSE của Anh và CAC của Pháp cùng sụt trên 3%, chỉ số Stoxx 600 đại diện toàn châu Âu cũng đỏ 2,3%.

Trong lúc các nhà đầu tư vẫn chưa hết bất an sau sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, thị trường lại có thêm lý do để lo lắng khi cổ phiếu Credit Suisse có lúc cắm đầu 30% trong phiên sáng 15/3.

Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sỹ và là một trong những nhà băng lớn nhất châu Âu, đồng thời có hoạt động đáng kể tại Mỹ.

Theo Bloomberg, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – ngày 15/3 đã trả lời “tuyệt đối không” khi được hỏi có xem xét bơm thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sỹ này hay không.

Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) mua 9,9% cổ phần của Credit Suisse vào năm 2022 khi nhà băng Thụy Sỹ này phát hành cổ phiếu để huy động 4,2 tỷ USD nhằm phục vụ một cuộc cải tổ chiến lược toàn diện với mục tiêu cải thiện mảng ngân hàng đầu tư và giải quyết hàng loạt vấn đề về quản trị rủi ro và tuân thủ.

“Chúng tôi không thể góp thêm vốn vì nếu làm vậy thì chúng tôi sẽ vượt ngưỡng sở hữu 10%. Đây là vấn đề về pháp lý”, Reuters dẫn lời ông Al Khudairy, Chủ tịch SNB nói hôm 15/3.

Tuy nhiên, ông Khudairy nói thêm rằng SNB rất hài lòng với kế hoạch cải cách của Credit Suisse và cho rằng ngân hàng Thụy Sỹ này nhiều khả năng sẽ không cần thêm vốn.

Cùng ngày 15/3, ông Ulrich Koerner, CEO của Credit Suisse, khẳng định tình hình thanh khoản của ngân hàng mình đang “rất, rất khỏe” và “Chúng tôi hoàn thành và vượt gần như tất cả yêu cầu của cơ quan quản lý”.

Ông Axel Lehmann, Chủ tịch Credit Suisse, từ chối bình luận khi được hỏi liệu ngân hàng của ông có cần sự hỗ trợ của chính phủ trong tương lai hay không. “Chúng tôi được nhà nước quản lý, chúng tôi có tỷ lệ vốn mạnh, bảng cân đối kế toán rất vững chắc. Chúng tôi đang nỗ lực toàn diện, vì vậy đây không phải là vấn đề thảo luận”.

Giá cổ phiếu Credit Suisse trên sàn Thụy Sỹ kết phiên 15/3 ở mức 1,7 franc/cp.

Tại Mỹ, cổ phiếu Bank of America có lúc giảm 2%, Wells Fargo rớt 5%, JPMorgan Chase giảm 4,8%. Ở châu Âu, cổ phiếu HSBC giảm 4,7%, UBS mất 7,4%. Giá cổ phiếu Credit Suisse niêm yết ở Thụy Sỹ sụt sâu nhất 31%, kết phiên 15/3 còn giảm 24%.

Tính đến cuối năm 2022, Credit Suisse Group có tổng tài sản hơn 531 tỷ franc Thụy Sỹ, tương đương 575 tỷ USD. Trong khi đó, Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng mới sụp đổ cuối tuần vừa qua tại Mỹ, có tổng tài sản khoảng 200 tỷ USD.

Đức Quyền