|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ trái chiều: S&P 500 và Nasdaq đi xuống, Dow Jones chạm đỉnh hơn 15 tháng

07:10 | 02/08/2023
Chia sẻ
S&P 500 và Nasdaq Composite giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 khi các nhà đầu tư xem xét một loạt báo cáo tài chính và đánh giá các dữ liệu kinh tế mới. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones đã có lúc chạm đỉnh kể từ tháng 2/2022.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 1/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 71 điểm, tương đương 0,2% và đóng cửa ở mức 35.631 điểm. Trong phiên, đã có lúc Dow Jones chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

Chỉ số S&P 500 mất 0,27%, chốt phiên với 4.577 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,43%, xuống còn 14.284 điểm.

Dow Jones đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ 2/2022.

Cổ phiếu gã khổng lồ dược phẩm Merck giảm 1,3% dù báo cáo khoản lỗ thấp hơn dự kiến và doanh thu vượt kỳ vọng. Caterpillar đã công bố kết quả khả quan, thúc đẩy cổ phiếu tăng 8,9%.

Cổ phiếu hãng dược Pfizer sụt 1,2% sau khi công bố doanh số bán sản phẩm COVID chậm lại, ảnh hưởng kết quả kinh doanh.

Cổ phiếu Uber cũng giảm khoảng 5,7% sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh không hoàn toàn tích cực. Trong khi đó, cổ phiếu của JetBlue đi xuống 8,3% sau khi hạ dự báo kết quả kinh doanh do hoạt động du lịch nội địa chậm lại.

 

Ông Tim Lesko, CEO của Mariner Wealth Advisors, cho rằng phần lớn các diễn biến trong ngày 1/8 có thể là do tình trạng mua quá mức (overbought), nhất là khi sức mạnh của thị trường và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp vẫn vững chắc.

Ông nói: “Thị trường đã bật tăng trong nhiều ngày, giúp các chỉ số lên cao kỷ lục. Về cơ bản, đợt tăng giá lần này là sự giải tỏa khi thảm họa kinh tế không xảy đến”.

“Tôi cho rằng bất kỳ đợt giảm giá nào tại thời điểm này có thể được coi là do thị trường đã ở trạng thái mua quá mức, bởi phần lớn kết quả kinh doanh quý II vẫn mạnh mẽ”, ông nói thêm

Theo FactSet, hơn một nửa doanh nghiệp trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, với 82% vượt kỳ vọng. Tuần này, sẽ có thêm 160 công ty nữa công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đang chuẩn bị cho khả năng lợi nhuận sụt giảm trong quý thứ ba liên tiếp và thấp hơn khoảng 7,1% so với một năm trước. 

 

 

Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan lại thể hiện sự hoài nghi với đà phục hồi của thị trường. Ông viết: “Tin tức tích cực về tăng trưởng và lạm phát đang thúc đẩy sự lạc quan về một kịch bản hạ cánh mềm, trong đó tốc độ tăng giá cả quay trở lại mục tiêu, tạo dư địa cho các ngân hàng trung ương ở những thị trường phát triển nới lỏng chính sách”. 

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hoài nghi về kết quả này, JPMorgan cho rằng lạm phát chưa thể hạ xuống mức mục tiêu và các ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt, khiến khu vực tư nhân dễ tổn thương và chặn đứng đà tăng trưởng toàn cầu”, ông cho biết thêm.

Ông Kolanovic nhận định: “Nhà đầu tư đang định giá cổ phiếu dựa theo khả năng nền kinh tế tiếp tục mở rộng (không hạ cánh) và các ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất và/hoặc nới lỏng định lượng) chứ không phải một cuộc hạ cánh mềm”.

Dữ liệu kinh tế mới được công bố cho thấy việc làm đang tuyển dụng thấp hơn kỳ vọng, trong khi hoạt động sản xuất tiếp tục bị thu hẹp.

 

Minh Quang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.