|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ sẽ phải thất vọng sau khi vui mừng quá đà trong vài ngày qua?

10:49 | 07/10/2022
Chia sẻ
Trong những ngày qua, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng dữ dội khi có một số tin tức khả quan. Nhưng dữ liệu kinh tế luôn biến động hàng tháng và lần tới, khi đón nhận số liệu tiêu cực, thị trường có thể sẽ sụt giảm nặng nề.

 

Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: AP). 

Viên kẹo ngọt

Tờ Wall Street Journal ví các nhà đầu tư Mỹ như những đứa trẻ thèm ngọt được chìa cho một cây kẹo, hớn hở vươn tay ra để rồi lại gào khóc khi bị lấy mất.

Hôm 3/10, “viên kẹo ngọt” của thị trường xuất hiện dưới dạng một tin tức xấu vừa phải về nền kinh tế. Chỉ số sản xuất do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố thấp hơn một chút so với dự báo.

Thông tin này khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua trái phiếu và cổ phiếu dựa trên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt mạnh tay trong lần tăng lãi suất sắp tới.

Viên kẹo khác được tung ra vào ngày kế tiếp. Lợi suất trái phiếu Kho bạc tiếp tục giảm và chứng khoán bật tăng khi có tin là số lượng vị trí đang tuyển dụng đã giảm xuống, báo hiệu thị trường lao động có thể đã suy yếu.

Rắc rối là những dữ liệu đơn lẻ như vậy không có nhiều giá trị cho thị trường. Có nguy cơ nhà đầu tư sẽ gào khóc ầm ĩ khi những viên kẹo lại bị tịch thu, như những gì từng xảy ra trong vài tháng qua.

Tệ hơn, mô hình phản ứng “tin xấu là tin tốt” sẽ lại quay về “tin xấu là tin xấu” một khi suy thoái có vẻ đang tiến sát hơn.

*Được tính bằng số liệu thực tế từ ISM trừ đi dự báo chung. 

Dữ liệu kinh tế giờ đây có tác động đáng kể đến thị trường hơn so với một số yếu khác và chúng ta có lý do thoả đáng cho xu hướng này. Nhà đầu tư sợ rằng các đợt tăng lãi suất nhằm trấn áp lạm phát của Fed sẽ đè bẹp cả nền kinh tế. Triển vọng về lãi suất chi phối biến động giá cổ phiếu. Còn triển vọng của lãi suất thì lại chịu tác động của tình hình kinh tế.

Lối suy nghĩ trên có lý, nhưng rắc rối là dữ liệu kinh tế biến động hàng tháng, còn thị trường lại coi chúng như chân lý bất diệt. Bất kỳ điểm dữ liệu nào cũng có khả năng tạo ra biến động cực đoan theo cả hai hướng. Do đó khả năng thị trường phản ứng thái quá ngày càng tăng.

Trong khi chỉ số sản xuất của ISM biến động khá khiêm tốn thì động thái của thị trường trong phiên 3/10 lại quá lớn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm sụt 0,15 điểm %. Đây là mức giảm lớn thứ hai trong năm, chỉ thua kém hôm 28/9 khi ngân hàng trung ương Anh bất ngờ thông báo chương trình mua trái phiếu khẩn cấp. Chỉ số S&P 500 bật tăng 2,6%.

Để so sánh, báo cáo do ISM công bố vào đầu tháng 7 còn thua kém dự báo chung nhiều hơn ngày 3/10. Nhưng khi đó lợi suất trái phiếu chỉ giảm bằng một nửa và chứng khoán chỉ đi lên 1%, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Ông Jonathan Golub, Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse nhận xét: “Mức giảm của lợi suất trái phiếu Kho bạc phiên đầu tuần thật ngoạn mục”.

Thị trường cũng từng phản ứng thái quá với dữ liệu lạm phát chỉ cao hơn một chút so với dự báo vào tháng 6 và 9.

Trong tháng 6, lạm phát chạm mức 9,1% đã dẫn đến cuộc bán tháo dữ dội suốt hai ngày. Trong tháng 9, tỷ lệ lạm phát được ghi nhận ở mức 8,3% thay vì dự báo 8,1%. Ngay ngày hôm đó, chứng khoán Mỹ cắm đầu giảm 4,3%, còn lợi suất kỳ hạn hai năm thì nhảy vọt thêm 0,19 điểm %.

Ba lời giải

Vì sao thị trường lại quá nhạy cảm với những dữ liệu đơn lẻ đến vậy? Dưới đây là ba giả thuyết:

Thứ nhất, Fed đang theo dõi những dữ liệu này, do đó nhà đầu tư cũng nên làm vậy. Chủ tịch Jerome Powell đã nói rõ rằng Fed đang quan sát các dữ liệu được công bố thay vì dựa vào mô hình của mình.

Kể từ đầu thập niên 1990, đây là lần đầu tiên lãi suất bị ảnh hưởng nhiều đến vậy bởi dữ liệu kinh tế. Do lãi suất có tác động cực lớn lên thị trường, những dữ liệu có ảnh hưởng lên lãi suất cũng có quyền năng khiến giá chứng khoán nhảy múa.

 

 

Thứ hai, thanh khoản đang rất kém. Sự kết hợp giữa thị trường biến động và chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhà đầu tư và nhà tạo lập thị trường ngại rủi ro, đồng nghĩa với việc các động thái mua hoặc bán lớn càng bị khuếch đại.

Cuối cùng, thị trường đang bị bủa vây bởi nỗi sợ rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed sẽ tạo ra hậu quả khôn lường, khiến nhà đầu tư càng tập trung vào ngắn hạn và nhạy cảm với rắc rối tiềm tàng. Tuần trước, thị trường trái phiếu chính phủ Anh rạn nứt và phải được ngân hàng trung ương giải cứu. Đến đầu tuần này, những tin đồng vô căn cứ hôm 3/10 khiến cổ phiếu Credit Suisse chao đảo.

Ông Vineer Bhansali, Giám đốc quỹ đầu cơ LongTail Alpha nói: “Không ai muốn chuốc lấy rủi ro trong môi trường này. Chỉ một đoạn tweet ngắn hay một chút suy yếu cũng đủ để gây ra hỗn loạn. Khi thị trường lao xuống, không ai muốn đi trước nó”.  

Giả thuyết chỉ là giả thuyết, và không giả thuyết nào ở trên đem đến câu trả lời thỏa mãn 100%. Nhưng chừng nào tất cả mọi người còn tập trung vào dữ liệu kinh tế thì bất cứ ai quan tâm tới hiệu suất ngắn hạn cũng phải chú ý cao độ vào những dữ liệu đó.

Nhưng ít nhất, nhà đầu tư nên nhận ra rằng họ không nên hoàn toàn tin tưởng bất kỳ báo cáo kinh tế đơn lẻ nào. Kẹo thì ngon nhưng chúng không cung cấp dưỡng chất thực sự.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.